“Vũ điệu” của vàng
Mới ra Tết, nhìn giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn đồng loạt vượt mốc hơn 90 triệu đồng/lượng, chị Cao Việt Hà không khỏi xuýt xoa tiếc rẻ. Chị Hà chia sẻ: “Tôi bán nhà trả nợ xong, dư hai tỷ đồng định mua vàng. Đầu năm 2024, giá vàng miếng SJC lúc đó dao động ở mức 71-74 triệu đồng/lượng (mua-bán). Nhiều người khuyên không nên mua vì giá cao, nên chuyển sang mua vàng nhẫn lúc đó giao dịch tương ứng ở mức 61,4 - 63,28 triệu đồng/lượng. Tôi chần chừ rồi quyết định không mua, mang tiền đi gửi tiết kiệm. Nhưng không ngờ kết thúc phiên giao dịch cuối năm giá vàng miếng được niêm yết ở mức 82,2 - 84,2 triệu đồng/lượng (mua - bán), vàng nhẫn niêm yết ở mức 83,3 - 84,2 triệu đồng/lượng”.
Dù đã dự báo được cơn tăng của giá vàng, nhưng nhiều người vẫn bất ngờ xen lẫn tiếc nuối vì tốc độ phi mã của kim loại quý này. So với đầu năm 2024, giá bán vàng miếng đã tăng khoảng 10,2 triệu đồng/lượng, tương đương khoảng 14% và vàng nhẫn tăng 20,92 triệu đồng/lượng, khoảng 34%. Đây là mức tăng mạnh nhất trong hơn 10 năm trở lại đây.
Năm 2024 chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của giá vàng trên cả thị trường thế giới và Việt Nam. Điều đặc biệt là giá vàng nhẫn ghi nhận mức tăng dữ dội gần 21 triệu đồng/lượng, gấp đôi mức tăng của giá vàng miếng.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, chỉ số giá vàng bình quân cả năm 2024 tăng 28,64% so với năm trước. Khúc dạo đầu tăng giá bắt đầu từ cuối tháng 2/2024, sau đó giá vàng miếng và vàng nhẫn liên tục thiết lập những đỉnh mới. Bắt đầu từ cuối tháng 2, đầu tháng 3, giá vàng trong nước liên tục tăng nhanh và mạnh hơn nhiều so với thị trường thế giới. Mức chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và vàng thế giới có lúc lên đến 18 triệu đồng/lượng.
Đến tháng 5, có thời điểm vàng miếng SJC vượt 92 triệu đồng/lượng và vàng nhẫn trơn leo lên mức gần 90 triệu đồng/lượng.
Giá vàng “nhảy múa” khiến Ngân hàng Nhà nước phải có những biện pháp bình ổn. Biện pháp bước đầu là đấu thầu vàng miếng. Từ tháng 4/2024, trước những biến động khôn lường của giá vàng, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức tổng cộng 9 phiên đấu thầu với tổng khối lượng trúng thầu là 48.500 lượng nhằm bình ổn thị trường. Nhưng sau những phiên đấu giá, giá vàng hầu như không giảm, thậm chí còn tăng.
Giải pháp đấu giá tỏ ra không hiệu quả, Ngân hàng Nhà nước chuyển sang để 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và công ty SJC bán vàng miếng cho người dân.
Sau động thái này của Ngân hàng Nhà nước, giá vàng trong nước, đặc biệt là vàng SJC, đã giảm sâu trong tháng 5 và tháng 6, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế cũng được thu hẹp đáng kể, từ mức 15-16 triệu đồng/lượng xuống chỉ còn 4-5 triệu đồng/lượng. Theo đánh giá, giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới khoảng 5-7%. Thị trường vàng ổn định trở lại đã góp phần hỗ trợ tích cực cho thị trường ngoại tệ, tỷ giá và điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, do chịu tác động bởi đà tăng mạnh của giá vàng thế giới, đến cuối quý III và nửa đầu quý IV, giá vàng trong nước bật tăng trở lại và đầu năm 2025 đã lên những đỉnh mới. Giá vàng trong tháng 2 năm 2025 đã chứng kiến những biến động đáng kể. Theo dữ liệu mới nhất, giá vàng thế giới đã tăng lên mức 2.860,83 USD/ounce vào ngày 10/2.
Nhìn lại, trong hơn 10 năm qua giá vàng có lúc lên lúc xuống, nhưng biên độ không mạnh, thường dao động ở mức trên dưới 40 triệu đồng/lượng. Thậm chí nếu so giá tại thời điểm đầu năm 2013 với ngày cuối năm 2019, giá vàng còn giảm. Cụ thể, tại ngày 1/1/2013, giá vàng được mua vào - bán ra lần lượt là 45,7 triệu đồng/lượng và 46,3 triệu đồng/lượng. Nhưng đến cuối năm 2019, giá vàng 42,25 triệu đồng/lượng (mua vào) và 42,75 triệu đồng/lượng (bán ra).
