Giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ

NDO - Trên địa bàn Hà Nội hiện có 1.300 người từng bị địch bắt, tù đày tại nhà tù Phú Quốc. Cho đến nay, dù tuổi cao, sức yếu, nhưng hầu hết các bác, các chú vẫn tham gia hoạt động xã hội, đóng góp công sức, trí tuệ cho quê hương, đất nước. Cuộc đời của họ là những pho lịch sử sống động, là những tấm gương sáng góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ của đất nước.

Cuộc gặp mặt các chiến sĩ bị địch bắt, tù đày tại nhà tù Phú Quốc diễn ra tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội ngày 11-3 thật ý nghĩa. Hơn 1.000 cựu chiến binh về dự gặp mặt, ngồi chật kín các khán đài, đều là những chiến sĩ cách mạng từng bị địch bắt, tù đày tại nhà tù Phú Quốc vào cuối những năm 60, đầu những năm 70 của thế kỷ trước, hiện đang sinh sống tại Hà Nội. Mỗi người đều có một kỳ tích. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, cùng ôn lại những kỷ niệm năm xưa, những trang sử cách mạng hào hùng.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Hải ở thôn Thuận Quang, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm năm nay đã 72 tuổi, giọng vẫn đầy chí khí, kể lại câu chuyện bị địch đánh đập nhiều lần tới chết đi sống lại vì những cuộc đào hầm vượt ngục không thành. Bị địch bắt và đưa vào nhà tù Phú Quốc tháng 8-1970, đồng chí được phân công làm mũi trưởng đào hầm trốn trại. Bác và các đồng chí dự định sẽ đào đường hầm dài 47 m, nhưng mới đào được 20 m thì bị địch phát hiện, bị chúng đánh đập, tra tấn hết bằng vồ, búa đinh, chúng chuyển sang rút từng móng tay. Có người đã hy sinh sau trận đòn thù, nhưng không một ai bị lung lạc ý chí. Không khai thác được thông tin, địch lại trả tất cả về trại giam. Bác và những người đồng đội lại báo cáo tổ chức xin tiếp tục đào hầm. Ðường hầm đào được 15 m thì lại bị phát hiện. Bác kể, nhìn thấy chúng tôi bị bắt lại lần hai, anh em toàn trại đã tiễn biệt và mặc niệm...

Ðồng chí Nguyễn Minh Vân là Ðại tá - sĩ quan tình báo bị địch bắt, từng đối mặt, đấu trí với Ngô Ðình Cẩn và bị giam hơn 720 ngày dưới hầm tối nhưng vẫn làm thơ hằng ngày. Bác là một trong ba người sống sót ở nhà tù Chín Hầm. Ðồng chí Phùng Xuân Nghị là một trong những chiến sĩ nhận nhiệm vụ tự mổ bụng trong một cuộc đấu tranh tuyệt thực căng thẳng trong tù nhằm buộc địch phải chấp nhận những yêu sách như: không được đánh đập tù binh; phân phát đủ chăn màn, quần áo, nước uống, đồ ăn... Bác kể, anh em tuyệt thực đến ngày thứ mười để đòi địch thực hiện những yêu sách trên mà địch vẫn làm ngơ. Vì vậy, nhiều người quyết định xung phong tự mổ bụng mình để uy hiếp tinh thần địch. Ngày bác Nguyễn Minh Vân đứng giữa sân nhà tù, tay cầm chắc con dao đã mài sắc và không nao núng rạch một đường sắc lẹm vào bụng mình, vừa làm vừa đòi quân địch thực hiện yêu sách đã khiến tất cả bọn cai ngục khiếp đảm... Ðồng chí Nguyễn Tài Triệu tình nguyện nhập ngũ, vào chiến trường năm 16 tuổi. Khi chiến đấu bị thương và bị địch bắt, tra tấn, hỏi cung nhưng đồng chí quyết không khai. Ðịch bỏ mặc vết thương hoại tử cho nên đồng chí phải cưa chân ba lần, nhưng vẫn đấu tranh dũng cảm, được kết nạp Ðảng trong tù. Ðồng chí Nguyễn Hà Long bị địch bắt tháng 4-1965, là một trong những người đào hầm vượt ngục đầu tiên tại trại giam Phú Quốc và là một trong số 21 anh em vượt ngục trót lọt, trở về tiếp tục chiến đấu, công tác cho đến năm 1974 thì trở ra miền bắc...

Người nghe không khỏi xúc động run lên trong từng câu chuyện kể, trào nước mắt khi chứng kiến những vết thương trên thân thể những người chiến sĩ cách mạng nay đã già yếu. Tiếc rằng, cuộc gặp như thế hầu như vẫn chỉ là câu chuyện những người cựu binh kể lại cho nhau nghe để cùng nhau nối dòng hồi tưởng. Rất thiếu bóng dáng những gương mặt của các thế hệ trẻ, thế hệ sinh ra sau chiến tranh, những chủ nhân tương lai của đất nước. Cuộc gặp được tổ chức nếu có sự tham dự, giao lưu đông đảo của các thế hệ thanh niên thời bình, của các sĩ quan trẻ, các chiến sĩ đang thực hiện nghĩa vụ quân sự thì ý nghĩa biết bao.

Trên địa bàn Hà Nội hiện có 1.300 người từng bị địch bắt, tù đày tại nhà tù Phú Quốc. Trong đó có khoảng 500 đảng viên, 600 thương, bệnh binh. Cho đến nay, nhiều người trong số họ vẫn tham gia công tác, hoạt động xã hội, mong mỏi đóng góp công sức, trí tuệ cho quê hương, đất nước đến hơi thở cuối cùng. Những người chiến sĩ cách mạng đều mong muốn truyền lại cho thế hệ trẻ ý chí quả cảm, nghị lực sống có ý nghĩa và lòng nhiệt huyết với quê hương, đất nước. Hơn 20 năm qua, đồng chí Lâm Văn Bảng cùng một số đồng đội của mình miệt mài tìm tòi, sưu tầm được hơn 3.000 những di vật, hiện vật, hình ảnh để xây dựng thành Bảo tàng chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày tại thôn Nam Quất, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên (Hà Nội). Nhưng đã tuổi cao, sức yếu, nhiều người có hoàn cảnh sống khó khăn, vì vậy, ý nguyện của những chiến sĩ cách mạng cần có sự góp sức bằng những hoạt động phong phú, thiết thực, ý nghĩa của các ban, ngành, đoàn thể, nhất là Ðoàn Thanh niên.

Mong rằng, trong những cuộc gặp mặt tiếp theo, Ban liên lạc các chiến sĩ cách mạng từng bị giam giữ, tù đày tại Phú Quốc sẽ phối hợp Thành đoàn Hà Nội tạo điều kiện để các bạn trẻ được tham gia gặp gỡ, trò chuyện với những người cựu chiến binh - những pho lịch sử sống động, để thông qua đó, giáo dục, vun đắp truyền thống cách mạng cho thế hệ tương lai của đất nước.