Anna Wintour (sinh năm 1949) từng dẫn dắt tờ Vogue (Anh) trước khi tiếp quản Vogue (Mỹ) vào năm 1988. Với kiểu tóc bob đặc trưng và kính râm tối mầu, bà được xem là người phụ nữ quyền lực nhất trong ngành xuất bản tạp chí. Tạp chí Vogue (Mỹ), với lượng độc giả 12 triệu bản in và 1,2 triệu lượt truy cập trực tuyến mỗi tháng từ lâu đã là ấn phẩm định hình cho người tiêu dùng Mỹ tiếp cận thời trang. Còn Anna Wintour từ lâu đã đưa vị thế của mình vượt ra ngoài lĩnh vực báo chí để vươn tới toàn bộ ngành công nghiệp truyền thông sáng tạo, đặc biệt là thời trang.
Dưới sự điều hành của Wintour, tờ Vogue (Mỹ) không chỉ phản ánh xu hướng mà còn tạo ra phong cách riêng, từ việc đưa thời trang đường phố vào các ấn phẩm đến việc sử dụng người nổi tiếng để nâng cao sức hút thương mại. Anna Wintour đã sử dụng thành thục khái niệm “quyền lực mềm” của báo chí để không chỉ phản ánh mà còn định hình văn hóa. Bà là người tiên phong trong việc đưa các ngôi sao ngoài ngành thời trang lên trang bìa, mở rộng sức hút đến các lĩnh vực văn hóa đại chúng, chính trị và thể thao. Các thương hiệu xa xỉ nhờ đến sự tư vấn của bà cho các quyết định bổ nhiệm nhà thiết kế. Các show trình diễn cao cấp mỗi mùa mong có sự hiện diện của bà ở hàng ghế đầu như một sự bảo chứng đầy tín nhiệm.
Di sản của Anna Wintour trong làng thời trang được xây dựng dựa trên việc kiểm soát chặt chẽ, sự lạnh lùng và hoài bão. Việc rời khỏi vị trí Tổng biên tập có thể là dấu hiệu của sự thay đổi, nhưng bà không biến mất khỏi thế giới thời trang. Anna Wintour vẫn làm các công việc khác, còn thị trường thời trang Mỹ sắp tới có thể thay đổi bởi người lãnh đạo mới. Đối với các chủ thương hiệu, doanh nhân và nhà tiếp thị, đây là thời điểm để nắm bắt cơ hội từ sự đổi mới, đồng thời điều chỉnh chiến lược để cạnh tranh trong một bối cảnh truyền thông đang dịch chuyển. Tờ Vogue (Mỹ) hậu Wintour sẽ hay hoặc rất chán, người kế nhiệm Wintour sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức.
Bạn có biết?
- Hiện Vogue (Mỹ) trong quá trình tìm kiếm người kế nhiệm và sẽ trực tiếp báo cáo cho Anna Wintour ở cương vị quản lý mới.
- Giới thời trang cho rằng, sự ra đi của Anna Wintour không mang dáng dấp một cuộc nghỉ hưu êm đềm của một người phụ nữ 75 tuổi, mà giống như một bước đi đầy toan tính để vừa giữ chặt quyền lực trong tay, vừa khéo léo tạo ra hình ảnh nhường chỗ cho thế hệ kế nhiệm. Tờ Variety cho biết, Anna Wintour vẫn tiếp tục đảm nhận hai vị trí quan trọng khác: Giám đốc nội dung toàn cầu của Tập đoàn Condé Nast và Giám đốc biên tập toàn cầu của hệ thống tạp chí Vogue. Như vậy bà vẫn giữ vai trò điều phối nội dung cho hàng loạt ấn phẩm lớn như Vanity Fair, GQ, AD, Wired, Bon Appétit, Tatler, Allure, Condé Nast Traveler, tiếp tục giám sát định hướng chiến lược của các ấn phẩm trên phạm vi quốc tế, đồng thời vẫn giữ vai trò chủ tịch chính của sự kiện thời trang toàn cầu Met Gala.
- Không chỉ là một Tổng biên tập quyền lực, Anna Wintour còn là nguồn cảm hứng cho nhân vật Miranda Priestly trong “The Devil Wears Prada” (dịch ra tiếng Việt là “Quỷ cái vận đồ Prada”), do ngôi sao Meryl Streep thủ vai. Dù nhân vật được khắc họa đa chiều song Anna Wintour nói bà thích bộ phim và đặc biệt ấn tượng với diễn xuất của Meryl Streep.