Khai thác nghệ thuật biểu diễn trong công nghiệp văn hóa

Hà Nội là địa bàn tập trung nhiều VIỆT ANH nhà hát, đơn vị nghệ thuật, trong đó có sáu nhà hát của thành phố cùng nhiều nhà hát của trung ương, các đơn vị nghệ thuật tư nhân, các câu lạc bộ nghệ thuật truyền thống. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển nghệ thuật biểu diễn trở thành mũi nhọn trong công nghiệp văn hóa.

Các vở chèo cổ của Nhà hát Chèo Hà Nội thu hút nhiều tầng lớp khán giả.
Các vở chèo cổ của Nhà hát Chèo Hà Nội thu hút nhiều tầng lớp khán giả.

Hà Nội đóng vai trò là trung tâm văn hóa lớn nhất cả nước. Ngoài các đoàn nghệ thuật, trường nghệ thuật của trung ương đóng trên địa bàn, chỉ riêng Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã phụ trách sáu nhà hát, gồm: Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, Nhà hát Múa rối Thăng Long, Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội.

Hà Nội còn có kho tàng nghệ thuật dân gian phong phú, với hàng trăm câu lạc bộ đang hoạt động như: Xẩm, ca trù, rối nước, rối cạn, chèo tàu, trống quân, múa trống bồng, hát múa Ải Lao…, trong đó, nhiều loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống chính là di sản văn hóa phi vật thể vô giá, mang hồn cốt của văn hóa Thăng Long-Hà Nội. Đây là tài nguyên phong phú cho công nghiệp văn hóa.

Những năm qua, các đơn vị nghệ thuật trực thuộc thành phố, các câu lạc bộ văn nghệ dân gian đã có nhiều đóng góp tích cực trong phát triển công nghiệp văn hóa. Nổi bật trong đó là Nhà hát Múa rối Thăng Long với kỷ lục “sáng đèn” 365/365 ngày trong năm.

Ngoài những vở kinh điển, các nhà hát còn sáng tạo để có chương trình, vở diễn chuyên biệt cho khách du lịch. Thí dụ như Nhà hát Chèo Hà Nội đưa vào khai thác phục vụ du khách vở diễn “Long Thành diễn xướng” với nhiều tiết mục diễn xướng dân gian đặc sắc của nền văn minh lúa nước Đồng bằng Bắc Bộ, cũng như những câu chuyện về mảnh đất Thăng Long xưa. Nhà hát Cải lương Hà Nội triển khai chương trình “Cải lương - Tinh hoa nghệ thuật Việt” với các buổi diễn cải lương đặc sắc, được dàn dựng công phu nhằm tái hiện những trường đoạn, khúc ca, làn điệu kinh điển…

Ngoài ra, các câu lạc bộ văn nghệ dân gian cũng có nhiều hoạt động phong phú, điển hình như nhóm Đông Kinh cổ nhạc quy tụ nhiều danh ca, danh cầm về nhạc truyền thống biểu diễn tại phố cổ; các chương trình hát xẩm, ca trù, các buổi biểu diễn của phường rối nước Đào Thục… hiện đều gây dựng được thương hiệu. Hà Nội cũng bước đầu có những chương trình thu hút sự quan tâm của quốc tế như Moon Soon (Gió mùa).

Theo các chuyên gia, trong phát triển công nghiệp văn hóa, ngành nghệ thuật biểu diễn vừa góp phần bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc, vừa là lực lượng nòng cốt tạo ra sản phẩm văn hóa có giá trị cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy ngành nghệ thuật biểu diễn hiện nay vẫn đang đối mặt không ít thách thức: Sản phẩm biểu diễn thiếu tính cạnh tranh, ứng dụng công nghệ còn hạn chế, việc thu hút khán giả trẻ chưa hiệu quả…

Để ngành nghệ thuật biểu diễn có thể đi đầu trong phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô, cần nhiều giải pháp đột phá trong thời gian tới. Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long Huỳnh Tấn Minh cho biết: “Hầu hết các nhà hát của Hà Nội có quy mô khá nhỏ, khoảng 100-600 chỗ ngồi. Hà Nội cần có nhà hát tầm cỡ; nghệ thuật biểu diễn cần phải được kết hợp cùng công nghệ.

Những ý tưởng sáng tạo sẽ gặp trở ngại nếu không có trang thiết bị âm thanh, ánh sáng, sân khấu... hiện đại để tạo ra trải nghiệm thị giác và âm thanh độc đáo. Sử dụng công nghệ thực tế mở rộng và ảo hóa để tạo ra trải nghiệm biểu diễn tương tác độc đáo cho khán giả.

Khán giả có thể tham gia vào câu chuyện, tương tác với nghệ sĩ và môi trường biểu diễn. Chúng ta cũng cần khuyến khích hợp tác giữa nghệ sĩ, nhà sản xuất và nhà thiết kế thuộc các lĩnh vực khác nhau như âm nhạc, thời trang, hội họa, nghệ thuật đương đại, múa, sân khấu, trình diễn ánh sáng… để tạo ra những chương trình biểu diễn độc đáo và sáng tạo”.

Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy (Đại học Quốc gia Hà Nội) đánh giá, nghệ thuật biểu diễn của Hà Nội còn thiếu yếu tố kết nối, nhất là giữa các đơn vị biểu diễn với du lịch. Chúng ta cần có sự kết nối giữa văn hóa và du lịch để tạo dựng các sản phẩm tăng khả năng tiếp cận với du khách. Việc Hà Nội phát triển du lịch đêm cũng gia tăng không gian để nghệ thuật biểu diễn có cơ hội được tỏa sáng. Bên cạnh đó, cần kết nối giữa văn hóa với ngành giáo dục để có những hoạt động nuôi dưỡng lòng yêu nghệ thuật truyền thống của thế hệ trẻ.

Việc thành phố Hà Nội sắp ban hành những quy định mới về thành lập trung tâm công nghiệp văn hóa, trung tâm phát triển thương mại và văn hóa, nghệ thuật biểu diễn sẽ có thêm không gian hoạt động và góp phần thúc đẩy công nghiệp văn hóa trên địa bàn.

Có thể bạn quan tâm

back to top