Hành trình 16 năm "Thắp lên một que diêm" của nhà báo Hoàng Trường Giang

NDO - Từ năm 2008 đến nay, nhà báo, Trung tá Hoàng Trường Giang đã trực tiếp khởi xướng, vận động, tổ chức các chương trình, hoạt động thiện nguyện. Đối tượng thụ hưởng chính là người dân các vùng sâu vùng xa, vùng biên giới có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi năm, anh đã huy động và trao tặng tài trợ từ 1,5 đến 2 tỷ đồng, xây được hơn 30 công trình và trao tặng hàng nghìn phần quà, đồ dùng sinh hoạt,...
Nhà báo Hoàng Trường Giang tặng quà các học sinh khó khăn trong một chuyến thiện nguyện.
Nhà báo Hoàng Trường Giang tặng quà các học sinh khó khăn trong một chuyến thiện nguyện.

Là một người con được sinh ra và lớn lên ở một trong những tỉnh vùng cao biên giới xa xôi, khó khăn nhất của cả nước là tỉnh Lai Châu, hơn ai hết, nhà báo, Trung tá Hoàng Trường Giang (Báo Quân đội nhân dân) thấu hiểu sự thiếu thốn, vất vả của đồng bào cũng như những khó khăn, thua thiệt của trẻ em ở vùng cao.

Khi có cơ hội đặt chân đến nhiều vùng miền khác, anh nhận thấy không chỉ riêng Lai Châu mà điều kiện sống của bà con người dân ở những nơi khác cũng đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Sau mỗi chuyến đi, anh càng thấy bản thân phải có trách nhiệm hơn với những số phận không may mắn.

Đặc biệt, sau chuyến thăm, tặng quà Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2 ở Thụy An, Ba Vì, Hà Nội vào cuối năm 2007, anh trở về và quyết tâm hành động để sẻ chia với nhiều mảnh đời yếu thế.

Hành trình 16 năm "Thắp lên một que diêm" của nhà báo Hoàng Trường Giang ảnh 1

Những ngày đầu tổ chức các hoạt động thiện nguyện năm 2008, nhà báo Hoàng Trường Giang đã gặp không ít những khó khăn vì khi đó anh chỉ là một chàng phóng viên trẻ.

Những ngày đầu tổ chức các hoạt động thiện nguyện năm 2008, nhà báo Hoàng Trường Giang đã gặp không ít những khó khăn vì khi đó anh chỉ là một chàng phóng viên trẻ.

Thiếu các mối quan hệ xã hội, lại phải đối mặt với nhiều lời bàn tán chung quanh, nhưng anh không nản chí. Với lòng quyết tâm, tấm lòng nhân hậu và được sự kề vai, sát cánh, ủng hộ của gia đình, cơ quan, anh đã bắt đầu hành trình của mình bằng cách cùng bạn bè đi xin từng tấm áo học sinh còn tốt, từng bộ sách giáo khoa sử dụng lại, từng đôi dép tổ ong,...

Sau một thời gian dài hoạt động thiện nguyện, các hoạt động của anh được rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp, đồng chí, đồng đội, anh chị em, bạn bè, các nhà hảo tâm trong mọi lĩnh vực của cuộc sống đã đồng hành, tin tưởng, ủng hộ.

Cho đến nay, những nỗ lực của anh đã đạt những kết quả ấn tượng. 34 điểm trường, nhà ăn, nhà bán trú, công trình nước sạch, hệ thống điện mặt trời, phòng đọc sách, nhà vệ sinh..., hàng vạn chăn áo ấm, đồ dùng học tập, hàng trăm suất học bổng đã được trao tặng cùng rất nhiều gia đình khó khăn đã nhận hỗ trợ từ các chương trình do anh phát động.

