Luật Ðấu thầu 2025:

“Cởi trói” cho công nghệ Make in Vietnam

Quốc hội vừa thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ðấu thầu, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2025, chính thức tạo ra hành lang pháp lý mới nhằm khơi thông những điểm nghẽn lâu nay với các gói thầu công nghệ cao.

Mô hình thu phí tự động không dừng đa làn tự do không barie đầu vào (free-flow) lần đầu tiên được áp dụng ở Việt Nam tại cao tốc Nha Trang-Cam Lâm do đội ngũ kỹ sư người Việt của ELCOM thiết kế, sản xuất.
Mô hình thu phí tự động không dừng đa làn tự do không barie đầu vào (free-flow) lần đầu tiên được áp dụng ở Việt Nam tại cao tốc Nha Trang-Cam Lâm do đội ngũ kỹ sư người Việt của ELCOM thiết kế, sản xuất.

Lần đầu tiên, các sản phẩm nghiên cứu, sản xuất tại Việt Nam có cơ hội cạnh tranh công bằng, được ưu tiên lựa chọn, thay vì lép vế trước công nghệ ngoại nhập.

Ưu tiên sản phẩm Make in Vietnam

Một trong những điểm mới được cộng đồng doanh nghiệp công nghệ đánh giá rất cao là Luật Đấu thầu 2025 ưu tiên các sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam tự nghiên cứu, phát triển, làm chủ công nghệ. Đây không còn là khẩu hiệu, mà là tiêu chí có thể được quy định ngay trong hồ sơ mời thầu.

Ông Phạm Minh Thắng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ - Viễn thông ELCOM, một trong những doanh nghiệp hàng đầu về giải pháp, sản phẩm giao thông thông minh chia sẻ: Trước đây, nhiều dự án ITS (giao thông thông minh) ở Việt Nam buộc phải mua thiết bị, phần mềm từ nước ngoài với giá rất cao, mà lại không làm chủ được công nghệ. Ông dẫn chứng: “Khoảng 10 năm trước, gói ITS trên cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây phải nhập từ Hàn Quốc, Nhật Bản là những hệ thống rất tốt và chất lượng ở thời điểm đó. Nếu bây giờ triển khai cùng loại gói đó doanh nghiệp trong nước đã tự thiết kế và sản xuất hoàn toàn với chất lượng và tính năng không những vượt trội mà giá thành còn rẻ hơn. Đặc biệt, với khả năng làm chủ hoàn toàn các công nghệ mới nhất và năng lực đồng hành tốt của các doanh nghiệp trong nước trong suốt quá trình sử dụng sau này (kể cả sau bảo hành nhiều năm) thì tính hiệu quả về sử dụng, về đầu tư hoàn toàn được nhìn thấy rõ cho chủ đầu tư yên tâm”.

Đó cũng chính là giá trị của những sản phẩm Make in Vietnam đang ngày càng khẳng định chỗ đứng. Điển hình là mô hình thu phí tự động không dừng đa làn tự do không barrie đầu vào (free-flow) - lần đầu tiên được áp dụng ở Việt Nam tại cao tốc Nha Trang-Cam Lâm thuộc hệ sinh thái ELCOM ITS. Công nghệ này giúp loại bỏ hoàn toàn vách ngăn, cabin, barie, vừa tiết kiệm diện tích, nhân lực, vừa cho phép xe chạy tới 120 km/giờ mà hệ thống vẫn kịp quét thẻ và trừ phí chính xác, thay vì phải giảm tốc xuống còn 60 km/giờ như trước. Bên cạnh đó, ELCOM còn phát triển hệ thống eWIM kiểm soát tải trọng tự động, có khả năng xử lý 100% xe quá tải suốt 24/7 với độ chính xác có thể xử phạt được trực tiếp theo các quy định hiện hành của Việt Nam.

