Hà Nam tìm giải pháp giảm tai nạn giao thông

Với sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tình hình trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Hà Nam thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực. Theo đó, tỉnh đề ra mục tiêu giảm tai nạn giao thông năm 2025 từ 5-10% cả 3 tiêu chí so với năm 2024.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng công an tỉnh Hà Nam tuần tra, kiểm soát các tuyến đường để bảo đảm an toàn giao thông.
Lực lượng công an tỉnh Hà Nam tuần tra, kiểm soát các tuyến đường để bảo đảm an toàn giao thông.

Tuy nhiên, theo đánh giá từ cơ quan chức năng, tình hình trật tự an toàn giao thông vẫn còn diễn biến phức tạp, tai nạn vẫn ở mức cao; quy hoạch, tổ chức, hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập, các điểm đen về tai nạn chưa được khắc phục triệt để; chưa thật sự quyết liệt trong thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông...

Bên cạnh nguyên nhân do lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện, còn có những nguyên nhân, như: Hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, còn nhiều bất cập. Các tuyến đường quốc lộ, đường tỉnh, huyện có nhiều điểm giao cắt không đồng mức, kể cả các tuyến đường mới đang trong quá trình thi công; đường nông thôn hẹp, có nhiều góc khuất, điểm giao cắt; hệ thống đèn chiếu sáng trên một số tuyến, đường còn hạn chế, ảnh hưởng đến tầm nhìn của người tham gia giao thông.

Tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, hè phố, hành lang an toàn giao thông vẫn còn diễn ra, chưa được giải quyết triệt để. Việc triển khai các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng, đô thị của các ngành chức năng có thời điểm hiệu quả chưa cao...

Tại Hội nghị bàn giải pháp kiềm chế và làm giảm tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh Hà Nam, đồng chí Trần Xuân Dưỡng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh Hà Nam đã yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt các giải pháp kiềm chế, hạn chế số vụ tai nạn giao thông trên địa bàn năm 2025 và các năm tiếp theo với những giải pháp quyết liệt, đồng bộ.

Theo đó, lực lượng công an tỉnh chỉ đạo tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng, đô thị; tập trung xử lý những vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn. Thực hiện quyết liệt việc kiểm soát nồng độ cồn của người tham gia giao thông. Thành lập các Tổ công tác tuần tra, kiểm soát vũ trang trên các tuyến, địa bàn trọng điểm; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng thanh, thiếu niên tụ tập điều khiển xe với tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, gây rối trật tự công cộng...

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, triển khai lắp đặt hệ thống camera trên các tuyến trọng điểm, phức tạp về trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng, đô thị. Phối hợp chặt chẽ với Sở Xây dựng rà soát, kiến nghị các bất hợp lý về tổ chức giao thông; thu thập tài liệu liên quan để đề xuất xử lý nghiêm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nếu có dấu hiệu tội phạm thì khởi tố theo quy định.

Sở Xây dựng phát huy tối đa vai trò cơ quan thường trực, phải là đơn vị chủ trì, phối hợp các ngành chức năng tích cực tham mưu giúp Chủ tịch UBND, Trưởng Ban An toàn giao thông tỉnh chỉ đạo các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn mang tính bền vững, lâu dài.

Xây dựng, hoàn thiện quy hoạch giao thông vận tải, bảo đảm thực hiện quy hoạch về hạ tầng giao thông đồng bộ với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội. Phối hợp triển khai các dự án hạ tầng giao thông, đặc biệt là các dự án trọng điểm bảo đảm chất lượng, tiến độ; thực hiện tốt công tác duy tu, bảo trì đường bộ.

Sở Xây dựng phối hợp với Công an tỉnh, cấp ủy, chính quyền các cấp khẩn trương chỉ đạo khắc phục ngay các điểm đen, tiềm ẩn tai nạn, các bất hợp lý trong tổ chức giao thông. Xem xét, xử lý, đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý trách nhiệm các đơn vị quản lý đã được kiến nghị nhiều lần nhưng chậm hoặc không khắc phục, khắc phục không triệt để các điểm này, tiếp tục để xảy ra ùn tắc, tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về kết cấu hạ tầng, vận tải đường bộ; về hoạt động đào tạo lái xe cơ giới đường bộ, kiểm định an toàn kỹ thuật bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới.

Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục, trường học phối hợp lực lượng công an, chính quyền địa phương, gia đình quản lý chặt chẽ học sinh trong việc chấp hành quy định về trật tự an toàn giao thông. Cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông dưới nhiều hình thức; nhất là xây dựng các tin, bài tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh của các thôn, xóm, tổ dân phố.

Theo báo cáo, thống kê số liệu tai nạn giao thông năm 2024 và quý I năm 2025 từ Ban An toàn giao thông tỉnh Hà Nam, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp: Năm 2024 xảy ra 288 vụ (tăng 6 vụ so cùng kỳ năm 2023), làm chết 148 người (tăng 8 người so cùng kỳ năm 2023), bị thương 216 người (giảm 4 người so cùng kỳ năm 2023); quý I năm 2025 xảy ra 72 vụ (bằng so cùng kỳ năm 2024), làm chết 42 người (tăng 8 người so cùng kỳ năm 2024), bị thương 48 người (giảm 3 người so cùng kỳ năm 2024).