Isaac Lekolool, chuyên gia thú y của KWS cho biết việc triển khai gắn chip và đánh dấu tai tê giác được thực hiện gắn kết với giám định ADN sẽ cho phép xác định nguồn gốc của động vật sống đang tồn tại ở Kenya cũng như các sừng tê giác đang được bảo quản trong kho lưu giữ quốc gia. Ông khẳng định: “Công nghệ giám định ADN sẽ giúp ích cho việc đưa ra xét xử không chỉ các vụ sở hữu bất hợp pháp mẫu vật tê giác mà còn giúp xác định nguồn gốc của sừng tê giác trong các vụ săn trộm, nhờ đó cung cấp bằng chứng xác thực hơn để đưa ra các hình phạt thích hợp”.
Lekolool cũng cho biết mỗi chip chỉ dài tối đa 2 inch và các tay săn trộm không thể phát hiện ra. Chương trình gắn chip cho tê giác tại Kenya dự kiến sẽ được triển khai trong vòng bốn tháng.
Cơ quan chức năng Kenya khẳng định các điều tra viên sẽ xem xét tất cả các vụ săn trộm nhằm thu giữ sừng tê giác và dạng vật chứng xác thực này tại tòa sẽ tăng hiệu quả của các án phạt đối với tội phạm săn bắn, buôn bán tê giác bất hợp pháp.
Trước nạn săn bắn bất hợp pháp, tê giác đang dần mất khả năng tồn tại khi thường xuyên phải đối mặt với các tay săn trộm sử dụng công nghệ cao. Do đó, việc gắn chip sẽ giúp tăng cường giám sát tê giác, chống săn bắt buôn bán bất hợp pháp tê giác tại Kenya.
Quốc gia Đông Phi này cũng đang triển khai nhiều công nghệ tích hợp nhằm đối phó với nạn buôn bán bất hợp pháp các loài hoang dã và ngăn chặn việc suy giảm các biểu tượng của muôn loài như voi và tê giác.
Mohammed Awer, Giám đốc WWF tại Kenya cho biết: “Kể từ khi các tay săn trộm sử dụng công nghệ cao, đây chính là thời điểm quan trọng để Kenya sử dụng các công nghệ tích hợp để đối phó”. WWF cam kết hỗ trợ việc sử dụng công nghệ tích hợp thông qua việc cung cấp tài chính cho việc gắn chíp với 17.647USD và 58.823 USD cho việc triển khai gắn chip tại khu bảo tồn Masai Mara.
Hiện KWS và WWF đang phối hợp để thực hiện các quyết định CITES được thông qua tại Hội nghị các nước thành viên năm 2013 nhằm bảo đảm sự tồn tại của tê giác trước các mối đe dọa. Awer khẳng định: “Thành công của việc gắn chip không chỉ bảo vệ sự tồn tại của quần thể tê giác ở Kenya mà còn tăng cường năng lực thực thi của các cơ quan chức năng trong việc đấu tranh với các loại tội phạm xuyên quốc gia, bảo đảm an ninh quốc gia và khu vực, kiểm soát môi trường và góp phần phát triển bền vững kinh tế”.
Kenya hiện còn 631 cá thể tê giác đen và quần thể 1.030 tê giác trắng. Đây là một trong năm loài thú lớn thu hút du lịch đem lại nguồn thu lớn cho quốc gia Đông Phi này. Các loài thú còn lại gồm voi, báo, sư tử và bò rừng.
Kể từ đầu năm 2013 đến nay, đã có 21 cá thể tê giác và 117 cá thể voi bị giết hại ở Kenya. Trong đó có tới 37 cá thể voi bị giết hại tại các khu bảo tồn. Nhằm ngăn chặn nạn buôn bán bất hợp pháp ngà voi, KWS đã tăng cường các hoạt động giáo dục và nâng cao nhận thức đối với các thẩm phán và cộng đồng dân cư về tình trạng buôn bán bất hợp pháp các loài hoang dã và các sản phẩm từ các loài hoang dã, tập trung vào ngà voi và sừng tê giác. Kenya cũng là nước đi đầu trong việc tuyên chiến với các hoạt động buôn bán bất hợp pháp các loài hoang dã nhằm bảo tồn thiên nhiên tươi đẹp của châu Phi và toàn cầu.