Toàn bộ hệ sinh thái ITS của ELCOM được nghiên cứu và phát triển hoàn toàn bởi chất xám của người Việt, đáp ứng các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, nhằm giải quyết các bài toán giao thông đặc thù của Việt Nam. Sản phẩm này vừa đoạt Cúp Vàng Sản phẩm Công nghệ số Make in Vietnam, không chỉ giúp tối ưu chi phí, phù hợp điều kiện trong nước mà quan trọng hơn, giúp Việt Nam thoát khỏi sự lệ thuộc vào công nghệ nước ngoài.

Nhiều chuyên gia đánh giá, Luật mới không hô hào khẩu hiệu “ủng hộ doanh nghiệp Việt”, mà đi vào cơ chế thực thi cụ thể. Các chủ đầu tư được phép đưa ra tiêu chí kỹ thuật sâu, phù hợp với từng lĩnh vực đặc thù như giao thông thông minh, trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng… để lựa chọn đúng nhà thầu thật sự có năng lực. Đồng thời, Luật cũng bắt buộc nhà thầu phải chứng minh năng lực ngoài hiện trường, chứ không chỉ bằng hồ sơ lý thuyết.

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty luật Đại Nam đánh giá một trong những thay đổi quan trọng nhất của Luật Đấu thầu sửa đổi lần này là việc cho phép đánh giá năng lực nhà thầu không chỉ qua hồ sơ kỹ thuật, mà bằng chính khả năng chạy thử, nghiệm thu, kiểm định sản phẩm trong điều kiện thực tế - điều mà luật cũ chưa tạo điều kiện rõ ràng. Theo đó, đối với các gói thầu có yếu tố công nghệ cao, chủ đầu tư được quyền yêu cầu nhà thầu thực hiện chạy thử thiết bị, chứng minh độ ổn định, độ chính xác, tốc độ xử lý và độ tương thích với hệ thống hiện có. Việc này nhằm bảo vệ chủ đầu tư khỏi rủi ro mua phải công nghệ “trên giấy” để rồi sau khi đi vào vận hành mới biết bị “hớ” - vốn là tình trạng phổ biến trước đây.

Thay vì chỉ phê duyệt qua tài liệu PowerPoint và lời hứa “công nghệ đột phá”, giờ đây các thiết bị như camera giao thông, phần mềm điều hành thông minh... buộc phải vận hành, ghi nhận dữ liệu thật, kiểm chứng sai số, độ trễ và tính ổn định trước khi được chấp nhận. Một thay đổi nhỏ về mặt kỹ thuật, nhưng tạo ra thay đổi lớn về chất lượng.

mo-hinh-giao-thong-thong-minh.jpg
Mô hình thu phí tự động không dừng đa làn tự do không barie đầu vào (free-flow) lần đầu tiên được áp dụng ở Việt Nam tại cao tốc Nha Trang-Cam Lâm do đội ngũ kỹ sư người Việt của ELCOM thiết kế, sản xuất.

Tư duy kiến tạo: Trao quyền, hỗ trợ và kiểm soát

Luật Đấu thầu 2025 bổ sung hàng loạt quy định mang tính đột phá, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao - lĩnh vực từng bị xem là “chơi sân khách” đối với doanh nghiệp Việt Nam. Điểm nổi bật nhất của Luật lần này là lần đầu tiên đưa ra định nghĩa pháp lý rõ ràng về gói thầu công nghệ cao, thay vì chỉ viện dẫn chung Luật Công nghệ cao 2008. Gói thầu công nghệ cao được xác định phải có hàm lượng nghiên cứu - phát triển lớn, chưa phổ biến rộng rãi trên thị trường, có tính đổi mới sáng tạo và có khả năng tác động mạnh mẽ đến năng suất, an ninh, quốc phòng hoặc chuyển đổi số quốc gia.

Điều này không chỉ thay đổi khái niệm, mà mở ra cơ chế mới: Cho phép chỉ định thầu hoặc đấu thầu hạn chế với các gói thầu công nghệ cao khi chứng minh được tính độc quyền công nghệ, tính cấp bách hoặc yêu cầu bảo mật. Ông Trần Quang Tuyến, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vạn Cường, cho rằng: “Đây thật sự là bước chuyển về tư duy: Trao quyền cho chủ đầu tư tự quyết sâu hơn, nhưng cũng buộc họ phải chịu trách nhiệm trực tiếp về chất lượng và hiệu quả dự án. Chủ đầu tư sẽ không bị “đóng khung”, không còn tình trạng sợ sai, e ngại bị quy kết thông thầu, dẫn tới không dám lựa chọn những nhà thầu thật sự phù hợp”.

