Versace đã thuộc về Prada

Mong ước một thương hiệu “Made in Italy” cao cấp về tay tập đoàn người Italian làm chủ đã trở thành hiện thực khi Prada Group đạt được thỏa thuận để có được Versace với mức giá khá rẻ.
0:00 / 0:00
0:00
Versace đã thuộc về Prada

Prada Group vừa ký hợp đồng trị giá 1,4 tỷ USD với Tập đoàn Capri Holdings để sở hữu Versace. Thỏa thuận mua bán giữa Prada và Versace diễn ra trong bối cảnh biến động kinh tế toàn cầu do các chính sách về thuế quan mà Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đưa ra đã giúp Prada mua lại Versace với mức giá thấp hơn so mức 1,6 tỷ USD được dự báo. Động thái này sẽ sáp nhập hai tên tuổi lớn nhất trong làng thời trang cao cấp Italy, mang lại đà phát triển mới.

Trong thông cáo báo chí phát đi ngày 10/4, Tập đoàn Prada hiện sở hữu các thương hiệu Prada, Miu Miu cùng nhiều công ty con trong lĩnh vực thực phẩm và thời trang nhấn mạnh phong cách thẩm mỹ đặc trưng, dễ nhận diện của Versace sẽ là sự bổ sung hoàn hảo cho danh mục thương hiệu hiện có của tập đoàn.

Trước đó, Versace từng được Capri Holdings mua lại với giá 2 tỷ USD vào năm 2018, tuy nhiên thời gian vừa qua Versace hoạt động thua lỗ. Trong quý III của năm tài chính hiện tại (kết thúc vào cuối tháng 3/2025), Versace báo cáo doanh thu 193 triệu USD, giảm 15% so cùng kỳ năm ngoái và mức lỗ hoạt động tăng lên 21 triệu USD. Việc đầu tư không hiệu quả khiến Capri Holdings cần thoái vốn khỏi Versace để tập trung vận hành cho thương hiệu thời trang “con cưng” là Michael Kors.

Còn với Prada, sau khi mua lại Helmut Lang và Jil Sander vào cuối những năm 1990 gần như không thực hiện các thương vụ lớn nào. Tìm đến Versace, họ hy vọng sẽ mang lại một tệp khách hàng mới cho tập đoàn, những người trước đây vốn chuyên trị phong cách tối giản.

Theo Vogue, các thương hiệu đang lớn mạnh của Prada Group là Prada và Miu Miu không cùng chung tệp khách hàng. Một bên tối giản (minimalism), phi giới tính, hiện đại, còn một bên tối đa (maximalism), cổ điển, đậm chất truyền thống nên việc thu nhận Versace sẽ giúp tập đoàn mở rộng nhóm khách hàng tiềm năng. Thương vụ được đánh giá là một bước đi táo bạo của Prada Group, đặc biệt trong bối cảnh ngành thời trang cao cấp đang đối mặt với nhiều thách thức và biến động. Với bước chuyển giao lịch sử này, giới mộ điệu kỳ vọng sự kết hợp giữa hai biểu tượng thời trang hàng đầu Italy sẽ mở ra một giai đoạn phát triển rực rỡ.

Bạn có biết?

- Tờ Financial Times phân tích việc mua lại Versace diễn ra trong bối cảnh thị trường hàng xa xỉ toàn cầu bất ổn bởi các mức thuế mới từ Mỹ là một dự án dài hạn của Prada Group chủ yếu nhằm mục đích tăng doanh thu hơn là tiết kiệm chi phí.

- Prada Group đang tìm cách mở rộng quy mô sau khi vượt qua làn sóng suy giảm nhu cầu hàng xa xỉ. Năm 2024 họ đạt doanh thu 5,4 tỷ euro (6 tỷ USD), tăng 17% nhờ thành công lớn của thương hiệu “con” là Miu Miu, khi doanh số tăng đến 93%. Cùng với đó, việc đưa nhãn hàng Versace về “bản quốc” sẽ giúp Italy có đối trọng trong cuộc đua tranh về quản lý ngành hàng xa xỉ lâu nay vốn do các tập đoàn khổng lồ của Pháp, Thụy Sĩ thống lĩnh.

- Vị trí Giám đốc sáng tạo của Versace hiện nay đang được giao cho Dario Vitale, một nhà thiết kế đang làm việc tại Miu Miu. Dario Vitale từng công tác tại Miu Miu từ năm 2010 và gần đây nhất nắm vai trò Giám đốc thiết kế mảng thời trang may mặc sẵn cũng như trưởng bộ phận hình ảnh thương hiệu. Kinh nghiệm làm việc lâu năm tại Miu Miu sẽ giúp Dario có được vị thế vững chắc khi Versace sáp nhập vào Tập đoàn Prada.