NHỮNG NGƯỜI NẶNG LÒNG VỚI NGHỀ XƯA
Làng nghề đúc đồng Lộng Thượng, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm là một trong những cái nôi nổi tiếng về nghề thủ công truyền thống của tỉnh Hưng Yên. Hơn 300 năm qua, tiếng bễ lò, tiếng kim loại va đập đã trở thành âm thanh quen thuộc, in sâu vào ký ức của biết bao thế hệ.
Không chỉ nổi tiếng với các sản phẩm đồ đồng mỹ nghệ như: đỉnh, chuông, tượng, chân nến… người Lộng Thượng còn có kỹ thuật đúc đồng tinh xảo với nhiều công đoạn, đòi hỏi tay nghề cao... Nổi bật trong số các nghệ nhân đúc đồng truyền thống ở đây là ông Dương Văn Hồng.
Mấy chục năm qua, ông cùng một số nghệ nhân tâm huyết trong làng đã góp sức, khơi dậy nghề đúc đồng truyền thống. Bằng kỹ thuật điêu luyện và sự sáng tạo, nghệ nhân Dương Văn Hồng đã chế tác nhiều tác phẩm độc đáo, được khách hàng ưa chuộng.
Với nghệ nhân Dương Văn Hồng, đúc đồng không chỉ là một nghề mưu sinh, mà nó còn chứa đựng những giá trị văn hóa lâu đời, là nghề cha truyền con nối. Bằng niềm đam mê và trách nhiệm, ông và các nghệ nhân trong làng đã dày công gìn giữ và bảo tồn nghề để nghề không mai một theo thời gian.
Hiện nay, xưởng đúc đồng của gia đình ông Hồng luôn “đỏ lửa” với những người thợ, người học trò đam mê học hỏi. Trước nguy cơ nghề mai một do thiếu lao động trẻ, chính quyền địa phương đã phối hợp cùng các nghệ nhân triển khai nhiều giải pháp bảo tồn: mở lớp truyền nghề cho thanh niên, hỗ trợ vốn cho các hộ sản xuất, kết nối làng nghề với du lịch trải nghiệm.
Một số xưởng đúc đã mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại song song với việc giữ gìn kỹ thuật thủ công truyền thống, tạo ra những sản phẩm vừa mang giá trị văn hóa, vừa đáp ứng nhu cầu thị trường.
Thôn Mão Cầu (xã Hồ Tùng Mậu, huyện Ân Thi) nổi tiếng là “xứ sở nón lá” của tỉnh Hưng Yên. Không ồn ào như phố thị, nơi đây hằng ngày vẫn vang lên tiếng cười nói rôm rả bên những vành nón trắng tinh, như một minh chứng sống động cho sức sống bền bỉ của làng nghề.
Nghề làm nón ở Mão Cầu có từ hàng trăm năm trước, từng là nguồn thu nhập chính của người dân trong vùng. Những chiếc nón lá nơi đây được làm hoàn toàn bằng tay, qua nhiều công đoạn tỉ mỉ từ: chẻ vành, vào khuôn, phơi lá, khâu nón… Nón Mão Cầu được ưa chuộng bởi dáng mềm, bền, độ khéo léo tinh tế thể hiện qua từng đường kim, mũi chỉ.
Chị Phạm Thị Dinh- người gắn bó với nghề làm nón gần 40 năm, chia sẻ: Ở đây, khi việc đồng áng xong xuôi, người dân lại tranh thủ thời gian nông nhàn để làm nón. Mới nhìn qua, việc này tưởng chừng đơn giản. Tuy nhiên, nó đòi hỏi sự khéo tay, đam mê của người làm nghề. Quan trọng nhất là công đoạn chọn nguyên liệu. Để nón đẹp thì loại lá được chọn phải xanh vừa, không quá non, không quá già.
Những công đoạn gia công nón, làm khung, đến đường kim may cũng phải được thực hiện cẩn thận và kỳ công. Bằng sự nỗ lực không ngừng của mỗi người dân và sự vào cuộc tích cực, chủ động của chính quyền địa phương, nghề làm nón lá thôn Mão Cầu luôn giữ được nét đặc trưng, mang đậm giá trị văn hóa. Thôn Mão Cầu hiện có gần 200 hộ gia đình làm nón lá, mỗi năm thu hàng tỷ đồng. Đây là nguồn thu nhập giúp nhiều hộ dân của thôn vươn lên thoát nghèo.
TẠO ĐIỀU KIỆN CHO LÀNG NGHỀ PHÁT TRIỂN
Tỉnh Hưng Yên có 64 làng nghề, trong đó có 47 làng nghề đã được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận. Có 18.487 cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh trong làng nghề, gồm: 18.164 hộ sản xuất, 288 doanh nghiệp, 17 hợp tác xã, 18 tổ hợp tác. Các làng nghề đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương...
Làng nghề đóng vai trò quan trọng đối với việc giảm nghèo ở nông thôn, trực tiếp giải quyết việc làm cho người lao động lúc nông nhàn, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân; đồng thời góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các làng nghề trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, như: thiếu nguồn nhân lực, thiếu thị trường tiêu thụ, thiếu vốn và kiến thức về khoa học, kỹ thuật. Quy mô sản xuất ở nhiều làng nghề còn nhỏ lẻ, chủ yếu là hộ gia đình; làm theo phương thức thủ công, truyền thống; sản phẩm chưa phong phú, chất lượng chưa đồng đều...
Để bảo tồn và phát triển làng nghề, đồng chí Lê Văn Thắng, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên cho biết: Tỉnh Hưng Yên đang đẩy mạnh triển khai quy hoạch phát triển làng nghề gắn với du lịch, xúc tiến thương mại, đồng thời khuyến khích ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất. Đến nay, tỉnh Hưng Yên đã có 20 làng nghề có sản phẩm được công nhận nhãn hiệu, chứng nhận nhãn hiệu tập thể, như: Nghệ Chí Tân-Khoái Châu, long nhãn Hưng Yên, đúc đồng Lộng Thượng-Văn Lâm, sen Hưng Yên, tương Bần, quất cảnh Văn Giang, chạm bạc Huệ Lai, hoa cây cảnh Xuân Quan, mộc Hòa Phong-Mỹ Hào; mộc Thụy Lân-Yên Mỹ....
Nhằm tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ, nhiều cơ sở làm nghề tham gia các hội chợ, triển lãm, hội nghị giao thương kết nối cung cầu trong và ngoài tỉnh. Các làng nghề được hỗ trợ phát triển thương hiệu, hướng dẫn, bồi dưỡng kỹ năng quảng bá, giới thiệu, bán sản phẩm trực tuyến qua các trang mạng xã hội.
Trong những năm qua, tỉnh Hưng Yên đẩy mạnh chính sách hỗ trợ, khuyến khích các làng nghề như: ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất sản phẩm; hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể sản xuất tại các làng nghề lập hồ sơ tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP.
Toàn tỉnh hiện có 24 sản phẩm của các làng nghề tham gia đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP, trong đó có 20 sản phẩm đạt hạng 3 sao và bốn sản phẩm đạt hạng 4 sao. Nhiều làng nghề đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, nâng cấp trang thiết bị để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các chủ sản xuất tại làng nghề được tham gia chương trình hội nghị, hội thảo, diễn đàn, hội chợ; được hỗ trợ đào tạo nhân lực, bảo vệ môi trường; được hỗ trợ ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số để nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, xúc tiến thương mại… giúp nhiều làng nghề truyền thống đứng vững và phát triển ■