ND - Hiện nay, ở nước ta tiếng Anh được dạy như một ngoại ngữ phổ biến và quan trọng hàng đầu. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế thì việc dạy và học tiếng Anh trong các trường học nhất là các trường đại học không chuyên ngữ vẫn còn không ít bất cập.
Những "lỗ hổng"
Ở nước ta, thời lượng môn tiếng Anh theo quy định trong các chương trình khung bậc đại học đã được Bộ Giáo dục và Ðào tạo ban hành là mười đơn vị học trình (tương đương 150 tiết lý thuyết). Căn cứ vào khối lượng kiến thức tối thiểu của chương trình khung, các trường đại học không chuyên ngữ xây dựng chương trình đào tạo nhiều hơn với tổng thời lượng trung bình khoảng 16 đơn vị học trình (tương đương 240 tiết).
Tuy nhiên, trình độ tiếng Anh của sinh viên các trường đại học không chuyên ngữ nước ta thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Phần lớn sinh viên chưa đủ năng lực để sử dụng tiếng Anh làm phương tiện học tập, nghiên cứu, tham khảo tài liệu và giao tiếp hằng ngày. Hiệu quả sử dụng tiếng Anh của sinh viên tốt nghiệp còn thấp. Thậm chí, tiếng Anh còn là điểm yếu của sinh viên ra trường khi đáp ứng các yêu cầu về công việc của nhà tuyển dụng. Sự hạn chế về trình độ của sinh viên cũng chính là kết quả của những bất cập ở tất cả các khâu như tổ chức giảng dạy, giáo trình, giảng viên, thiết bị học tập...
Qua một cuộc khảo sát mới đây của Bộ Giáo dục và Ðào tạo tại 59 trường đại học không chuyên ngữ cho thấy, trong quá trình đào tạo và tổ chức dạy tiếng Anh có 87,2% số trường xác định tiêu chí xây dựng chương trình chi tiết môn tiếng Anh.
Tuy nhiên, các tiêu chí này còn chung chung, không cụ thể về chuẩn trình độ sử dụng tiếng Anh cho từng năm học hoặc sau khi kết thúc môn học. Ðáng chú ý, trong các trường được khảo sát có 94,6% số trường sử dụng các giáo trình có sẵn để phục vụ giảng dạy tiếng Anh cơ bản và 82,1% giáo trình tiếng Anh chuyên ngành do các trường sưu tầm, biên soạn lại.
Hầu hết các trường không quan tâm rà soát, chỉnh sửa chương trình chi tiết, giáo trình và tài liệu môn tiếng Anh nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Do đó, khi áp dụng hoàn toàn giáo trình có sẵn của các nước hoặc chỉ chỉnh sửa mà không có chuẩn chung sẽ không phù hợp với điều kiện thực tiễn của giáo dục nước ta và khó đáp ứng trình độ chuẩn theo nhu cầu xã hội.
Không chỉ chương trình, giáo trình đào tạo mà đội ngũ giảng viên giảng dạy môn tiếng Anh cũng bộc lộ không ít hạn chế. Trung bình mỗi trường đại học không chuyên ngữ có 16 giảng viên cơ hữu môn tiếng Anh, trong đó, 50% số giảng viên chỉ có trình độ đại học. Số giảng viên cơ hữu môn tiếng Anh so với số quy mô sinh viên đào tạo của các trường là quá ít, trung bình cứ 200 sinh viên thì mới có một giáo viên. Như vậy, bình quân đội ngũ giảng viên cơ hữu bộ môn tiếng Anh của một trường chỉ bảo đảm khối lượng giảng dạy được 55%, còn lại 45% phải mời giảng viên thỉnh giảng.
Bên cạnh đó, phương pháp dạy và học tiếng Anh của các trường vẫn chủ yếu là phương pháp truyền thống, lạc hậu, thiên về dạy ngữ pháp, từ vựng và có xu hướng tập trung quá nhiều vào tiếng Anh chuyên ngành chứ không phải rèn luyện kỹ năng sử dụng tiếng Anh. Việc rèn luyện các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết rất ít do cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ giảng dạy còn rất nhiều hạn chế. Hiện nay vẫn còn 30,3% số trường chưa trang bị phòng máy có kết nối in-tơ-nét cho sinh viên học tiếng Anh.
Trong khi đó, thời lượng sử dụng các phòng luyện tiếng Anh còn rất thấp, mới chỉ đạt gần 10% tổng thời lượng dành cho sinh viên luyện tập trong phòng luyện tiếng Anh... Trong số những trường khảo sát đánh giá khả năng đáp ứng yêu cầu công việc của sinh viên tốt nghiệp về kỹ năng sử dụng tiếng Anh tại doanh nghiệp cho thấy, có 49,3% sinh viên đã đáp ứng được yêu cầu của đơn vị sử dụng, còn lại 50,7% không đáp ứng được yêu cầu hoặc phải đào tạo thêm...
Cần có chuẩn trình độ phù hợp với chuẩn quốc tế
Có thể nói, vai trò của ngoại ngữ nói chung, tiếng Anh nói riêng trong thời kỳ mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế là rất cần thiết. Trong hệ thống giáo dục của đất nước ta, môn tiếng Anh đã được thực hiện rộng rãi ở nhiều cấp học gồm cả bậc học đại học. Tuy nhiên, các trường chủ yếu mạnh ai nấy làm, chưa thống nhất được chuẩn các cấp độ tiếng Anh phù hợp thực tế giáo dục nước ta và chuẩn quốc tế, đồng thời đáp ứng kịp nhu cầu xã hội. Chính vì vậy, nhận diện được các điểm yếu để đưa ra các biện pháp và công cụ thích hợp trong dạy và học tiếng Anh là rất cần thiết. Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Ðào tạo) cho rằng: Các trường cùng khối ngành cần phối hợp xây dựng chương trình chi tiết môn tiếng Anh theo chuẩn năng lực sử dụng và thông báo công khai cho người học. Cần xây dựng được hệ thống chuẩn về các cấp trình độ sử dụng có tính thống nhất, chặt chẽ, xuyên suốt mà sinh viên phải đạt được sau mỗi khóa học. Kiểm tra đầu vào để phân loại và sắp xếp những sinh viên cùng trình độ vào một lớp tạo điều kiện thuận lợi cho giảng viên trong soạn thảo và đưa ra phương pháp giảng dạy hợp lý.
Thiết lập hệ thống công nhận trình độ tiếng Anh độc lập tương đương khung chuẩn các trình độ tiếng Anh trên thế giới áp dụng (CEF). Bên cạnh đó, các trường cũng xác định và công bố chuẩn năng lực tiếng Anh, năng lực sư phạm đối với giảng viên và thường xuyên lập kế hoạch bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn.
Tăng cường hợp tác, sử dụng giảng viên tiếng Anh người nước ngoài đủ tiêu chuẩn và đáp ứng yêu cầu của Nhà nước vào giảng dạy cho sinh viên.
Còn các chuyên gia giáo dục thì nhận định: Phải thực hiện tốt công tác dự báo nhu cầu xã hội, trong đó nhu cầu về chuẩn trình độ tiếng Anh thuộc lĩnh vực sinh viên được đào tạo. Mặt khác, việc đầu tư thành lập các trung tâm ngoại ngữ trong trường có khả năng giảng dạy, thực hành để rèn luyện kỹ năng ngoại ngữ là hết sức cần thiết cho sinh viên, nhằm góp phần đạt mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xã hội thời kỳ hội nhập.
Mạnh Xuân