Hơn 100 cơ sở sản xuất tại Lâm Đồng cung cấp nông sản thị trường Thành phố Hồ Chí Minh

Ngày 26/7, tại tỉnh Lâm Đồng, Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lâm Đồng tổ chức sơ kết công tác phối hợp quản lý và kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn giữa Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Lâm Đồng.

Các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất tại Lâm Đồng giới thiệu nông sản bên lề hội nghị.
Các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất tại Lâm Đồng giới thiệu nông sản bên lề hội nghị.

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lâm Đồng, hiện có hơn 100 cơ sở sản xuất, sơ chế rau củ quả đóng trên địa bàn tỉnh đang cung cấp cho các hệ thống siêu thị, chợ đầu mối trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Sở An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh đã xác nhận 19 chuỗi thực phẩm an toàn của tỉnh Lâm Đồng, cung ứng sản lượng rau củ quả hơn 19,8 nghìn tấn/năm, thịt lợn hơn 8,8 nghìn tấn/năm cho thị trường Thành phố Hồ Chí Minh.

ndo_br_4.jpg
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Hoàng Phúc thông tin về ngành nông nghiệp địa phương tại hội nghị.

Lâm Đồng hiện có hơn 107 nghìn ha sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; hơn 149,7 nghìn ha được chứng nhận sản xuất an toàn bền vững; 960 mã số vùng trồng xuất khẩu và 33 mã cơ sở đóng gói đối với các nông sản chủ lực, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu; nuôi trồng thủy sản đạt sản lượng hơn 31 nghìn tấn, sản phẩm thủy sản khai thác đạt 249,8 nghìn tấn; toàn tỉnh có 647 trang trại chăn nuôi lợn, bò, gia cầm quy mô lớn và hơn 1.000 trang trại chăn nuôi quy mô vừa; có 2.699 cơ sở, doanh nghiệp, sơ chế chế biến nông, lâm, thủy sản.

ndo_br_san-xuat-rau-cong-nghe-cao-tai-cty-tnhh-san-xuat-thuong-mai-nong-san-phong-thuy-duc-trong-lam-dong.jpg
Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Công ty TNHH sản xuất và thương mại nông sản Phong Thúy, tỉnh Lâm Đồng.

Hiện tỉnh Lâm Đồng có 934 sản phẩm OCOP, gồm 927 sản phẩm 3 sao và 90 sản phẩm OCOP 4 sao; hơn 700 sản phẩm được sử dụng thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.

Theo Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, đến nay, tỉnh Lâm Đồng có 18 cơ sở tham gia Đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn” đối với sản phẩm rau củ quả, thịt lợn cung cấp cho thị trường Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong đó, 12 cơ sở rau củ quả tham gia chuỗi, với tổng sản lượng hơn 19,8 nghìn tấn/năm, chiếm 88,9% tổng sản lượng chuỗi rau, củ, quả và 6 cơ sở chăn nuôi lợn thịt chuỗi, tổng sản lượng 8.081 tấn/năm, chiếm gần 7% tổng sản lượng chuỗi thịt lợn của các cơ sở tham gia đề án cung cấp cho người tiêu dùng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

ndo_br_6-san-xuat-rau-cnc-tai-dalat.jpg
Sản xuất rau công nghệ cao tại Đà Lạt, Lâm Đồng.

Đến nay, có 59 nhà cung cấp nông sản Lâm Đồng tham gia chương trình “kiểm soát chất lượng hàng hóa trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh”, gọi tắt là “tick xanh trách nhiệm”.

Năm 2024, Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai lấy 332 mẫu rau, củ, quả có nguồn gốc từ Lâm Đồng để kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; kết quả có 331/332 mẫu an toàn.

ndo_br_3.jpg
Giám đốc Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Khánh Phong Lan phát biểu tại hội nghị.

Giám đốc Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Khánh Phong Lan cho biết, kế hoạch sắp tới, tiếp tục triển khai thực hiện Đề án xây dựng mô hình thí điểm quản lý thực phẩm theo “chuỗi thực phẩm an toàn” giữa Thành phố và tỉnh Lâm Đồng; tổ chức kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với sản phẩm tại tỉnh Lâm Đồng tiêu thụ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; triển khai chương trình phối hợp số 1 năm 2025…

Theo đó, hai bên sẽ triển khai những nội dung cụ thể liên quan theo kế hoạch, bảo đảm an toàn thực phẩm các chuỗi cung ứng nông sản tiêu thụ tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh.

Có thể bạn quan tâm

back to top