Với hệ thống sông ngòi chằng chịt, thông thương với các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh Ðông Nam Bộ, giao thông đường thủy nội địa (GTÐTNÐ) Tiền Giang đã hình thành và phát triển rất sớm, góp phần quan trọng bảo đảm giao thông vận tải, phát triển sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, vùng sông nước này cũng tồn tại những bất cập trong bảo đảm an toàn GTÐTNÐ, tiềm ẩn những hiểm họa khó lường.
Thực trạng giao thông thủy ở một vùng sông nước
Tiền Giang hiện có 173 tuyến sông, kênh với tổng chiều dài hơn 1,6 triệu km, bao gồm: tuyến sông Tiền dài 165 km; tuyến kênh Chợ Gạo dài 28,5 km, còn lại 171 tuyến sông, kênh dài hơn 1,4 triệu km. Do hệ thống sông ngòi chằng chịt, từ lâu ÐTNÐ ở Tiền Giang đã trở thành tuyến giao thông thủy quan trọng của người dân miền sông nước. Hầu hết các huyện có vị trí cặp theo tuyến sông Tiền đã dùng phương tiện thủy để đi lại, học sinh đến trường cũng bằng xuồng.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, mỗi ngày có hàng trăm lượt học sinh sử dụng đò ngang, đò dọc đến trường. Các bến đò, ngoài việc đưa đón các em học sinh, mỗi ngày còn tham gia vận chuyển hàng nghìn lượt khách và hàng chục tấn hàng hóa. Do điều kiện sông nước ở Tiền Giang lệ thuộc điều kiện thủy văn, mùa mưa lũ nước thường dâng cao, chảy xiết và xoáy rất nguy hiểm, cho nên thực trạng hoạt động ở các bến đò ngang còn nhiều điều lo ngại, không bảo đảm an toàn giao thông cho hành khách, hàng hóa. Tại các bến đò ngang, vẫn xảy ra tình trạng đò chở quá số hành khách theo quy định, người điều khiển không bằng cấp...
Toàn tỉnh có một cảng chuyên dùng và 514 bến thủy nội địa, trong đó 115 bến khách ngang sông với 210 phương tiện, qua kiểm tra chỉ có 13/115 bến (11,3%) đủ điều kiện hoạt động, chỉ có 62,5% số phương tiện đường thủy có đăng ký và đăng kiểm. Riêng đối với các bến tập kết kinh doanh cát, sỏi, hằng ngày có hàng trăm tàu, thuyền trọng tải từ 10 tấn trở lên đậu bốc xếp hàng hóa. Phần lớn các bến này là bến bãi tự phát không theo quy hoạch, tự ý san lấp bến bãi làm thu hẹp lòng sông, cản trở dòng chảy và sạt lở đê điều.
Những bất cập trong quản lý
Kết quả đánh giá từ cuộc tổng điều tra phương tiện thủy nội địa trên địa bàn tỉnh vừa qua cho thấy, tình trạng vi phạm Luật GTÐT diễn ra khá nghiêm trọng, phổ biến là phương tiện không có đăng ký, đăng kiểm, không trang bị dụng cụ cứu sinh, phòng, chống cháy nổ, và các thiết bị bảo đảm an toàn khác, nhất là người điều khiển không có chứng chỉ chuyên môn, bằng thuyền trưởng, máy trưởng...
Qua tổng điều tra đối với 65.115 phương tiện thủy thì số phương tiện thuộc diện phải đăng ký theo Luật GTÐT là 48.213, thế nhưng, chỉ có 2.072 phương tiện đăng ký đăng kiểm (4,3%). Tổng số người điều khiển phương tiện phải có bằng thuyền trưởng các loại (T1, T2, T3) là 4.022 người, nhưng chỉ có 1.537 người có bằng (38,2%). Tổng số người lái phải có chứng chỉ lái phương tiện là 41.802 người, nhưng chỉ có 5.780 người có chứng chỉ chuyên môn (13,8%).
Trong khi đó, tuyến kênh Chợ Gạo, do bị sạt lở nghiêm trọng từ nhiều năm qua, nhất là đoạn từ km 6 đến km 10+ 300 ở khu vực gần trụ chống va của cầu Chợ Gạo, làm cho khoang thông thuyền chỉ còn 28m, các phương tiện có tải trọng lớn qua lại rất khó khăn, thường xuyên gây ùn tắc và tai nạn giao thông thủy.