Giá vàng nhảy vọt từ đầu năm 2020, khi xảy ra đại dịch Covid-19, đã tăng gần như gấp đôi với mốc 42 triệu đồng/lượng lên mức 80 triệu đồng/lượng. Cơn “rồ ga” ngoài dự báo đó đã khiến trong 10 năm qua, giá vàng SJC đã tăng gấp 2,2 lần, từ vùng giá hơn 34,7 triệu đồng/lượng cuối năm 2013 lên mức 76 triệu đồng/lượng cuối năm 2023. Đặc biệt, giá vàng từ năm sau đại dịch Covid, ngoài những phiên điều chỉnh ngắn hạn với biên độ yếu, hầu như chỉ lên không xuống.
Giải mã cơn sốt
Theo các chuyên gia, giá vàng trong nước năm 2024, đầu năm 2025 có nhiều biến động vì những nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Về nguyên nhân khách quan, đó là tác động từ kinh tế toàn cầu: Năm 2024, kinh tế thế giới đối mặt với nhiều biến động, bao gồm chiến tranh thương mại giữa các quốc gia lớn và bất ổn địa chính trị, trong đó cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn đang diễn biến phức tạp và chưa nhìn thấy hồi kết. Những yếu tố này làm gia tăng nhu cầu trú ẩn an toàn, đẩy giá vàng lên cao.
Báo cáo về xu hướng nhu cầu vàng trong quý IV và cả năm 2024 của Hội đồng Vàng thế giới (WGC) công bố cho thấy tổng nhu cầu vàng hằng năm (bao gồm cả giao dịch trên thị trường phi tập trung - OTC) đạt mức cao kỷ lục mới là 4.974 tấn. Đó là nhu cầu đầu tư tăng cùng với hoạt động mua vào mạnh mẽ và liên tục của khối ngân hàng trung ương.
Sự kết hợp giữa giá vàng cao kỷ lục và khối lượng giao dịch đã làm tổng giá trị nhu cầu vàng đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 382 tỷ USD.
WGC chỉ ra các ngân hàng trung ương đã liên tục mua vàng với tốc độ nhanh trong năm 2024, số lượng mua vượt 1.000 tấn trong năm thứ ba liên tiếp.
Trung Quốc có lượng mua ròng lớn nhất thế giới, theo sau là Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ. WGC nhận định vàng là thành phần quan trọng trong khối dự trữ của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu, nhờ tính an toàn, thanh khoản cao và có thể sinh lời. Các cơ quan này cũng là nhóm nắm giữ vàng lớn của thế giới, chiếm 20% lượng vàng được khai thác trên toàn cầu.
Bên cạnh đó, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, lãi suất thấp, làm giảm giá trị của các đồng tiền mạnh và tăng sức hấp dẫn của vàng như một tài sản lưu trữ giá trị. Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới thường niên ở Davos, Thụy Sĩ đã kêu gọi các ngân hàng trung ương toàn cầu giảm lãi suất. Những bình luận của ông Trump không đồng nhất với định hướng chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đang thực hiện. FED đã khẳng định họ không vội vàng cắt giảm lãi suất. Cùng với đó, quan điểm cắt giảm thuế trong nước, tăng thuế nhập khẩu của Tổng thống Mỹ đã tạo nên môi trường lý tưởng để vàng tăng giá vì tiềm ẩn nguy cơ lạm phát tăng cao.
Bên cạnh yếu tố thế giới, giá vàng trong nước tăng cũng có nguyên nhân chủ quan xuất phát từ các yếu tố nội tại của nền kinh tế và chính sách điều hành. Trước hết về chính sách tiền tệ và tài khóa, khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ (giảm lãi suất, bơm tiền vào nền kinh tế), lượng tiền trong lưu thông tăng lên, làm giảm giá trị của tiền đồng và thúc đẩy nhu cầu đầu tư vào vàng như một kênh trú ẩn an toàn.
Nhiều chuyên gia cho rằng, giá vàng “nhảy múa” có một phần nguyên nhân từ Ngân hàng Nhà nước nắm quyền kiểm soát nhập khẩu vàng nguyên liệu, hạn chế sự cạnh tranh và làm cho giá vàng trong nước thường cao hơn giá vàng thế giới.
Trong bối cảnh các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán, hay ngoại tệ kém hấp dẫn (do rủi ro cao hoặc lợi suất thấp), dòng tiền có xu hướng chuyển sang vàng, đẩy giá tăng lên. Ngoài ra giá vàng tăng còn có yếu tố tâm lý tác động, do nền kinh tế đang khó khăn, nên người dân xem vàng là kênh trú ẩn an toàn. Bên cạnh đó, những cơn “sốt” giá vàng vừa qua, ngoài quy luật cung cầu, còn có yếu tố đầu cơ, làm giá, đẩy giá. Chỉ cần một vài doanh nghiệp hay cá nhân đủ tiềm lực tạo ra cơn sốt thì cả thị trường chao đảo, giá tăng thẳng đứng, kẻ làm chủ cuộc chơi tha hồ hốt bạc.
Ngoài ra, việc Nhà nước độc quyền vàng miếng SJC đã tạo ra sự khan hiếm và chênh lệch lớn giữa giá vàng của thương hiệu này so với giá vàng thế giới.