Phát biểu tại phiên thảo luận trong khuôn khổ Hội nghị và Triển lãm thường niên của Hiệp hội Dầu khí Indonesia năm 2025, ông Edi Wibowo, Vụ trưởng Vụ Năng lượng sinh học thuộc Tổng cục Năng lượng tái tạo mới và Bảo tồn năng lượng cho biết, tiềm năng lưu trữ carbon của Indonesia trong các tầng chứa nước mặn hoặc các hồ chứa nước đạt tới 572,77 tỷ tấn.
Ngoài ra, các mỏ dầu khí đã cạn còn có thể lưu trữ khoảng 4,85 tỷ tấn carbon. Đây là cơ sở quan trọng để Indonesia trở thành trung tâm khu vực về dịch vụ lưu trữ carbon.
Ông Wibowo nhấn mạnh, công nghệ lưu trữ carbon sẽ đóng vai trò then chốt trong tiến trình giảm phát thải khí nhà kính từ các lĩnh vực sản xuất điện, giao thông vận tải và công nghiệp, phù hợp với lộ trình giảm phát thải quốc gia mà Indonesia đã xây dựng.

190/200 các quốc gia 'lỡ hẹn' nộp mục tiêu mới về cắt giảm khí thải carbon
Cũng theo ông Wibowo, để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, Indonesia đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như tối ưu hóa nguồn năng lượng tái tạo, đẩy mạnh các chương trình sử dụng năng lượng hiệu quả và chuyển đổi sang các loại nhiên liệu ít carbon hơn, trong đó có năng lượng sinh học từ chất thải phi thực phẩm và nhiên liệu tái tạo từ rác thải.
“Thực tế là tiềm năng năng lượng tái tạo mới của Indonesia vượt 3.680 gigawatt, nhưng hiện nay mới chỉ khai thác được khoảng 0,3%. Điều đó cho thấy dư địa phát triển và đầu tư vào lĩnh vực này còn rất lớn”, ông nói.
Chính phủ Indonesia đang tạo điều kiện để thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn vào năng lượng tái tạo mới, trên cơ sở hài hòa giữa mục tiêu phát triển kinh tế và bảo đảm tính bền vững, ông Wibowo khẳng định.