Ngay từ những ngày đầu năm mới, nhiều siêu thị, cửa hàng, quầy hàng tại chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội đã mở hàng kinh doanh trở lại, hoạt động mua bán diễn ra khá sôi động, nguồn cung hàng hóa dồi dào. Nhu cầu tiêu dùng những ngày đầu năm không cao, chủ yếu tập trung vào một số mặt hàng như thực phẩm tươi sống, dịch vụ ăn uống, du lịch, vui chơi, giải trí, dịch vụ trông giữ xe... Về giá, các loại thực phẩm tươi sống như rau, củ, quả, thịt bò, hải sản… tăng nhẹ so với ngày thường. Giá các mặt hàng khác cơ bản bình ổn, không tăng giá.
Tại các chợ truyền thống, hàng hóa được bày bán chủ yếu là thực phẩm tươi sống, các loại rau củ, hoa quả… So với trước Tết, giá các mặt hàng rau củ, hoa tươi không tăng nhiều. Tại một số chợ, giá thịt lợn dao động từ 110 đến 160 nghìn đồng/kg tùy từng loại; thịt bò từ 270 đến 400 nghìn đồng/kg; gà ta sống từ 120.000-150.000 đồng/kg, giá gà làm sẵn từ 150.000-180.000 đồng/kg…
Giá thủy, hải sản vẫn giữ ở mức cao, tương đương với thị trường ngày 28, 29 tháng Chạp. Cụ thể, tôm sú (loại 26-30 con/kg) từ 450.000-600.000 đồng/kg; cá chép, trắm cỏ 100.000-120.000 đồng/kg... Các loại bún, bánh phở 20.000 đồng/kg, đắt hơn ngày thường khoảng từ 20% đến 30%. Thời tiết thuận lợi cho nên nguồn cung rau xanh khá dồi dào. Tại các chợ Thành Công (quận Ba Đình), Kim Liên, Ngã Tư Sở (quận Đống Đa), giá các mặt hàng thực phẩm, rau xanh không tăng đột biến, thậm chí có nhiều mặt hàng giảm so với trước Tết. Rau cải xanh, cải cúc, rau cần có giá 10.000 đồng/kg, cải xoong 20.000 đồng/bó, nấm kim châm 15.000 đồng/gói, dứa 15.000-20.000 đồng/quả… Các loại hoa tươi giá tương đương với trước Tết. Hoa hồng (loại có cành lộc) 10.000-15.000 đồng/cành; hoa hồng loại thường 70.000- 90.000 đồng/chục; hoa cúc đại đóa 80.000-100.000 đồng/chục; hoa ly 250.000-350.000 đồng/chục...
Trong các siêu thị, nguồn cung hàng hóa khá dồi dào, kể cả các mặt hàng tươi sống, giá ổn định. Nhiều siêu thị mở cửa sớm. Trong đó, hệ thống siêu thị AEON mở cửa từ mồng 1 tháng Giêng. Bà Trần Thu Quỳnh, Giám đốc thu mua khu vực miền Bắc và miền Trung, Công ty TNHH Aeon Việt Nam cho biết, bên cạnh các mặt hàng đã được dự trữ đầy đủ thì nguồn thực phẩm tươi sống như rau xanh, thịt, hải sản… được siêu thị làm việc với các nhà cung cấp từ trước để cung ứng đầy đủ tới khách hàng trong những ngày đầu năm mới, giá cả ổn định. Tại hệ thống siêu thị Co.op Mart, giá các loại thịt bò, gà, lợn không thay đổi so với trước Tết. Số lượng trái cây được bày bán nhiều, giá táo nhập khẩu từ 80.000-200.000 đồng/kg, xoài cát từ 50.000-60.000 đồng/kg, thanh long giá 40.000 đồng/kg, bưởi da xanh từ 45.000-60.000 đồng/kg…
Những ngày đầu năm, nhiều hàng quán bún, miến, phở… ở Hà Nội mở cửa sớm, phục vụ nhu cầu đổi món của người dân. Hầu hết các quán đều áp mức giá mới, cao hơn ngày thường. Quán phở Mạnh Cường ở đường Cổ Linh (quận Long Biên, Hà Nội) treo biển giá phở ngày Tết, áp dụng đến mồng 6 tháng Giêng, tăng thêm 10 nghìn đồng/bát so với bình thường. Nhiều quán cà-phê mở cửa, phục vụ xuyên Tết, lượng khách đến đông. Một số quán tính thêm phụ phí ngày Tết. Tuy nhiên, từ ngày mồng 6 tháng Giêng, giá các loại đồ uống, sản phẩm đã quay trở lại như ngày thường.
Đánh giá về thị trường hàng tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, đại diện Sở Công thương Hà Nội cho biết, doanh thu bán hàng phục vụ Tết của các doanh nghiệp thương mại tăng 5% so với Tết Nguyên đán 2024. Tại một số đơn vị phân phối lớn, doanh thu bán hàng trực tuyến chiếm khoảng 25% tổng doanh thu bán hàng. Số lượng đơn đặt hàng online tăng trung bình từ 15-20% so với dịp Tết năm 2024. Năm nay, thành phố Hà Nội không bố trí vốn đối ứng cho các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu như những năm trước, nhưng các đơn vị đã xây dựng kế hoạch và ký các hợp đồng khai thác hàng hóa phục vụ Tết tăng trung bình từ 7-20% so với dịp Tết năm 2024. Tại các điểm bán, lượng hàng hóa được luân chuyển, bổ sung thường xuyên tăng từ 30-35% so với ngày thường. Tại các chợ, lượng hàng luân chuyển trong những ngày sát Tết tăng 10-20% so với tuần liền kề trước đó.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh cho biết, dù sức mua tăng nhưng giá hàng hóa duy trì ổn định, bởi hầu hết các doanh nghiệp đã bảo đảm dự trữ hàng hóa hợp lý, sẵn sàng phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, các chương trình giảm giá, khuyến mãi... đã được các doanh nghiệp triển khai rộng rãi, góp phần giữ giá cả hàng hóa không tăng nhiều so với ngày thường ■