Hành trình 16 năm "Thắp lên một que diêm" của nhà báo Hoàng Trường Giang ảnh 2

Nhà báo Hoàng Trường Giang (mặc quân phục, ở giữa)

Những chương trình do Hoàng Trường Giang phát động có khi chỉ bắt đầu từ những lá thư, những tin nhắn… của những người không quen biết liên hệ. Những chương trình thiện nguyện do anh tổ chức không giới hạn phạm vi, từ một số tỉnh miền núi phía bắc như Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn…rồi sau này mở rộng vào Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, tới cả Bà Rịa - Vũng Tàu.

Nguồn lực huy động cho các hoạt động của anh thường đến từ các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và mọi người chung quanh. Chương trình nào đến phút chót còn thiếu kinh phí thì gia đình anh sẽ tự bỏ tiền ra ủng hộ nốt phần còn thiếu.

Trong suốt 15 năm qua, dự án đã góp phần cải thiện điều kiện học tập, sinh hoạt của hàng vạn lượt học sinh, thầy cô giáo tại các địa phương triển khai thông qua việc xây sửa các công trình xây dựng gồm điểm trường, nhà đa năng, nhà ăn, nhà bán trú, công trình vệ sinh, thư viện, điện mặt trời, lò đốt rác… Trong đó, trung bình 1 công trình ở một trường học đáp ứng nhu cầu phục vụ sinh hoạt tại chỗ của từ 30 đến 300 học sinh, thầy cô giáo trong năm học.

Hành trình 16 năm "Thắp lên một que diêm" của nhà báo Hoàng Trường Giang ảnh 3

Ảnh: NVCC

Đặc biệt, có nhiều công trình đến nay vẫn sử dụng tốt qua nhiều năm như công trình nhà đa năng và điểm trường Pha Long, Mường Khương, Lào Cai từ năm 2015 hay các điểm trường, công trình nước sạch, nhà vệ ở Sì Lờ Lầu, Phong Thổ; Ka Lăng, Mường Tè, tỉnh Lai Châu từ 2013, 2016; 3 điểm trường, một nhà bán trú ở huyện Mường Chà, 2 điểm trường ở Mường Nhé, điện mặt trời ở huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên từ 2015, 2016, 2020; 2 nhà ăn, phòng học ở Lục Yên, Yên Bái; Nhà ăn, công trình nước sạch ở Vân Hồ và Mộc Châu, Sơn La; điểm trường ở Nguyên Bình, Cao Bằng từ năm 2015; nhà bếp, lò đốt rác, thư viện ở Bố Trạch, Quảng Bình từ 2017, 2023…

Bên cạnh đó, hàng vạn trang bị đồ dùng, trang thiết bị dạy học, chăn áo ấm, giường đệm, đồ dùng học tập, hàng trăm suất học bổng… được trao tặng góp phần thay đổi điều kiện đến trường, dạy và học của thầy cô ở hơn 40 điểm trường khắp cả nước.

Các hoạt động tài trợ của dự án do anh phát động đã duy trì qua nhiều năm, qua đó không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng bảo đảm cuộc sống cho hàng vạn lượt thầy cô và học sinh.

Đây cũng là nguồn động viên các thầy cô giáo vùng cao thêm niềm vui, sự tin tưởng, quyết tâm vào sự nghiệp trồng người; đồng thời khích lệ, cổ vũ gia đình, trẻ em vùng cao có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục đến trường.

Sau hơn một thập kỷ miệt mài tổ chức các hoạt động thiện nguyện, Trung tá Hoàng Trường Giang đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm quý báu. Nhờ đó, các chương trình an sinh xã hội mà anh khởi xướng ngày càng được triển khai một cách hiệu quả và nhanh chóng.
Anh đã xây dựng được một mạng lưới rộng khắp, kết nối với các cộng tác viên, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhà hảo tâm trên cả nước. Sự tin tưởng và ủng hộ của mọi người đã giúp anh mở rộng quy mô hoạt động, từ các vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo đến các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Phạm vi hỗ trợ cũng đa dạng hơn, không chỉ tập trung vào học sinh và cán bộ chiến sĩ mà còn mở rộng đến các đối tượng khác như người dân bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, dịch bệnh.