Hành trình thiêng liêng đi tìm đồng đội

Giữa lòng hang đá sâu thẳm, những người lính lặng người xúc động trong làn khói hương tưởng nhớ đồng đội đã nằm xuống trên đất bạn Lào. Hành trình ý nghĩa của các anh là tìm kiếm, quy tập hài cốt các chiến sĩ đã hy sinh. Bao năm qua, hành trình này chưa dừng lại bởi đây là nghĩa cử tri ân những người đã ngã xuống vì Tổ quốc, vì tình hữu nghị keo sơn Việt-Lào.
0:00 / 0:00
0:00
Đại diện Tư lệnh Quân khu 4 thăm Đội quy tập 192, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Huế và động viên các lực lượng giúp đỡ đội quy tập.
Đại diện Tư lệnh Quân khu 4 thăm Đội quy tập 192, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Huế và động viên các lực lượng giúp đỡ đội quy tập.

Đầu mùa khô 2024-2025, tại một hang đá sâu trong rừng rậm tỉnh Khăm Muộn (Lào), từ thông tin của ông Kẹo Vi Lay Vông Ma Ni, người dân bản Thả Thật, huyện Nhôm Mạ Lạt, Đội quy tập Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình đã tìm thấy hài cốt cùng nhiều di vật còn nguyên vẹn: tăng, võng, vỏ đạn súng K54, hộp thịt hộp, đế giày bộ đội Việt Nam…

Trung tá Nguyễn Thanh Bình, Đội trưởng Đội quy tập 589, kể lại: “Để vào được hang, cả đội phải leo qua những vách đá dựng đứng, trên lưng là ba-lô, cuốc xẻng, dụng cụ… nhưng không ai bỏ cuộc. Bởi hơn ai hết, chúng tôi hiểu, mình đang trả món nợ ân tình với những người đã gửi lại cả tuổi xuân trên đất bạn, là sự tri ân sâu sắc của những người lính hôm nay với thế hệ cha anh đã khuất”.

Còn Thiếu tá Đinh Lương Thịnh, Đội Quy tập 192, Bộ Chỉ huy quân sự thành phố Huế chia sẻ: “Ngày đầu sang đất bạn, mọi thứ đều xa lạ. Không biết tiếng, không quen địa hình, hồ sơ liệt sĩ lại quá ít ỏi. Nhưng tôi luôn nghĩ: mỗi nắm đất được lật lên là một hy vọng. Mỗi bước chân đi là một lời gọi các anh về”.

Đồng hành với các đội quy tập là những người dân Lào hiền lành, chất phác. Họ không chỉ xem bộ đội Việt Nam là ân nhân, mà còn coi việc chỉ mộ, hỗ trợ tìm kiếm hài cốt như một bổn phận thiêng liêng.

Già làng Kẹo Vi Lay Vông Ma Ni nói: “Bố tôi kể lại rằng năm 1967, có bộ đội tình nguyện Việt Nam hy sinh tại đây. Các anh được chôn cất tạm trong hang Thăm Hay. Nay bộ đội Việt Nam trở lại, tôi dẫn đường. Đây là việc cần làm để tỏ lòng biết ơn những người đã hy sinh vì quê hương tôi. Năm 1967, tôi từng làm liên lạc cho một số cán bộ, chiến sĩ Việt Nam. Khoảng năm 1970, nhiều chiến sĩ Việt Nam đã hy sinh trong các trận chiến quyết liệt tại khu vực này”.

Đại tá Ngô Nam Cường, Phó Tư lệnh Quân khu 4 chia sẻ: “Trong suốt những năm qua, hàng nghìn hài cốt đã được đưa về an táng tại quê nhà. Nhưng vẫn còn rất nhiều liệt sĩ đang nằm lại nơi rừng sâu xứ bạn. Chúng tôi sẽ không dừng lại, nỗ lực tìm kiếm, đưa được các anh về với đất mẹ”.

Chỉ riêng mùa khô 2024-2025, các đội quy tập Quân khu 4 đã tìm được 118 hài cốt liệt sĩ tại Lào.

Theo Đại tá Ngô Nam Cường, trong kháng chiến chống Pháp, Việt Nam đã dành sự hỗ trợ to lớn cho cách mạng Lào, tiêu biểu là việc thành lập “Liên quân Lào-Việt” năm 1949, sát cánh cùng quân đội Pathet Lào giải phóng nhiều vùng đất rộng lớn.

Đến kháng chiến chống Mỹ, những đoàn quân tình nguyện tiếp tục lên đường giúp bạn xây dựng lực lượng vũ trang, dựng lên những căn cứ cách mạng, rồi cùng nhau giữ gìn từng vùng giải phóng trước làn bom đạn ác liệt.

Sau ngày đất nước thống nhất, từ năm 1975 đến 1989, các chiến sĩ Việt Nam ở lại đất bạn, góp sức giữ gìn an ninh-chính trị, tiếp tục vun đắp cho sự phát triển của Lào trong hòa bình.

“Đã có hàng vạn chiến sĩ và chuyên gia Việt Nam lặng lẽ hành quân sang đất Lào, chiến đấu và ngã xuống vì sự nghiệp cách mạng chung. Nhiều người ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ, chưa kịp gửi về quê nhà một lá thư... Họ nằm lại giữa rừng sâu núi thẳm, nhưng tinh thần quyết chiến quyết thắng mãi bất tử trong lòng nhân dân hai nước”, Đại tá Ngô Nam Cường xúc động chia sẻ.

Thượng tá Phạm Hữu Tiến, Chính trị viên Đội quy tập, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tĩnh kể: “Có lần, khi phát hiện dấu vết đầu tiên trong khu rừng heo hút, cả đội như vỡ òa. Nỗi xúc động không thể kìm được. Những tiếng nói “Các anh ơi, chúng tôi sẽ đưa các anh trở về với đất mẹ” vang lên trong nước mắt”.

Hài cốt các chiến sĩ được bảo quản cẩn thận, bọc trong vải điều, được đưa về quê hương trong vòng tay và sự mong mỏi đợi chờ của người thân và đồng đội.

Cựu chiến binh Nguyễn Khắc Huyên (72 tuổi, hiện đang sống ở Thành phố Hồ Chí Minh), rưng rưng chia sẻ hành trình 50 năm, chỉ mong tìm được mộ người anh, để cha mẹ nơi suối vàng yên lòng: “Anh tôi - Nguyễn Khắc Trường là chiến sĩ đặc công, đồng thời cũng là nhà văn, họa sĩ. Anh hy sinh trên đất bạn Lào năm 1972 khi mới 21 tuổi. Từ ngày ấy, gia đình tôi sống trong nỗi day dứt khôn nguôi bởi không biết anh nằm lại nơi đâu…”.

Bặt vô âm tín suốt gần 50 năm, người em trai âm thầm tìm kiếm qua bạn bè đồng ngũ, gửi thư cho chương trình “Nhắn tìm đồng đội” trên kênh truyền hình VTV2, tra cứu thông tin trên mạng, đi đến tận nơi, dò tìm từng danh sách tại nghĩa trang dọc biên giới Việt-Lào… nhưng tất cả chỉ là những mảnh ghép rời rạc.

Mãi đến năm 2018, sau gần nửa thế kỷ, tia hy vọng nhen nhóm khi Tổng cục Chính trị cung cấp trích lục hồ sơ, xác định được đơn vị, địa điểm hy sinh và tọa độ chôn cất ban đầu.

Nhờ sự phối hợp của Đội quy tập liệt sĩ Quân khu 4 cùng người dân bản địa, ông Huyên đã lặn lội sang Lào-vượt núi, băng rừng, đến được dãy Phu Khé Nam, Cánh đồng Chum (Xiêng Khoảng)-nơi người anh trai đã ngã xuống.

“Khi đến nơi, qua thông tin của đội quy tập và các già làng, trưởng bản, tôi biết mộ anh đã được quy tập về Việt Nam. Hiện nay, anh tôi đang yên nghỉ tại khu B, Nghĩa trang liệt sĩ Việt-Lào (huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An)".

Đại tá Ngô Nam Cường cho rằng, công tác quy tập không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là biểu hiện sâu sắc của tình cảm quốc tế trong sáng, của mối quan hệ Việt-Lào “mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”.

Nhân dân hai nước đã cùng nhau đi qua những năm tháng khói lửa, và nay tiếp tục đồng hành trong hành trình tìm lại dấu vết của những người đã hy sinh. Việc đưa các anh trở về không chỉ là hành động nhân đạo, mà còn là cách để giáo dục thế hệ hôm nay, để thế hệ sau hiểu rằng: Tình bạn keo sơn giữa hai dân tộc này mãi được gìn giữ không bao giờ phai...