Với hơn 52 dự án hydro xanh quy mô lớn đã được công bố trên khắp lục địa châu Phi, Liên minh Hydro xanh châu Phi, bao gồm sự tham gia của các nước Ai Cập, Kenya, Mauritania, Maroc, Namibia và Nam Phi, đặt mục tiêu sản xuất từ 30-60 triệu tấn hydro xanh vào năm 2050.
Với vai trò Chủ tịch G20 năm nay, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã nhấn mạnh tiềm năng công nghiệp hóa của hydro xanh, đồng thời kêu gọi ưu tiên chuyển đổi năng lượng công bằng làm động lực cho tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội ở châu lục. Nam Phi đã đầu tư hơn 1,49 tỷ rand (khoảng 83,5 triệu USD) vào chương trình Hydrogen Nam Phi, đồng thời thúc đẩy hợp tác khu vực và quốc tế để phác thảo lộ trình cho lĩnh vực mới mẻ này, vốn hứa hẹn sẽ mang lại sự thay đổi kinh tế-xã hội to lớn đối với châu Phi.
Nam Phi sẽ chính thức ra mắt kế hoạch tổng thể về năng lượng tái tạo sau khi đã được chính phủ phê duyệt gần đây. Đây là kế hoạch thúc đẩy nhu cầu năng lượng tái tạo ngày càng tăng của Nam Phi, bao gồm cả hydro xanh, để kích thích phát triển công nghiệp thượng nguồn và hạ nguồn trên các công nghệ PV mặt trời, gió, lưu trữ pin, máy điện phân và pin nhiên liệu.
Trong khi đó, một hướng mới đã được một nhóm nhà nghiên cứu đến từ Đại học Florida Atlantic chỉ ra, đó là khai thác năng lượng từ các dòng hải lưu ngoài khơi. Theo các nhà nghiên cứu, các đại dương chiếm hơn 70% bề mặt Trái đất và trong lòng chúng là những dòng hải lưu vận động không ngừng, mạnh mẽ hơn nhiều so với các con sông lớn. Khác với năng lượng Mặt trời hay gió - vốn phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, dòng hải lưu vận hành ổn định và có thể dự đoán, do đó được xem là một trong những nguồn năng lượng tái tạo đáng tin cậy nhất.
Bờ biển đông và đông nam châu Phi, đặc biệt là vùng biển ngoài khơi Somalia, Kenya, Tanzania, Madagascar và Nam Phi, là những địa điểm hàng đầu thế giới về tiềm năng sản xuất điện từ dòng hải lưu. Dựa trên 43 triệu phép đo vận tốc dòng nước thu thập trong 30 năm qua từ hơn 1.250 phao quan trắc, các nhà khoa học đã lập bản đồ mật độ năng lượng của dòng hải lưu toàn cầu.
Kết quả cho thấy, nhiều khu vực ngoài khơi châu Phi có mật độ công suất dòng hải lưu vượt ngưỡng 2.500 watt/m2, cao hơn mức được đánh giá là “tuyệt vời” đối với năng lượng gió. Riêng vùng biển ngoài khơi Somalia, Kenya và Tanzania có một dải hẹp kéo dài tới 2.000km với mật độ năng lượng cực cao. Để hình dung tiềm năng này, các nhà nghiên cứu dẫn chứng là một hộ gia đình nhỏ ở Nam Phi sử dụng trung bình khoảng 730 watt điện. Như vậy, chỉ 1m2 biển tại những khu vực giàu năng lượng nói trên có thể cung cấp đủ điện cho một hộ gia đình trong thời gian dài.
Dòng hải lưu chứa một dạng động năng có thể được chuyển đổi thành điện năng thông qua các tua-bin dưới nước, tương tự như cách các cánh quạt gió tạo ra điện. Các tua-bin này có thể được lắp đặt nổi hoặc ngay dưới bề mặt đại dương, và điện tạo ra có thể được dẫn vào bờ bằng cáp ngầm hoặc sử dụng để sản xuất hydro ngoài khơi - một loại nhiên liệu sạch có thể vận chuyển dễ dàng.
Trong bối cảnh thế giới đang chuyển dịch sang nền kinh tế carbon thấp và khi châu Phi đối mặt với cả áp lực cung ứng điện và biến đổi khí hậu, tiềm năng về hydro xanh và khai thác điện từ các dòng hải lưu sẽ góp phần quan trọng vào nỗ lực chuyển đổi năng lượng của châu lục.