Giao thương được đẩy mạnh nhờ hợp tác song phương và cấp vùng

Sau một năm triển khai thực hiện, Chương trình hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa tỉnh Bình Thuận và Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.
0:00 / 0:00
0:00
Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ doanh nghiệp bán hàng trên các nền tảng xã hội.
Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ doanh nghiệp bán hàng trên các nền tảng xã hội.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận, tỉnh và Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện bảy nội dung hợp tác cấp vùng và hai nội dung hợp tác song phương. Nổi bật nhất là chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu trong khuôn khổ Chương trình tổng kết hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung Bộ, đã có năm doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của tỉnh ký kết hợp đồng giao thương trực tiếp và 10 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của tỉnh ký ghi nhớ với hệ thống phân phối Thành phố Hồ Chí Minh.

Tháng 4/2024, Thành phố Hồ Chí Minh đã hỗ trợ tổ chức Chương trình Tuần lễ triển lãm sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP tỉnh Bình Thuận tại Showroom Xuất khẩu (Quận 1).

Tại đây, các doanh nghiệp giới thiệu đến các đơn vị phân phối, doanh nghiệp đầu mối chế biến xuất khẩu của Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất của tỉnh có thêm nhiều thông tin về xu hướng tiêu dùng của người dân Thành phố Hồ Chí Minh; cập nhật các quy định và quy chuẩn hàng hóa khi đưa hàng hóa vào hệ thống siêu thị hiện đại của các tập đoàn bán lẻ đa quốc gia, các doanh nghiệp phân phối, sàn thương mại điện tử... Thông qua chương trình, có tám doanh nghiệp của tỉnh Bình Thuận tìm được đối tác để giao thương, kết nối và 10 biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh, cung ứng-tiêu thụ sản phẩm được ký kết.

Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh đã hỗ trợ 24 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh của tỉnh Bình Thuận tham gia gian hàng trực tuyến trên website www.ketnoicungcau. vn. Nhờ đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của tỉnh đã tương tác trực tiếp với các đơn vị đầu mối phân phối trong và ngoài nước để bán sản phẩm.

Bên cạnh đó, Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ 15 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh của tỉnh Bình Thuận kết nối B2B giữa 13 tập đoàn bán lẻ hàng đầu Việt Nam và bốn sàn thương mại điện tử các chợ đầu mối với cộng đồng doanh nghiệp sản xuất đến từ các tỉnh, thành phố trên cả nước. Ngoài ra, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh của tỉnh tham gia Chiến dịch “Siêu LIVE hàng Việt” trên các mạng xã hội với 19 phiên bán hàng trực tiếp trên mạng.

Trong lĩnh vực du lịch, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh tích hợp thông tin điểm đến Bình Thuận vào ứng dụng Map 3D/360 quảng bá du lịch. Tại Ngày hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Thuận giới thiệu dịch vụ du lịch, sản phẩm địa phương, ẩm thực, quà tặng, sản phẩm OCOP. Tỉnh cũng đã tổ chức đón đoàn famtrip quốc tế tham dự Hội chợ Du lịch quốc tế ITE HCMC tham quan, khảo sát sản phẩm du lịch Bình Thuận với 22 người mua từ các nước Trung Quốc, Singapore, Australia, Đức.

Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức trao đổi, học tập kinh nghiệm các mô hình thâm canh thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại tỉnh Bình Thuận (hai lượt với hơn 60 người tham dự).

Ông Lê Ngọc Tiến, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận cho biết, chương trình hợp tác thành công là nhờ các cơ quan chuyên môn của tỉnh đều thống nhất nhận thức vai trò quan trọng của liên kết vùng, quan tâm và chủ động xây dựng kế hoạch. Bên cạnh đó, các đơn vị tích cực thực hiện thỏa thuận hợp tác đã ký kết, tạo môi trường và động lực cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư; chủ động trao đổi thông tin, kinh nghiệm; tích cực phối hợp tổ chức các sự kiện hợp tác tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng duyên hải Trung Bộ. Tỉnh Bình Thuận từng bước tạo được mối quan hệ hợp tác trên lĩnh vực thương mại, giao thương hàng hóa với các tỉnh, thành phố trong khu vực, góp phần bình ổn thị trường, hỗ trợ nhà sản xuất tìm được đầu ra ổn định, bền vững.

Qua chương trình hợp tác, các doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư, nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô hoạt động. Tuy nhiên, thời gian triển khai ngắn, cho nên nhiều nội dung hợp tác chưa đi vào chiều sâu và tác động tổng thể đến phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Bình Thuận; nội dung triển khai hợp tác giữa các địa phương chưa bao quát hết các lĩnh vực kinh tế-xã hội mà chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực thương mại, đầu tư, du lịch, y tế, logistics, giáo dục và đào tạo. Việc hợp tác chưa lan tỏa đến cộng đồng doanh nghiệp các địa phương; hoạt động liên kết đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh chưa mạnh.