Việt Nam được ghi nhận là một trong những nước có đa dạng sinh học cao của thế giới, với nhiều kiểu hệ sinh thái, các loài sinh vật và nguồn gen phong phú và đặc hữu. Đa dạng sinh học ở Việt Nam có ý nghĩa to lớn, các hệ sinh thái với nguồn tài nguyên sinh vật phong phú đã mang lại những lợi ích trực tiếp cho con người và đóng góp to lớn cho nền kinh tế, đặc biệt là trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản;
Đa dạng sinh học cũng là điều kiện tốt cho việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; duy trì nguồn gen tạo giống vật nuôi, cây trồng; cung cấp vật liệu cho xây dựng và các nguồn dược liệu, thực phẩm… Các hệ sinh thái còn đóng vai trò quan trọng trong điều tiết khí hậu và bảo vệ môi trường.
Trong 20 năm qua, nhiều loài sinh vật mới được phát hiện đã khẳng định tầm quan trọng toàn cầu của đa dạng sinh học ở Việt Nam. Cụ thể như sao la (Pseudoryx nghetinhensis), phát hiện vào năm 1992, là loài động vật trên cạn lớn nhất thế giới được phát hiện kể từ năm 1937 (năm phát hiện loài bò xám – Bos sauveli) ở Đông Dương.
Ba loài thú mới khác cũng được phát hiện trong thời gian qua, đó là cheo lưng bạc (Tragulus versicolor), mang lớn (Megamuntiacus vuquangensis) và mang Trường Sơn (Munticus truongsonensis). Gần đây nhất, năm 2011, loài chồn bạc má Cúc Phương (Melogale cucphuongensis) được tìm thấy tại Vườn Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình).
Nhiều loài sinh vật mới khác cũng đã được phát hiện và mô tả ở Việt Nam. Bao gồm 3 loài rùa, 15 loài thằn lằn, 4 loài rắn, 31 loài ếch, 55 loài cá, hơn 500 loài động vật không xương sống và hơn 200 loài thực vật...
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, văn bản, quy định về bảo tồn đa dạng sinh học. Luật Đa dạng sinh học đã được Quốc hội thông qua năm 2008 khẳng định cam kết và quyết tâm bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế trong việc thực hiện các mục tiêu chiến lược về đa dạng sinh học toàn cầu thập niên 2010 – 2020, nhằm giảm tốc độ suy thoái đa dạng sinh học. Trong đó, việc thực hiện các Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học và lồng ghép nội dung đa dạng sinh học trong các ngành, lĩnh vực hết sức quan trọng để thực hiện các mục tiêu chung của thế giới cũng như mục tiêu cụ thể của quốc gia.
Đại biểu dự Hội thảo đã trao đổi, góp ý cho bản Dự thảo Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến 2020, tầm nhìn đến năm 2030, nhằm xác định các mục tiêu, nhiệm vụ cho công tác bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học phù hợp với thời kỳ mới, đồng thời thực hiện cam kết đối với Công ước đa dạng sinh học mà Việt Nam là thành viên.
Trên cơ sở đó, xác định rõ Chiến lược quốc gia về Đa dạng sinh học là một bộ phận không thể tách rời của Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của đất nước nhằm bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên đa dạng sinh học, tạo cơ sở cho phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay.