Nỗi lo của người yếu chân
Ông Nguyễn Đình Vinh, 78 tuổi, từ Đà Nẵng được gia đình người con ở nước ngoài mời vào Hội An du lịch. Ông cho biết: “Bữa đó, gia đình tôi dừng xe trước cửa khách sạn Full Moon đường Trần Quang Khải. Tôi ngồi trên xe chờ các con vào làm thủ tục nhận phòng. Trước mắt tôi có ba khách du lịch nước ngoài đi bộ trên vỉa hè nhưng không còn chỗ để đi. Họ lúng túng, ngập ngừng muốn vượt qua vỉa hè số nhà 108-110-112 thì phải bước xuống đường, vượt qua xe ô-tô của gia đình tôi trong điều kiện phải đi ra giữa đường và tầm nhìn bị khuất. May lúc đó trưa nắng, lưu lượng xe ít nhưng như vậy rất nguy hiểm”, ông Vinh cho biết.
Sau ca phẫu thuật thoát vị đĩa đệm, đôi chân ông Vinh trở nên yếu ớt, chiếc khung tập là người bạn đồng hành không thể thiếu, giúp ông từng bước lấy lại sự tự tin trong di chuyển. Khi nhìn chậu cảnh đủ loại, đủ kích cỡ, án ngữ gần như toàn bộ lối đi dành cho người đi bộ trên đoạn phố có khách sạn mình đang nghỉ ngơi cùng con cháu, ông lắc đầu: “Nếu trường hợp là tôi đi bộ trên vỉa hè như vậy, chỉ một sơ sẩy nhỏ cũng có thể khiến tôi vấp ngã, gây ra những hậu quả khôn lường”.
Bà Trần Thị Mai, 65 tuổi, chống đôi nạng gỗ cẩn thận từng bước trên vỉa hè đường Nguyễn Duy Hiệu. Cơn tai biến mạch máu não để lại di chứng ở chân trái, khiến bà đi lại khó khăn. Hôm nay cũng vậy, bà Mai cố gắng đi bộ một đoạn ngắn để hít thở không khí trong lành buổi sớm. Đường phố buổi sáng còn vắng người nhưng vỉa hè lại bày biện đủ thứ chướng ngại vật. Những chậu hoa kiểng đủ loại, từ nhỏ nhắn xinh xắn đến to lớn sum suê, được các hộ dân kê sát mép đường. Những bao rác thải sinh hoạt, chưa kịp thu gom chình ình trước mặt khiến bà Mai không còn lối đi nào khác đành bước vào quán giải khát ngồi than thở với chúng tôi.
Đừng để chiếm dụng thành đương nhiên!
Ông Võ Văn Hưng, 67 tuổi, ngụ trên đường Trần Nhân Tông, chậm rãi nói: “Tuổi già chúng tôi đi lại trong nhà mãi cũng chán, muốn đi ra phố chút cho đầu óc thông thoáng, chào hỏi người quen. Tuy nhiên quanh đây các nhà bày quá nhiều chậu cảnh, trời mưa bùn đất chảy xuống trơn trượt, trời nắng tưới phân đạm phân chuồng ruồi nhặng rồi nhiều cành cây không cắt tỉa, tôi sợ vướng vào nạng chống nhỡ té, con cháu lại nói điều không vui. Mỗi khi đi ngang qua những ngôi nhà bày biện chậu cảnh trên vỉa hè, tôi không còn cảm thấy đẹp mà thay vào đó là sự bực dọc”.
Số nhà 179 Trần Nhân Tông là địa chỉ của khách sạn Hạnh Nhung. Tại đây, bày chậu cây sát mép đường, dài khoảng 30 m, phía trong bày chậu cảnh chắn hết lối đi trên vỉa hè. Anh De Jong Daan, một du khách đến từ Hà Lan mỗi khi đi bộ đến đây lại phải vòng xuống đường, tránh xe rồi mới đi được tiếp. “Đây là đoạn đường ngắn, liên tục khúc cua, tầm nhìn hẹp bước xuống đường rất nguy hiểm nhưng tại sao họ được phép ngăn nó để bày các chậu cây?”, anh Daan hỏi.
Từng lên phác đồ tập luyện cho nhiều bệnh nhân, bác sĩ Trần Xuân Cảnh, Trưởng khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam, cho biết: “Những người đi bằng nạng gỗ, khung tập, xe lăn luôn cần mặt bằng đủ thoáng, đủ rộng để đi. Họ rất sợ các vật cản dưới đất, vật cản ngang tầm tay và vật cản ngang tầm mắt hoặc trên đầu. Đây là nỗi sợ không chỉ của người yếu, người già mà ngay cả chúng tôi trong việc trị liệu đều hiểu được những nguy cơ nên cũng rất sợ vật cản”.
Vỉa hè, lẽ ra là không gian công cộng dành cho tất cả mọi người, đang dần bị “chiếm dụng” thành sân vườn của một số cá nhân. Họ chỉ nghĩ đến sự tiện lợi và thẩm mỹ cho riêng mình mà quên đi những khó khăn, bất tiện mà người khác phải gánh chịu. Các cấp quản lý cần cấp bách ra quân lập lại trật tự trong việc sử dụng không gian vỉa hè, bảo đảm vệ sinh môi trường nhằm góp phần giữ vững thương hiệu Hội An, một điểm đến ưa thích đối với du khách trong và ngoài nước.
Với người khỏe mạnh, nhanh nhẹn, họ có thể dễ dàng lách qua các chướng ngại vật mà không mấy để ý. Nhưng với bà Mai, mỗi lần né tránh là một sự gắng sức, một nỗi lo lắng thường trực.