Kinh tế-Xã hội

Biến nỗi lo thành cơ hội

Ðối mặt với chi phí gia tăng, áp lực tuân thủ và những thay đổi nhanh chóng về chính sách, nhiều doanh nghiệp nhỏ tưởng như bị đẩy vào thế khó.

Vẽ trang trí trên sản phẩm tại Công ty cổ phần gốm Chu Đậu (Hải Phòng). Ảnh | KHIẾU MINH
Vẽ trang trí trên sản phẩm tại Công ty cổ phần gốm Chu Đậu (Hải Phòng). Ảnh | KHIẾU MINH

Thế nhưng, theo các chuyên gia, “làm đúng luật” không chỉ là xu thế không thể đảo ngược, mà còn là cánh cửa mở ra cơ hội phát triển bài bản, minh bạch và bền vững trong nền kinh tế đang ngày càng yêu cầu tính chuyên nghiệp cao.

Xây dựng một môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và chuyên nghiệp là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, khi nhiều chính sách quản lý - đặc biệt là Nghị định 70/2025 của Chính phủ yêu cầu hộ kinh doanh từ ngày 1/6 phải sử dụng hóa đơn điện tử và thiết bị tính tiền kết nối cơ quan thuế - bắt đầu đi vào thực thi, hàng trăm nghìn doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đang phải đối mặt với những thách thức lớn từ chi phí tuân thủ, năng lực vận hành đến tâm lý lo ngại bị “siết”.

Lo lắng và e ngại

Trên thực tế, khi các doanh nghiệp lớn đã quen với việc tuân thủ chuẩn mực, báo cáo tài chính, thuế, hóa đơn điện tử... thì khu vực kinh doanh nhỏ lại đối diện với nhiều nỗi lo như thiếu hiểu biết, không đủ điều kiện kỹ thuật, sợ bị truy thu, lo lắng bị thanh tra và áp lực chi phí tuân thủ. Đây là lo lắng có thật, đã và đang khiến nhiều hộ kinh doanh cá thể lúng túng trong việc quyết định “lên đời doanh nghiệp” hay tiếp tục làm theo cách cũ.

Theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, việc “làm đúng luật” với doanh nghiệp nhỏ không hề đơn giản. Nhiều quy định tưởng chừng bình thường với doanh nghiệp lớn, lại có thể trở thành gánh nặng với các đơn vị siêu nhỏ. Chi phí cho hóa đơn điện tử, phần mềm kế toán, kế toán viên, nộp thuế đầy đủ... có thể chiếm phần lớn trong doanh thu hoặc lợi nhuận vốn đã eo hẹp.

Một rào cản khác là mức độ hiểu biết và năng lực vận hành của các hộ kinh doanh còn hạn chế. Nhiều hộ kinh doanh nhỏ, thậm chí chỉ buôn bán nhỏ lẻ hoặc làm nghề thủ công tại nhà, chưa từng nghĩ tới chuyện kê khai thuế hay lập báo cáo tài chính, việc bắt buộc lập hóa đơn, kê khai sổ sách là điều không tưởng nếu không có sự hỗ trợ cụ thể. Thậm chí, một số người còn e ngại bị truy cứu nghĩa vụ thuế trong quá khứ, nghĩa là phải chứng minh tính hợp pháp của hoạt động kinh doanh trong những năm trước. Việc thiếu kiến thức, kỹ năng quản trị và cả tâm lý e ngại chính sách khiến nhiều hộ kinh doanh chưa sẵn sàng chính thức hóa.

Còn theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các chính sách hiện hành đang có xu hướng ngày càng chặt chẽ hơn, đặc biệt trong các lĩnh vực như thuế, an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy... Đây là xu thế tất yếu, nhằm bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng và nâng chuẩn kinh doanh.

Tuy nhiên, với doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là hộ kinh doanh cá thể, việc tuân thủ các quy định này đặt ra áp lực rất lớn về chi phí, thời gian và năng lực thực hiện. Để triển khai hóa đơn điện tử, nhiều hộ kinh doanh phải đầu tư máy tính, học sử dụng phần mềm, thay đổi toàn bộ thói quen bán hàng. Khoản thuế nộp cũng cao hơn do minh bạch hơn. Tâm lý chung là lo ngại, thậm chí phản ứng.

Xu hướng không thể đảo ngược

Dù những lo lắng là hợp lý, nhưng việc chính thức hóa hoạt động kinh doanh là xu hướng không thể đảo ngược. Đây không chỉ là vấn đề quản lý nhà nước, mà còn là lợi ích của chính doanh nghiệp. Chị Nguyễn Thị Minh, chủ một cơ sở bán đồ khô ở chợ Tân Định (TP Hồ Chí Minh) chia sẻ rằng, sau hơn 10 năm kinh doanh dưới hình thức hộ cá thể, chị đã chính thức chuyển đổi thành doanh nghiệp nhỏ vào tháng 3/2025. Ban đầu, chị rất e ngại vì không quen với việc kê khai thuế, phần mềm hóa đơn điện tử và chi phí thuê kế toán. Tuy nhiên, nhờ được Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tại địa phương hỗ trợ tận tình, chị đã làm quen dần và chỉ sau 2 tháng đã tự tin vận hành mô hình mới. “Tôi bất ngờ vì các nhà hàng, siêu thị bắt đầu liên hệ đặt hàng nhiều hơn. Họ yêu cầu có hóa đơn, hợp đồng và tôi có thể đáp ứng. Sau một năm chuyển đổi, doanh thu tăng 40%, mở thêm một kho hàng và đang xây dựng thương hiệu riêng”, chị Minh chia sẻ.

