Hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm tài chính quốc tế

TP Hồ Chí Minh - một trung tâm kinh tế năng động đang được kỳ vọng trở thành Trung tâm Tài chính Quốc tế của Việt Nam. Trong bước chuyển mang tầm chiến lược đó, việc chuẩn bị và phát triển nguồn nhân lực tài chính chất lượng cao là nhiệm vụ sống còn, đặt ra yêu cầu đổi mới toàn diện cho giáo dục đại học. Ðây cũng là thời điểm để các cơ sở đào tạo và người học cùng nhập cuộc, định hình vị trí trong một sân chơi toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00
Sinh viên Đại học Việt Đức học tập tại trường.
Sinh viên Đại học Việt Đức học tập tại trường.

Khát vọng mới và bước đi chiến lược

Việt Nam đang tích cực triển khai kế hoạch phát triển các Trung tâm Tài chính Quốc tế (International Financial Center - IFC) nhằm thu hút dòng vốn đầu tư và nâng cao vị thế quốc gia. IFC không chỉ là biểu tượng, mà còn là bước đi chiến lược để tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế. IFC đóng vai trò như «nam châm» thu hút dòng vốn xuyên biên giới, các định chế tài chính lớn, đội ngũ chuyên gia cao cấp và hệ sinh thái dịch vụ giá trị cao, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu của nền kinh tế trước biến động toàn cầu. Nghị quyết 259/NQ-CP của Chính phủ đặt mục tiêu thành lập và vận hành Trung tâm tài chính tại TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng trong năm 2025.

Với vai trò đầu tàu kinh tế cả nước, tiềm lực mạnh và hệ thống tài chính năng động, TP Hồ Chí Minh đang sở hữu nền tảng thuận lợi để hiện thực hóa mục tiêu này: đóng góp hơn 22% GDP quốc gia, chiếm 25% tổng huy động vốn và gần 30% dư nợ tín dụng toàn quốc, Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh chiếm tới 95% giá trị vốn hóa toàn thị trường - tương đương hơn 54% GDP. Cùng với hệ sinh thái tài chính - doanh nghiệp phát triển và vị trí địa lý chiến lược, TP Hồ Chí Minh được đánh giá là ứng viên sáng giá cho IFC cấp khu vực.

Một trong những yếu tố quyết định thành công của IFC là nguồn nhân lực tài chính chất lượng cao. Ngay từ năm 2021, TP Hồ Chí Minh đã triển khai Đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế cho 8 ngành trọng điểm giai đoạn 2020-2035, trong đó có Tài chính - Ngân hàng. Theo đó, Thành phố “đặt hàng” các trường đại học thiết kế chương trình đạt chuẩn quốc tế, hướng đến hình thành đội ngũ nhân lực tinh hoa phục vụ vận hành IFC trong dài hạn.

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nhiều lần nhấn mạnh định hướng Thành phố sẽ tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech), đồng thời kiến nghị cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư phục vụ IFC. Sự phối hợp giữa Trung ương - địa phương - nhà trường - doanh nghiệp đang tạo nên nền móng vững chắc cho Thành phố trong vai trò hạt nhân trung tâm tài chính của cả nước.

Các trường đại học chủ động “vào cuộc”

Trong bối cảnh đó, nhiều trường đại học trên địa bàn thành phố chủ động đổi mới toàn diện chương trình đào tạo, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. TS Hà Thúc Viên, Phó Hiệu trưởng Đại học Việt Đức (VGU) cho biết trường vận hành theo mô hình quản trị hiện đại tiệm cận mô hình đại học Đức, từ cơ cấu tổ chức, quy trình tuyển dụng đến cơ chế tự chủ, tất cả nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo và nghiên cứu ở tầm quốc tế”. Mô hình “du học tại chỗ” của VGU hiện quy tụ gần 120 giáo sư Đức giảng dạy hằng năm, với tỷ lệ giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ lên đến 95,6%​, nhờ đó đã trở thành trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực tài chính, công nghệ và quản trị hiện đại. Trường mong muốn tăng cường hợp tác với bang Hessen (Đức) và các tổ chức tài chính quốc tế, hình thành một hệ sinh thái đào tạo - nghiên cứu phục vụ cho IFC và đề xuất Chính phủ hỗ trợ phát triển các chương trình đào tạo chuyên sâu về tài chính, quản trị rủi ro và công nghệ tài chính (fintech), kết nối VGU với các doanh nghiệp Đức để triển khai dự án nghiên cứu ứng dụng phục vụ ngành tài chính. Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh yêu cầu VGU đào tạo sinh viên có thể đảm nhiệm các vị trí trong quỹ đầu tư, định chế tài chính, tổ chức phái sinh, cơ quan quản lý tài chính quốc gia, đồng thời mở rộng đào tạo cho cán bộ quản lý nhà nước và nhân lực trung - cao cấp trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng - pháp lý​.

Nhấn mạnh về những cải tổ mạnh mẽ, PGS.TS Nguyễn Hữu Huy Nhựt, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh chia sẻ trường đã “đập hết, xây lại” toàn bộ chương trình đào tạo, tham khảo giáo trình tiên tiến của các đại học hàng đầu thế giới​. Trường đang áp dụng giáo trình chuẩn quốc tế cho cả hệ đại trà và chất lượng cao; từ năm 2024 chương trình đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh 3,5 năm được triển khai, tích hợp lý thuyết - thực tiễn, tập trung các kỹ năng nghề nghiệp tài chính - ngân hàng, fintech, quản trị rủi ro…và hướng đến cấp song bằng với các đối tác quốc tế​.

