Hamas muốn một thỏa thuận toàn diện để chấm dứt xung đột tại Gaza

Ngày 7/5, quan chức cấp cao của Hamas, ông Bassem Naim cho biết lực lượng này muốn một "thỏa thuận toàn diện" để chấm dứt xung đột với Israel ở Gaza, hiện đã bước sang tháng thứ 19.
0:00 / 0:00
0:00
Tòa nhà bị phá hủy sau cuộc không kích của Israel xuống thành phố Gaza ngày 13/4/2025. (Ảnh: THX/TTXVN)
Tòa nhà bị phá hủy sau cuộc không kích của Israel xuống thành phố Gaza ngày 13/4/2025. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ông Naim nhấn mạnh: "Hamas và các phe phái của Palestine muốn đạt một thỏa thuận toàn diện để chấm dứt xung đột, cùng với lộ trình cho tương lai".

Trước đó, ngày 5/5, Israel đã thông báo kế hoạch mở rộng chiến dịch quân sự tại Gaza. Một nguồn tin an ninh của Israel cho biết việc triển khai quân đội sẽ "mở ra một cơ hội" cho một thỏa thuận con tin có thể xảy ra trùng với chuyến thăm Trung Đông của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào cuối tháng này.

Trong một diễn biến khác, cùng ngày, Thủ tướng Palestine, ông Mohammad Mustafa đã kêu gọi cộng đồng quốc tế chấm dứt "tội ác nhân đạo” đang diễn ra ở Gaza.

Phát biểu tại một hội nghị ở thành phố Ramallah thuộc Bờ Tây bị chiếm đóng, ông Mustafa cho biết: "Chúng tôi kêu gọi lương tâm của nhân loại. Đừng để trẻ em Gaza chết đói”.

Các cơ quan của Liên hợp quốc (LHQ) đã nhiều lần cảnh báo về thảm họa nhân đạo sắp xảy ra ở Gaza, nhất là khi Israel phong tỏa mọi hoạt động viện trợ từ đầu tháng 3. Tuyên bố chung của các cơ quan viện trợ nhấn mạnh kế hoạch này "vi phạm các nguyên tắc nhân đạo cơ bản".

Cùng ngày, Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc, ông Volker Turk bày tỏ lo ngại sâu sắc rằng kế hoạch mở rộng cuộc tấn công của Israel vào Gaza đe dọa "sự tồn tại liên tục" của người Palestine tại dải đất này.

Theo ông Turk, việc mở rộng cuộc tấn công vào Gaza gần như chắc chắn sẽ gây ra thêm nhiều cuộc di dời hàng loạt, nhiều người dân vô tội tử vong và bị thương, và phá hủy cơ sở hạ tầng ít ỏi còn lại của Gaza. Gần như toàn bộ 2,4 triệu người dân Palestine đã phải di dời ít nhất một lần trong cuộc xung đột hiện nay.

Trong phản ứng của mình, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về đối ngoại và an ninh, bà Kaja Kallas đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Israel ngày 6/5, hối thúc tạo điều kiện tiếp tục dòng viện trợ.

Cùng ngày, Ngoại trưởng của Tây Ban Nha, Iceland, Ireland, Luxembourg, Na Uy và Slovenia ra tuyên bố chung "kiên quyết phản đối mọi ý định thay đổi nhân khẩu học hoặc lãnh thổ ở Gaza".

Tuyên bố chung nhấn mạnh rằng kế hoạch của Israel "sẽ đánh dấu một sự leo thang mới và nguy hiểm" trong cuộc xung đột hiện nay.