Hà Nam nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư

Với cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư; điều kiện đất đai, hạ tầng, môi trường thuận lợi cùng sự năng động, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp của các cấp chính quyền, tỉnh Hà Nam đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
0:00 / 0:00
0:00
Khu công nghiệp Đồng Văn, thị xã Duy Tiên, cơ bản đã được lấp đầy.
Khu công nghiệp Đồng Văn, thị xã Duy Tiên, cơ bản đã được lấp đầy.

Tỉnh Hà Nam hiện có tổng số 667 dự án, gồm: 386 dự án FDI và 281 dự án trong nước với tổng vốn hơn 7,1 tỷ USD và hơn 58.300 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, các khu công nghiệp của tỉnh đã thu hút được 36 dự án mới, với tổng số vốn cấp mới và tăng thêm gần 759 triệu USD và hơn 3.387 tỷ đồng.

Thống kê các dự án FDI tăng xấp xỉ 50% so với cùng kỳ năm 2024, đưa Hà Nam tiếp tục nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút FDI. Công tác thu hút đầu tư của tỉnh những tháng đầu năm 2025 đã đạt được nhiều kết quả khả quan với 18 dự án điều chỉnh tăng vốn, tổng vốn tăng thêm là trên 294,7 triệu USD và 243 tỷ đồng. Điều này cho thấy trong quá trình đầu tư tại Hà Nam, các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Thị trường tiêu thụ không ngừng được mở rộng đã tạo cơ hội để doanh nghiệp tăng cường thêm dây chuyền sản xuất, mở rộng quy mô hoạt động.

Ngay từ đầu năm 2025, tại các khu công nghiệp của tỉnh có nhiều dự án quy mô lớn đầu tư, như: Công ty TNHH Wistron Property (Việt Nam) với vốn đầu tư 143 triệu USD (xây dựng nhà ở xã hội); Công ty TNHH Công nghệ Red Board (Việt Nam) với vốn đầu tư 110 triệu USD (sản xuất bảng mạch có độ chính xác cao); Công ty cổ phần đồ bếp Casla với vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng (sản xuất thiết bị đồ bếp và các sản phẩm kim khí liên quan đến đồ bếp)…

Là công ty đang đầu tư hiệu quả trên địa bàn tỉnh và tiếp tục mở rộng sang lĩnh vực mới, ông Nguyễn Viết Thạo, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đồ bếp Casla đánh giá: Từ nhiều năm nay, công ty đã đầu tư trong lĩnh vực sản xuất đá thạch anh nhân tạo và túi siêu thị tại Khu công nghiệp Châu Sơn (thành phố Phủ Lý). Nhận thấy môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh có nhiều thuận lợi, an toàn là yếu tố tiên quyết để doanh nghiệp không ngừng đầu tư tài chính, công nghệ, thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng lĩnh vực. Do đó, đầu năm 2025, công ty tiếp tục đầu tư Dự án sản xuất các thiết bị đồ bếp và các sản phẩm kim khí liên quan đến đồ bếp. Với tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng, dự án sẽ được triển khai tại Khu công nghiệp Thái Hà (huyện Lý Nhân), bao gồm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ sản xuất dao các loại với quy mô trên 83 triệu sản phẩm/ năm; giai đoạn 2 hướng tới sản xuất bộ nồi, chảo, đồ ăn các loại với quy mô 240.000 bộ/năm. Các sản phẩm của công ty sẽ phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.

Để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, giải quyết nhanh thủ tục hành chính; tập trung xúc tiến đầu tư, trong đó trực tiếp xúc tiến thu hút đầu tư tại một số quốc gia trên thế giới. Đồng thời tiếp tục rà soát, điều chỉnh thủ tục hành chính; đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu của doanh nghiệp cũng như đón đầu xu hướng để đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao; bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở cho công nhân… nhằm thu hút những dự án đầu tư lớn, thật sự có ý nghĩa cho phát triển kinh tế-xã hội.

Đánh giá về lĩnh vực này, đồng chí Trương Quốc Huy, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 5/2/2025 của Chính phủ, với mục tiêu tăng trưởng toàn quốc đạt hơn 8% trong năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đạt mức tăng trưởng 10,5%. Con số này không chỉ là mục tiêu, mà còn là sự bảo đảm cho một tương lai phát triển bền vững. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Đảng bộ và chính quyền tỉnh đã tiến hành hàng loạt giải pháp trọng tâm, nhất là việc triển khai các dự án và công trình mang tính chiến lược. Tính riêng tháng 4/2025, tỉnh Hà Nam đã khởi công 6 công trình, dự án quan trọng với vai trò là những mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển toàn diện. Trong số đó, tiêu biểu là Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối từ đường T3 đến đường ĐH03 và hạ tầng kết nối với khu dân cư hiện hữu thuộc Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 Khu văn hóa bản địa và du lịch cộng đồng Tam Chúc (khu số 4) và Dự án chỉnh trang hạ tầng, tạo cảnh quan đô thị, cảnh quan Khu du lịch quốc gia Tam Chúc cùng được khởi công. Các dự án này không chỉ có ý nghĩa chiến lược trong việc phát triển du lịch và cảnh quan đô thị, mà còn kết nối các khu du lịch trọng điểm trong vùng như Tam Chúc, Tràng An- Bái Đính (Ninh Bình) và chùa Hương (Hà Nội), từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần nâng cao vị thế của tỉnh trên bản đồ kinh tế, du lịch Việt Nam. Dự án Khu nhà ở xã hội Đồng Văn tại thị xã Duy Tiên được triển khai theo Chỉ thị 34-CT/TW của Ban Bí thư và Quyết định số 338/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Dự án này là một phần trong kế hoạch xây dựng hơn 12.000 căn hộ nhà ở xã hội của tỉnh đến năm 2030, với mục tiêu đáp ứng nhu cầu an sinh xã hội, thu hút lực lượng lao động chất lượng đồng thời tạo động lực phát triển kinh tế tại địa phương.

Việc các dự án được đầu tư và xây dựng tại tỉnh Hà Nam là minh chứng cho quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh; cũng là lời cam kết việc không ngừng phấn đấu vì một Hà Nam phát triển thịnh vượng, văn minh và bền vững.