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, trường hướng đến kết nối với hơn 90 đối tác đã ký MOU trong đào tạo, hợp tác quốc tế và đã ký kết thỏa thuận với Quỹ Hợp tác Quốc tế các Ngân hàng Tiết kiệm Đức (DSIK) để đào tạo về quản lý tài chính, tài chính bền vững và tài chính số, qua đó nâng cao năng lực đào tạo, đóng góp nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thành phố.

Cùng với đó, một số trường khác đang chuẩn hóa chương trình đào tạo theo hướng quốc tế cho thấy bước chuẩn bị chiến lược nhằm cung cấp lực lượng lao động tài chính trình độ cao. Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh các trường cần mở rộng quy mô đào tạo ngành kỹ thuật - công nghệ - kinh tế và Bộ ủng hộ việc ưu tiên vốn đầu tư công, cải thiện hạ tầng và đơn giản hóa công nhận văn bằng quốc tế để thúc đẩy liên kết đào tạo. TP Hồ Chí Minh cũng đề xuất mở các khóa ngắn hạn chuyên biệt về điều hành tài chính, trọng tài quốc tế, quản trị rủi ro phục vụ yêu cầu vận hành IFC trong tương lai.

Đội ngũ nhân lực chuẩn quốc tế-đòi hỏi cấp bách

IFC đòi hỏi đội ngũ nhân lực tài chính có chất lượng đạt chuẩn quốc tế cả về kiến thức chuyên môn lẫn kỹ năng. Thực tế, nguồn nhân lực tài chính hiện nay ở nước ta còn nhiều hạn chế so với yêu cầu khắt khe của một IFC toàn cầu. TP Hồ Chí Minh chỉ có 36% lực lượng lao động có trình độ từ sơ cấp nghề trở lên, phần lớn còn thiếu kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng mềm và kinh nghiệm quốc tế​. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ 35% lao động ngành tài chính - ngân hàng của Việt Nam có trình độ đạt chuẩn quốc tế​ (số liệu năm 2023). Chỉ số kỹ năng số của Việt Nam chỉ đạt 4,2/10, thấp hơn nhiều so với Singapore (8,1/10) hay Hong Kong (Trung Quốc) (7,8/10)​. Đáng lưu ý, hơn 60% lao động tài chính nước ta có thâm niên dưới 5 năm, cho thấy thiếu hụt nghiêm trọng nhân sự trong lĩnh vực này​. PGS.TS Trần Hoàng Ngân cảnh báo thiếu hụt nhân lực chất lượng cao đang là rào cản lớn: “Chúng ta không chỉ cần nhân sự giỏi về tài chính hay công nghệ, mà còn phải có tầm nhìn quốc tế, khả năng sáng tạo và tư duy chấp nhận rủi ro. Thực tế tại TP Hồ Chí Minh cho thấy số lượng lao động có kỹ năng chuyên sâu về fintech, blockchain hay quản trị tài chính quốc tế còn rất hạn chế”​.

Theo đánh giá của Chỉ số Trung tâm Tài chính Toàn cầu (GFCI), yếu tố “nhân lực” được đo bằng độ sẵn có của nhân sự có kỹ năng, tính linh hoạt của thị trường lao động, chất lượng giáo dục trong lĩnh vực kinh doanh và kỹ năng của lực lượng lao động. IFC cần đội ngũ nhân lực được trang bị nền tảng kiến thức và bằng cấp quốc tế, thông thạo ngoại ngữ (đặc biệt là tiếng Anh), hiểu biết pháp luật và thông lệ tài chính quốc tế, cũng như thành thạo công nghệ mới.

Trong chiến lược phát triển các IFC, người học - đặc biệt là học sinh lớp 12 và sinh viên ngành kinh tế-tài chính đang đứng trước một cơ hội hiếm có. Việc các trường đại học đồng loạt triển khai nhiều chương trình đào tạo quốc tế, học bổng, trao đổi sinh viên, liên kết đào tạo với doanh nghiệp, cho sinh viên thực tập sớm… tạo nên một hệ sinh thái đào tạo tài chính năng động, bắt nhịp xu thế toàn cầu. Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội này, người học cần chuẩn bị không chỉ bằng điểm số, mà bằng tư duy mở và kỹ năng hội nhập.

Trước hết, năng lực ngoại ngữ và công nghệ là điều kiện tiên quyết. Các chương trình tài chính quốc tế hiện yêu cầu trình độ tiếng Anh tương đương IELTS 6.0 trở lên, cùng khả năng sử dụng công cụ phân tích, hiểu biết về fintech, blockchain, AI... - những kỹ năng đang tái định hình nghề nghiệp trong ngành tài chính. Sự chủ động trải nghiệm thực tiễn cũng là yếu tố tạo lợi thế. Việc tham gia các hoạt động học thuật, dự án nghiên cứu, cuộc thi khởi nghiệp hay thực tập tại tổ chức tài chính giúp người học tích lũy kinh nghiệm và kết nối cơ hội nghề nghiệp quốc tế.

Quan trọng hơn, người học cần xác lập tư duy dài hạn: học để trở thành chuyên gia trong chuỗi giá trị tài chính toàn cầu - nơi IFC là cánh cửa, và sự chuẩn bị hôm nay chính là bước đệm cho một hành trình vươn xa.