Hồi chuông báo động về mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng khí hậu

Thiên nhiên đang dồn dập gióng hồi chuông báo động về mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay. Khi các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, cực đoan dần trở thành điều “bình thường mới”, các hệ thống phòng ngừa, ứng phó cũng đứng trước yêu cầu cải tổ để trở nên hiệu quả hơn, nhằm bảo đảm an toàn cho cộng đồng.

Thiệt hại do lũ lụt tại hạt Kerr, bang Texas, ngày 5/7/2025. (Ảnh: The Texas Tribune)
Thiệt hại do lũ lụt tại hạt Kerr, bang Texas, ngày 5/7/2025. (Ảnh: The Texas Tribune)

Từ châu Á đến châu Âu, châu Mỹ, người dân các nước đang oằn mình chống chọi với các thảm họa thiên nhiên. Trận lũ quét kinh hoàng vừa qua ở bang Texas, Mỹ là một trong những trận lũ quét gây thiệt hại lớn nhất tại Xứ cờ hoa trong vòng 100 năm.

Các chuyên gia chỉ ra rằng, biến đổi khí hậu là thủ phạm chính khiến nền nhiệt tăng, dẫn tới sự xuất hiện nhiều hơn những cơn mưa có cường độ cao. Thậm chí, ông Gregory Pierce, đồng Giám đốc Trung tâm đổi mới Luskin thuộc Đại học California tại Los Angeles cảnh báo, số người chết do lũ lụt tại Mỹ sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới do biến đổi khí hậu và việc thiếu đầu tư vào hệ thống cảnh báo thiên tai.

Trong khi đó, hàng triệu người dân sống tại châu Âu, châu Á và châu Phi đang gồng mình dưới nắng nóng như thiêu đốt. Tháng 6 năm nay đã phá vỡ mọi kỷ lục về sức nóng tại khắp các châu lục.

Tại Hàn Quốc, số người mắc các bệnh liên quan nắng nóng đã tăng hơn 83% so với cùng kỳ năm 2024, khi nắng nóng đến sớm hơn bình thường.

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) khẳng định, thế giới sẽ phải học cách sống chung với các đợt nắng nóng kéo dài.

Nhiều cuộc họp về khí hậu đã được tổ chức; nhiều lời cam kết chung tay hành động được đưa ra. Nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường sống được nâng cao rõ rệt trong những năm gần đây, song trên thực tế, mức độ khốc liệt tăng dần của các hiện tượng thời tiết cực đoan cho thấy thế giới vẫn còn thiếu những hành động mạnh mẽ, quyết liệt chống biến đổi khí hậu.

Tại các cuộc họp, vấn đề “gai góc”, gây nhiều tranh cãi nhất luôn là tài chính khí hậu và Hội nghị lần thứ 30 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP30), dự kiến diễn ra ở Brazil vào tháng 11 tới, cũng không ngoại lệ.

Tại Hội nghị COP29, các nước phát triển cam kết nâng mức tài chính khí hậu lên 300 tỷ USD mỗi năm vào năm 2035, một con số bị cho là vẫn còn quá thấp so với nhu cầu thực tế.

Theo giới chuyên gia, các nước đang phát triển sẽ cần khoảng 1.300 tỷ USD mỗi năm vào năm 2035 để thực hiện chuyển đổi xanh và ứng phó thiên tai ngày càng nghiêm trọng.

Brazil, nước chủ nhà COP30, khẳng định quyết tâm đưa hội nghị lần này trở thành “di sản” trong đổi mới các cam kết về khí hậu. Chính phủ Brazil nêu rõ, khủng hoảng khí hậu đã lên tới đỉnh điểm và nếu tình trạng nóng lên toàn cầu không được kiểm soát, Trái đất sẽ phải chịu sự thay đổi tàn khốc, ảnh hưởng mọi mặt của xã hội, kinh tế, môi trường và mỗi gia đình.

Câu chuyện về phản ứng nhanh nhạy, hiệu quả hơn với các thảm họa thiên nhiên cũng đang được chú ý.

Chuyên gia Jess Neumann, Đại học Reading (Anh) cho biết, trận lũ quét ở Texas đặt ra câu hỏi quan trọng về hiệu quả của hệ thống cảnh báo sớm và kế hoạch phòng chống lũ lụt. Sự sẵn sàng ứng phó của cộng đồng, khả năng nhận biết rủi ro, kỹ năng sơ tán… cần phải được nêu cao. Hệ thống chăm sóc sức khỏe cũng cần được cải tổ.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dù các đợt nắng nóng cực đoan ngày càng diễn ra thường xuyên, mới chỉ có 21 trong số 57 quốc gia ở châu Âu có kế hoạch hành động quốc gia về ứng phó sóng nhiệt. Nhiều nước vẫn thiếu hệ thống làm mát cho cộng đồng hay chiến dịch tuyên truyền về nguy cơ sốc nhiệt đối với người dân.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, hành động vì khí hậu không phải là tùy chọn, mà là bắt buộc, bởi thời gian đang đếm ngược. Các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt đồng thời diễn ra thời gian qua đã phơi bày thực tế: Biến đổi khí hậu đang xảy ra với tốc độ đáng báo động và thế giới không còn thời gian để trì hoãn hành động.

Có thể bạn quan tâm

back to top