Năm nay, không gian triển lãm và tương tác với áo dài tiếp tục được mở rộng quy mô, bổ sung thêm nhiều hình thức thể hiện mới mẻ nhằm thu hút sự quan tâm của người dân, du khách. Bên cạnh việc quảng bá hình ảnh áo dài gắn liền với yếu tố văn hóa, lịch sử thông qua chuỗi chương trình biểu diễn, Ban tổ chức Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh còn tập trung tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm thực tế cho người dân.
Theo đó, người dân không chỉ được nhìn ngắm, nghe giới thiệu thông tin về các bộ sưu tập áo dài từ nhiều nhà thiết kế nổi tiếng mà còn thoải mái tìm hiểu về quy trình dệt vải, nhuộm vải và tạo mẫu áo dài qua nhiều thời kỳ. Trong lần tổ chức này, lễ hội thu hút 53 nhà thiết kế áo dài đến từ nhiều địa phương trên cả nước tham gia. Cùng với đó là sự góp mặt của hơn 30 khách mời, người nổi tiếng đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, văn hóa, nghệ thuật ở vai trò đại sứ hình ảnh.
Trong khi đó, chương trình “Đồng diễn dân vũ áo dài” của lễ hội đạt con số kỷ lục với khoảng 3.000 người tham gia trực tiếp tại phố đi bộ Nguyễn Huệ và hơn 47 nghìn người tại các điểm đến của 21 quận, huyện và TP Thủ Đức. Chương trình hứa hẹn mở ra không gian văn hóa đặc sắc, nơi người dân mọi độ tuổi sẽ cùng hòa nhịp trong những điệu dân vũ truyền thống lẫn hiện đại, thể hiện sự đoàn kết và gìn giữ văn hóa. Lần đầu tiên, Lễ hội Áo dài kết hợp tổ chức thêm hoạt động “Diễu hành cổ phục” với số lượng hơn 500 người tham gia nhằm góp phần tôn vinh vẻ đẹp của trang phục truyền thống trong dòng chảy văn hóa qua hàng nghìn năm lịch sử.
Chương trình “Nghệ thuật áo dài” diễn ra vào tối ngày 8/3 tại Công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phố đi bộ Nguyễn Huệ sẽ giới thiệu các bộ sưu tập áo dài mang tính sáng tạo, nghệ thuật nhưng vẫn giữ nguyên những giá trị truyền thống. Không dừng lại ở các tiết mục biểu diễn đặc sắc, chương trình còn tập trung vào việc định hướng thẩm mỹ, tạo ra xu hướng mới về việc sử dụng áo dài trong đời sống hằng ngày của người dân.