Không chỉ riêng chị Minh, nhiều hộ kinh doanh đang bắt đầu nhìn thấy cơ hội trong “cuộc chơi mới”. Theo số liệu Bộ Tài chính, số hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp của tháng 6 năm nay đạt mức cao hơn 118% so với cùng kỳ năm trước, tăng hơn 60% so với tháng trước và gấp 2,4 lần so với mức trung bình trong 2-3 năm gần đây, cho thấy tâm lý “lên doanh nghiệp” đang dần hình thành.

Theo TS Nguyễn Quốc Việt, chuyên gia chính sách công Trường đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), chuyển từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp giúp hợp pháp hóa, mở ra cơ hội vay vốn, mở rộng quy mô và tăng độ tin cậy với đối tác. Nhiều doanh nghiệp nhỏ sau khi chính thức hóa đã thấy rõ lợi thế như khách hàng tin tưởng hơn, dễ mở rộng kênh bán và tiếp cận chính sách. Trước đây nhiều hộ kinh doanh tránh các nghĩa vụ, từ thuế đến kê khai dẫn đến cạnh tranh không công bằng. Nay khi tất cả phải minh bạch, tuân thủ luật, những người kinh doanh bài bản sẽ không còn bị lép vế trước các hộ hoạt động phi chính thức, không minh bạch.

Không chỉ vậy, việc tuân thủ pháp luật giúp doanh nghiệp tránh được rủi ro bị xử phạt, tạo nền tảng vững chắc để tham gia chuỗi cung ứng chính thức và từng bước vươn ra thị trường quốc tế. Đây là yếu tố nền tảng cho sự phát triển bền vững, lâu dài. Các cơ quan quản lý cũng cần một hệ thống doanh nghiệp minh bạch để xây dựng chính sách đúng đối tượng, tránh thất thu thuế và hạn chế kinh doanh trên “sân sau”. Nhìn từ bên trong hay bên ngoài, chính thức hóa kinh doanh nhỏ vẫn là con đường đúng.

Cần chính sách phù hợp để thực thi hiệu quả

Biến nỗi lo thành cơ hội - điều đó chỉ thành sự thật nếu các chính sách được thiết kế linh hoạt, lộ trình hợp lý và hệ thống hỗ trợ đủ mạnh. Theo ông Phan Đức Hiếu, một trong những vấn đề cốt lõi hiện nay là khung pháp lý đang được xây dựng theo tư duy “một cỡ áp cho tất cả”, vô hình trung tạo áp lực rất lớn lên các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Do đó, cần thiết kế chính sách pháp luật có tính phân loại, phù hợp với quy mô doanh nghiệp, trong đó các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nên được hưởng cơ chế giảm yêu cầu về hồ sơ, điều kiện hoặc các bước thủ tục hành chính phù hợp năng lực thực hiện. Bên cạnh việc rà soát lại hệ thống quy định hiện hành, đặc biệt lưu ý đến yếu tố “độ dễ tuân thủ” - tức là doanh nghiệp nhỏ không chỉ cần luật phù hợp mà còn cần luật dễ hiểu, dễ làm, dễ thực hiện.

Ở góc độ thực thi pháp luật, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng nếu các chính sách mới được ban hành và yêu cầu thực hiện ngay lập tức, doanh nghiệp nhỏ sẽ rơi vào thế bị động, lo sợ, thậm chí tạm ngừng kinh doanh vì không thể theo kịp. Vì vậy, việc thực hiện chính sách cần kết hợp cả “lực đẩy” (bắt buộc phải làm) và “lực kéo” (hỗ trợ để muốn làm) như miễn phí phần mềm kế toán, hóa đơn điện tử; cung cấp các khóa đào tạo ngắn ngày; và tư vấn kịp thời từ cơ quan chức năng. Nhà nước cần chủ động tiếp cận, giải thích và hỗ trợ, thay vì chỉ chờ doanh nghiệp tự tìm hiểu. Khi cảm nhận được sự đồng hành, doanh nghiệp nhỏ sẽ có thêm động lực và niềm tin để bước vào sân chơi chính thức.

Bên cạnh hỗ trợ kỹ thuật, TS Nguyễn Quốc Việt cho rằng Nhà nước cần tiến xa hơn trong việc minh bạch hóa môi trường kinh doanh, loại bỏ các yếu tố “xin-cho”, giảm chi phí ngầm và quan trọng nhất là bảo đảm sự thống nhất giữa quy định trên giấy và thực thi thực tế. Nếu chi phí tuân thủ quá cao so với quy mô hoạt động thì nhiều doanh nghiệp nhỏ sẽ không thể tồn tại, chưa nói đến phát triển. Do đó, việc rà soát và giảm thiểu chi phí tuân thủ luật pháp là ưu tiên chiến lược, để mọi chính sách hỗ trợ có thể phát huy hiệu quả. Khi doanh nghiệp cảm thấy luật dễ hiểu, môi trường minh bạch và không có rào cản “ẩn”, sẽ sẵn sàng đầu tư, mở rộng quy mô và phát triển theo hướng chính thức.

Rõ ràng, “làm đúng luật” không chỉ là yêu cầu quản lý, mà còn là chìa khóa để doanh nghiệp nhỏ từng bước chuyên nghiệp hóa, mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, con đường ấy sẽ không thể đi một mình. Những chính sách pháp luật dù đúng đắn đến đâu cũng cần được hiện thực hóa bằng lộ trình hợp lý, công cụ hỗ trợ cụ thể và sự đồng hành thực chất từ phía Nhà nước.

Có thể bạn quan tâm

back to top