Hà Giang huy động nguồn lực xóa nhà tạm cho hộ nghèo

Thực hiện phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát do Thủ tướng Chính phủ phát động, tỉnh Hà Giang quyết liệt triển khai bằng nhiều giải pháp phù hợp điều kiện thực tế của địa phương. Một trong những điểm nổi bật đó là tỉnh có nhiều cách làm để huy động tối đa nguồn lực giúp các hộ nghèo có nhà ở kiên cố.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân thôn Minh Phong, xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang) giúp gia đình anh Sùng Ngọc Sai làm nhà mới.
Người dân thôn Minh Phong, xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang) giúp gia đình anh Sùng Ngọc Sai làm nhà mới.

Hà Giang là tỉnh miền núi, điều kiện khó khăn, ngân sách hạn chế nên để bảo đảm nguồn lực thực hiện chương trình xóa nhà tạm, tỉnh cần huy động nguồn lực xã hội hóa theo hướng toàn diện, rộng khắp, bao trùm với phương châm: “Ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít”.

Trước hết, các ngành, các cấp huy động cán bộ công chức, viên chức đóng góp quỹ xóa nhà tạm. Bên cạnh đó, từng cán bộ, đảng viên phát huy mối quan hệ để kêu gọi, kết nối các mạnh thường quân ủng hộ chương trình xóa nhà tạm tại địa phương. Đơn cử như Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Giang đã tổ chức ra quân xóa nhà tạm cho năm hộ nghèo tại huyện Hoàng Su Phì từ nguồn kinh phí do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Khánh Hòa hỗ trợ. Còn lực lượng công an, quân đội, bộ đội biên phòng ngoài hỗ trợ vật chất còn thành lập các tổ công tác trực tiếp xuống cơ sở giúp dân làm nhà mới.

Đầu tháng 3, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh đã tổ chức chương trình “đấu giá bò vàng Hà Giang” để ủng hộ chương trình xóa nhà tạm. Phiên đấu giá thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp và nhân dân với năm con bò vàng đem ra được bán hết trong một buổi sáng. Ban tổ chức trao số tiền 135 triệu đồng vào quỹ xóa nhà tạm huyện Đồng Văn, trong đó có 93 triệu đồng tiền bán đấu giá; 42 triệu đồng tiền quyên góp từ các tổ chức, cá nhân tới dự.

Các hộ dân được lựa chọn xóa nhà tạm đều có hoàn cảnh khó khăn, do đó ngoài số tiền hỗ trợ, địa phương cũng huy động các lực lượng tại chỗ giúp đỡ các hộ nghèo xóa nhà tạm. Các huyện cũng vận động hỗ trợ thêm kinh phí, vật liệu cho các hộ làm nhà phù hợp với bản sắc, phong tục tập quán từng dân tộc, kết hợp với xây nhà bếp, nhà tắm, công trình vệ sinh. Đồng thời hỗ trợ ngày công để xây dựng nhà ở cho những hộ già cả, neo đơn, không có sức lao động, kinh tế quá khó khăn; tổ chức huy động 100% số ngày công do nhân dân và các gia đình tự giúp nhau nên giá thành rẻ từ 80-150 triệu đồng/căn.

Gia đình anh Sùng Ngọc Sai, thôn Minh Phong, xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên là hộ được chọn xóa nhà tạm vào cuối năm 2024. Do gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nên ngoài số tiền 60 triệu đồng Nhà nước hỗ trợ, chính quyền địa phương kêu gọi các doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ thêm 5.000 viên gạch bi; thôn huy động người dân biết nghề xây dựng giúp gia đình san ủi mặt bằng, đào móng, xây dựng nhà mới. Với sự vào cuộc của chính quyền địa phương, sự chung tay giúp đỡ từ cộng đồng, sau một tháng thi công, gia đình anh Sai đã dọn vào nhà mới, kịp đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Ngoài niềm vui đó, gia đình anh Sai còn được hỗ trợ một con bò sinh sản từ chương trình mục tiêu quốc gia. “Đối với người dân vùng cao, có nhà ở kiên cố, trong chuồng có bò sinh sản là điểm tựa để gia đình phấn đấu vươn lên thoát cảnh đói nghèo”, anh Sùng Ngọc Sai tâm sự.

Với cách làm sáng tạo, linh hoạt, tỉnh đã huy động nguồn lực rất lớn để thực hiện chương trình xóa nhà tạm. Từ cuối tháng 11/2024 đến nay, tỉnh huy động các lực lượng, nhân dân tham gia hỗ trợ được hơn 98 nghìn ngày công giúp các hộ gia đình làm nhà mới; tiếp nhận kinh phí hỗ trợ từ các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, nhà hảo tâm gần 280 tỷ đồng. Sau gần năm tháng triển khai chương trình, tỉnh đã khởi công xây dựng được 4.573 ngôi nhà, trong đó, số nhà hoàn thành đưa vào sử dụng là 2.967 nhà.

Bên cạnh dấu ấn về huy động nguồn lực, sự quyết tâm chính trị của tỉnh cũng là yếu tố quan trọng giúp Hà Giang trở thành điểm sáng trong phong trào xóa nhà tạm. Từ tỉnh đến xã thành lập Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm do đồng chí Bí thư cấp ủy làm Trưởng ban. Các thành viên trong ban chỉ đạo được phân công nhiệm vụ cụ thể trên tinh thần “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm”.

Với sự quyết tâm cao, tỉnh Hà Giang đặt mục tiêu đến cuối quý II/2025 sẽ xây dựng xong 100% số nhà thuộc chương trình phát động của Thủ tướng Chính phủ (tổng số hộ cần xóa là 5.848 hộ, trong đó xây mới 4.951 nhà; sửa chữa 897 nhà). Để hoàn thành mục tiêu trên, đồng chí Hầu A Lềnh, Bí thư Tỉnh ủy cho biết: Các địa phương thực hiện chương trình theo tinh thần “Hoàn thành những nhà đã khởi công, khởi công những nhà chưa khởi công” theo thời gian cụ thể. Tăng cường công tác nắm tình hình để kiểm tra, đôn đốc; linh hoạt trong công tác huy động nhân lực, nguồn lực từ cộng đồng, doanh nghiệp, các lực lượng vũ trang và người dân. “Các thành viên Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, huyện, xã tăng cường công tác bám nắm tình hình và xử lý ngay những vấn đề phát sinh trên tinh thần: Tỉnh lấy xã, huyện lấy thôn bản, xã lấy hộ gia đình làm cơ sở”, Bí thư Tỉnh ủy Hầu A Lềnh nhấn mạnh.