Một điểm đổi mới rất đáng chú ý của Luật Đấu thầu 2025 là lần đầu tiên cho phép tính toán giá trị tổng thể của sản phẩm công nghệ, thay vì chỉ nhìn vào giá trúng thầu thấp nhất. Quy định này đặc biệt quan trọng với các thiết bị phải vận hành lâu dài, đòi hỏi độ bền, độ ổn định và khả năng nâng cấp, để tránh tình trạng “rẻ mà hóa đắt”.

Theo ông Phạm Minh Thắng, Luật Đấu thầu mới bắt buộc cách làm hiện nay phải khác trước, không thể chỉ nhập công nghệ nước ngoài về lắp ghép để đi đấu thầu. Việc trúng thầu chỉ là khởi đầu, quan trọng là triển khai hiệu quả trong thực tế và đồng hành (hỗ trợ vận hành, xử lý sự cố, chỉnh sửa phần mềm…). Thiết bị giá thấp có khi trong thời gian bảo hành đã hỏng, chất lượng sử dụng thấp thì vẫn đắt hơn loại giá cao hơn mà dùng ổn định sau bảo hành nhiều năm. Phải tính hiệu quả đầu tư, giá trị lâu dài mà người dân được hưởng. Khi đấu thầu, cần có tư duy chọn công nghệ chất lượng cao để bước tiếp lên những chuẩn mực mới, chọn giải pháp tốt để có nền tảng vươn lên cao hơn nữa.

Tổng Bí thư Tô Lâm cũng từng cảnh báo về hệ lụy của tư duy đấu thầu chỉ chăm chăm giá rẻ: Khoa học mà đấu thầu giá rẻ chỉ đem về công nghệ lạc hậu. Nếu chỉ chạy theo giá thấp mà bỏ qua chất lượng và khả năng làm chủ công nghệ, Việt Nam có nguy cơ tụt hậu và trở thành “bãi rác công nghệ. Đó cũng là lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng, tiêu chí lựa chọn nhà thầu cần gắn liền với tinh thần của Nghị quyết 57 NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Luật mới cũng mở ra hướng tiếp cận “đầu bài mở,” trao cho chủ đầu tư quyền cho phép nhà thầu đề xuất các giải pháp sáng tạo, thậm chí tổ chức trình diễn thực tế như cách “chạy thử xe”. Điều này không chỉ giúp lựa chọn đúng công nghệ, phù hợp nhất với điều kiện thực tiễn, mà còn tạo cơ hội để nhà thầu chứng minh năng lực thật sự, vượt qua những rào cản về thủ tục và hồ sơ giấy tờ.

Theo bà Vũ Quỳnh Lê, Phó Cục trưởng Quản lý Đấu thầu (Bộ Tài chính), luật mới chuyển từ cơ chế tiền kiểm sang hậu kiểm, tạo điều kiện để các chủ thể tự chủ hơn. Các hình thức chỉ định thầu, đấu thầu hạn chế được mở rộng cho những trường hợp đặc thù như công nghệ cao, nhưng vẫn phải đi kèm với giám sát hậu kiểm, tránh bị lạm dụng.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn cũng đánh giá cao bước chuyển này. Theo ông, Luật đã “bổ sung nhiều chính sách ưu đãi và ưu tiên cho doanh nghiệp khoa học công nghệ”, như miễn yêu cầu chứng minh năng lực tài chính với doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, trung tâm công nghệ cao. Việc này giúp tháo gỡ rào cản cho các doanh nghiệp trẻ nhưng có tiềm năng lớn về công nghệ - một bước cần thiết để thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam phát triển mạnh mẽ và bền vững.

Có thể bạn quan tâm

back to top