Giảm thiểu phát thải rác điện tử

NDO - Cuộc cách mạng 4.0 đã và đang mang lại những giá trị, tiện ích nhất định cho con người nhưng cũng kéo theo không ít hệ lụy về rác điện tử. Hiện trung bình mỗi năm các quốc gia trên thế giới thải ra môi trường khoảng hơn 60 triệu tấn rác thải điện tử.
0:00 / 0:00
0:00
Các đồ gia dụng, thiết bị sử dụng điện cũ hỏng.
Các đồ gia dụng, thiết bị sử dụng điện cũ hỏng.

Riêng năm 2022, các quốc gia đã thải ra môi trường khoảng 62 triệu tấn rác thải điện tử, tăng khoảng 82% so năm 2010. Vào năm 2030, ước tính số lượng rác thải này sẽ là 82 triệu tấn, tăng thêm khoảng 32%.

Ở Việt Nam, theo thống kê của Viện Khoa học và Công nghệ môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội mỗi năm nước ta thải ra khoảng 100 nghìn tấn rác điện tử. Số lượng rác này có thể sẽ tăng lên theo từng năm, bởi người tiêu dùng luôn có xu hướng thay mới các thiết bị điện và điện tử.

Giảm thiểu phát thải rác điện tử ảnh 1
Các vi mạch, bo mạch điện tử từ các thiết bị điện, điện tử cũ, hỏng tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Rác thải điện tử bao gồm: Bóng đèn, pin, các thiết bị điện, điện tử; thiết bị chứa màn hình; thiết bị công nghệ thông tin; tấm pin năng lượng mặt trời… được thải ra môi trường sau khi hết hạn sử dụng.

Theo Luật Bảo vệ môi trường, rác thải điện tử là chất thải nguy hại có chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, lây nhiễm, dễ cháy, dễ nổ, gây ăn mòn, gây nhiễm độc hoặc có đặc tính nguy hại khác.

Loại rác này chủ yếu được làm từ các loại nhựa có chứa nhiều hóa chất, kim loại nặng độc hại như: thủy ngân, chì, cadmium nếu không được thu gom và xử lý đúng quy định sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ngoài ra, do được làm từ các loại nhựa cho nên thời gian phân hủy của loại rác này kéo dài từ 500 đến 1.000 năm.

Cả nước hiện có rất nhiều cơ sở lớn, nhỏ thu gom, xử lý và tái chế rác điện tử, nhưng hoạt động này chủ yếu vẫn theo phương pháp thủ công (bóc, tách, đốt, chôn lấp), không bảo đảm quy trình xử lý rác thải nguy hại. Một số cơ sở sử dụng dây chuyền công nghệ được cấp phép để xử lý, tái chế nhưng gặp khó khăn về nguồn nhân lực, kinh phí đầu tư thiết bị máy móc... Điều này vô tình khiến tỷ lệ tái chế rác thải điện tử thấp, không tận thu và tái sử dụng được những nguyên liệu có giá trị.

Nhằm hạn chế tác hại của rác điện tử đối với môi trường và sức khỏe, nhiều quy định liên quan trong việc quản lý, sử dụng và tái chế rác thải điện tử đã được ban hành. Tuy nhiên, nhiều văn bản, quy định liên quan về rác điện tử vẫn còn chung chung, chưa có hướng dẫn cụ thể trong việc xử lý, thu gom.

Để giảm tối đa lượng rác thải điện tử ra môi trường, trước hết cần gắn trách nhiệm các nhà sản xuất các thiết bị điện, điện tử trong việc thu hồi sản phẩm sau sử dụng. Nhà nước cần có chính sách ưu đãi vay vốn, miễn giảm thuế, hỗ trợ cơ sở hạ tầng và nhất là chuyển giao công nghệ nhằm khuyến khích các cá nhân, tổ chức đầu tư lĩnh vực xử lý và tái chế rác điện tử.

Cùng với đó, tăng cường công tác vận động, tuyên truyền đến mọi người dân, nhất là các học sinh trong việc nâng cao kiến thức về sử dụng hiệu quả các thiết bị điện, điện tử nhằm hạn chế phát thải ra môi trường. Các quy định về rác thải điện tử cũng cần được bổ sung, hoàn thiện, trong đó chú trọng đến việc xây dựng các khung pháp lý về điều kiện thu gom, phân loại và tái chế rác; các quy định về hạn chế nguồn ô nhiễm môi trường từ rác điện tử.

Bên cạnh đó, các ban, ngành và đoàn thể cần phát triển thêm nhiều mô hình đổi rác điện tử lấy cây xanh, sách, báo hoặc những vật dụng cần thiết ở các lứa tuổi. Các địa phương cần bố trí thêm nhiều điểm thu hồi pin cũ và rác điện tử tại các nhà hàng, siêu thị, trường học, công viên… nhằm giúp người dân xây dựng thói quen tốt trong việc thu nộp chất thải nguy hại này.

Việc tái sử dụng đối với những thiết bị điện tử đã hư hỏng bằng việc sửa chữa và phục hồi lại cũng cần được chú trọng. Đặc biệt, các cấp, các ngành cần xây dựng được chuỗi liên kết 4 nhà bao gồm: Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và người tiêu dùng trong việc xử lý rác điện tử…