Khẳng định vai trò “đầu tàu” kinh tế cả nước

Thành phố Hồ Chí Minh đang từng bước kiến tạo mô hình tăng trưởng mới, phù hợp với yêu cầu phát triển của một siêu đô thị hiện đại trong bối cảnh “chiếc áo cũ” đã trở nên chật chội. Với tầm nhìn chiến lược, thành phố xác định khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là những động lực chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng trong giai đoạn mới.
0:00 / 0:00
0:00
Hoạt động nghiên cứu khoa học tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Hoạt động nghiên cứu khoa học tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Bài 2: Định hình mô hình tăng trưởng mới

Đây không chỉ là sự hiện thực hóa tinh thần Nghị quyết 57- NQ/TW của Bộ Chính trị, mà còn là bước chuyển căn bản nhằm tái định vị vai trò của một đô thị đầu tàu trong thời kỳ chuyển đổi toàn cầu.

Đòn bẩy từ khoa học, công nghệ

Với việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, chuyển đổi số… vào sản xuất kinh doanh cũng như vào hoạt động quản lý của bộ máy công quyền, Thành phố Hồ Chí Minh từng bước chuyển từ phát triển theo chiều rộng sang chiều sâu, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Khoa học và công nghệ đã đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của thành phố, nâng cao năng suất lao động, cải thiện đời sống nhân dân và tạo nên những bước tiến vượt bậc trên nhiều lĩnh vực. Cụ thể, năm 2024, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt khoảng 50%, phản ánh hiệu quả việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào thực tiễn. Đặc biệt, trong lĩnh vực chuyển đổi số, thành phố đã triển khai đồng bộ nhiều chương trình mang tính toàn diện, nhất là các ngành y tế, giáo dục, hành chính công; hướng đến mục tiêu xây dựng một đô thị thông minh, hiện đại, lấy người dân làm trung tâm.

Trong hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, thành phố tiếp tục khẳng định vị thế đầu tàu, là nơi quy tụ hơn 2.200 doanh nghiệp khởi nghiệp, hơn 100 quỹ đầu tư mạo hiểm, tổng giá trị các doanh nghiệp khởi nghiệp ước đạt 5,6 tỷ USD. Nhiều chính sách đặc thù đã được ban hành theo Nghị quyết số 98/2023/QH15, góp phần tạo lập môi trường thuận lợi cho sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển công nghệ; trong đó có các chính sách thu hút nhân tài, hỗ trợ tài chính không hoàn lại, cơ chế thử nghiệm (sandbox), miễn thuế cho hoạt động đổi mới sáng tạo...

Không chỉ dẫn đầu trong khởi nghiệp, thành phố đang nổi lên như một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) có tầm ảnh hưởng khu vực. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và phát triển các lĩnh vực kinh tế xanh, chuyển đổi số, năng lượng tái tạo, mô hình quản trị đô thị tiên tiến. Những nỗ lực hợp tác với Singapore, Australia cùng nhiều đối tác công nghệ hàng đầu trên thế giới đang mở ra cơ hội phát triển đột phá, góp phần nâng cao vị thế quốc tế của thành phố.

Tuy nhiên, cần nhìn nhận thực tế, tiềm năng khoa học, công nghệ của thành phố chưa được khai thác hiệu quả và tương xứng; tốc độ đổi mới sáng tạo chưa đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới. Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia, vị trí đầu tàu của thành phố đang có dấu hiệu suy giảm nếu không có sự chuyển mình mạnh mẽ về tư duy và cách tiếp cận.

Quyết tâm tạo đột phá

Với tầm nhìn chiến lược, Thành phố Hồ Chí Minh đang định hình lại mô hình tăng trưởng, trong đó xác định khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chủ đạo. Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị là kim chỉ nam cho sự phát triển của thành phố trong giai đoạn mới; theo đó, Thành ủy đã ban hành Chương trình hành động số 63-CTrHĐ/TU với mục tiêu đến năm 2030: hình thành ít nhất 5.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; xây dựng 5 trung tâm nghiên cứu ứng dụng đạt trình độ quốc tế; hỗ trợ hình thành từ 5-10 doanh nghiệp công nghệ lớn; tỷ lệ thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học đạt từ 8-10%; TFP đóng góp hơn 55% vào tăng trưởng kinh tế.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Trợ lý Bí thư Thành ủy nhấn mạnh tầm quan trọng của mô hình “3:3:3”: Ba đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực chất lượng cao); ba động cơ tăng tốc (khoa học-công nghệ-đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, dịch vụ chất lượng cao) và ba lĩnh vực phát triển bền vững (chuyển đổi xanh, văn hóa, du lịch). Trong đó, khoa học-công nghệ là “động cơ tăng tốc” chủ lực; nếu không được chú trọng, nền kinh tế sẽ khó bứt phá, như chiếc xe “thiếu nhớt” không thể đạt vận tốc kỳ vọng.

Thành phố đang hướng tới hình thành các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao; đồng thời triển khai trung tâm chuyển đổi số làm nền tảng cho đô thị thông minh - nơi mọi hoạt động xã hội, hành chính, kinh tế đều vận hành trên nền tảng số, tương tác cao và hướng đến sự phục vụ người dân, doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất.

(★) Xem trang Thành phố Hồ Chí Minh, Báo Nhân Dân số ra ngày 25/4/2025.