Ðại úy Võ Thanh Nhường, Ðội phó Ðội tuần tra kiểm soát Cảnh sát giao thông đường thủy Tiền Giang cho biết: Trên địa bàn tỉnh, có hai khu vực thường xảy ra TNGTÐT là khu vực bến phà Rạch Miễu và khu vực kênh Chợ Gạo. Nguyên nhân do nơi đây là điểm giao nhau giữa các luồng tuyến, phà, đò du lịch, phương tiện vận chuyển trái cây và khai thác cát. Mỗi chiếc sà-lan có bề rộng từ 10 đến 11 m, nếu hai chiếc sà-lan cùng lúc chen nhau qua cầu thì hết sức nguy hiểm, va chạm thường xảy ra ở khu vực này.
Do đó, lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy phải thường xuyên túc trực phối hợp điều tiết cho hàng trăm nghìn lượt phương tiện qua lại để giao thông thông suốt. Kênh Chợ Gạo là tuyến giao thông huyết mạch của Tiền Giang nối với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và TP Hồ Chí Minh, bình quân mỗi ngày có 1.500 lượt phương tiện qua lại. Do bị sạt lở nghiêm trọng kéo dài và chưa được đầu tư cải tạo, cho nên tuyến kênh này trở thành "điểm nóng" về giao thông thủy. Trong tháng 3 vừa qua, đã xảy ra hai vụ tai nạn, một vụ chìm đò khách làm chết bốn người và một vụ chìm sà-lan chở cát ngay tại cầu Chợ Gạo.
Theo Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy Tiền Giang, việc xử lý những vi phạm TTATGTÐT ở đây còn nhiều bất cập. Lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy quá mỏng, đồng thời chưa có các công trình, địa điểm tạm giữ phương tiện, cho nên khi chủ phương tiện vi phạm chỉ dừng lại ở mức lập biên bản, phạt hành chính rồi tiếp tục cho hoạt động. Nhiều trường hợp dân xây dựng nhà hàng, khách sạn lấn chiếm trái phép đường sông, nhưng chính quyền địa phương vẫn cho "hợp thức hóa"...
Giải pháp khắc phục
Những bất cập tồn tại ở Tiền Giang nhiều năm qua, trước hết là do các chủ phương tiện không chấp hành nghiêm quy định đăng ký, đăng kiểm; người điều khiển phương tiện không có bằng, không có chứng chỉ chuyên môn, hầu hết người dân sử dụng phương tiện theo kiểu cha truyền, con nối và chưa có ý thức chấp hành Luật GTÐT.
Mặt khác tuyến kênh Chợ Gạo nhiều năm nay xuống cấp nghiêm trọng, nhưng vẫn chưa có phương án khả thi để khắc phục.
Nhằm lập lại trật tự an toàn GTÐTNÐ trên địa bàn, Trung tá Nguyễn Văn Hùng, Trưởng phòng CSGTÐT Tiền Giang cho biết: Ðể bảo đảm an toàn cho hoạt động vận chuyển hành khách ngang sông, nhất là trong mùa mưa lũ, Phòng CSGTÐT đã tham mưu cho Ban Giám đốc công an tỉnh ban hành quy định phân cấp các tuyến giao thông thủy, giao trách nhiệm quản lý, đồng thời đề xuất Ban An toàn giao thông tỉnh, UBND tỉnh chỉ đạo các ban, ngành, chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật GTÐT, in phát tài liệu đến các xã có bến đò và người điều khiển phương tiện, từng bước nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong quá trình hoạt động.
Ngoài việc tổ chức kiểm tra định kỳ, lực lượng cảnh sát GTÐT sẽ thường xuyên phối hợp Ðoạn Quản lý đường sông, Chi Cục đăng kiểm, Thanh tra giao thông... tổ chức kiểm tra đột xuất nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm, chủ động phòng ngừa tai nạn giao thông. Tích cực vận động toàn dân tham gia cuộc vận động "người đi đò mặc áo phao", củng cố, chỉnh trang, nâng cấp phương tiện, thay thế và bổ sung đủ cơ sở áo phao và các dụng cụ cứu sinh, cứu nạn khác.
Ðầu tư gia cố đường lên xuống các bến đò, ký cam kết không chở quá tải, quá số ghế quy định và đôn đốc nhắc nhở khách đi đò mặc áo phao phòng ngừa, hạn chế thiệt hại khi xảy ra tai nạn.
Những bến đò nào không bảo đảm an toàn như đường lên xuống bến lầy lội, người lái đò không có chứng chỉ chuyên môn, phương tiện cũ nát, không đăng ký hoặc đăng kiểm... thì kiên quyết đình chỉ hoạt động.