Sau hơn một năm thi công các hạng mục này cơ bản đã hoàn thành như: Ðền thờ Huyền Trân công chúa, Tháp chuông Hòa Bình và nâng cấp đường vào khu di tích Chín Hầm.
Ðền thờ Huyền Trân công chúa được xây dựng trên cơ sở lấy ý kiến của nhiều ban ngành, nhà nghiên cứu, văn hóa, lịch sử có uy tín của đất nước và của Huế. Kiến trúc, hình mẫu, y phục hoa văn, họa tiết nhiều hiện vật mang nét văn hóa thời Trần. Ba bức phù điêu trước mặt tiền đường của Ðền thờ biểu tượng ý chí thống nhất đất nước từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau.
Pho tượng Huyền Trân Công chúa được đúc bằng đồng (nguyên chất) uy nghiêm, đôn hậu, tỏa sáng vẻ đẹp người con gái Việt; vinh danh vị sứ giả hòa bình năm xưa có công mở mang bờ cõi, đem về Tổ quốc mình đất Ô, Lý rộng lớn trong đó có Thừa Thiên-Huế... Ðền thờ nằm ngay dưới chân dãy núi Ngũ Phong, thôn Ngũ Tây, xã Thủy An, thành phố Huế bạt ngàn thông xanh...
Công ty Du lịch Hương Giang cũng đã khánh thành Tháp chuông Hòa Bình đặt trên đỉnh núi Ngũ Phong, độ cao 108 m so với mặt nước biển. Trong tháp này treo một quả chuông lớn nặng 1,6 tấn, bốn phía in đậm 8 chữ vàng: Thế giới - Hòa bình - Nhân loại - Hạnh phúc. Khách chiêm bái Ðền thờ Huyền Trân công chúa và đi lên tháp chuông này có thể ngắm toàn cảnh thành phố Huế giàu văn hóa, lịch sử và thanh bình.
Cùng với Ðền thờ Huyền Trân công chúa và Tháp chuông Hòa Bình, dự án nâng cấp đường vào khu Di tích lịch sử Chín Hầm được Chính phủ, nhiều bộ, ngành và tỉnh Thừa Thiên-Huế chỉ đạo, đã hoàn thành với tổng chiều dài gần 6 km, mặt đường 3,5 m, nền đường 7 m.
Cụm di tích khu vực phía Tây Nam thành phố Huế gồm nhiều di tích tiêu biểu như: Chín Hầm, Ðền thờ Huyền Trân công chúa, các ngôi chùa Cổ, Tháp tổ vị thiền Sư Liễu quán, Lăng Khải Ðịnh, nhà Chứng tích Ngô Ðình Cẩn... hiện đang được Công ty Du lịch Hương Giang cùng nhiều ban, ngành chức năng chủ động tu bổ và xây dựng để sớm trở thành khu du lịch quốc gia về văn hóa lịch sử, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của Thừa Thiên-Huế.
Ðể tiếp tục triển khai dự án giai đoạn II, chuẩn bị cho Festival Huế 2008, tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân có tổng diện tích là 28 ha, sẽ xây dựng thêm một số hạng mục như: thư viện, thiền đường, nhà thư pháp, nhà phong lan và một số nhà là nơi nghiên cứu lịch sử và sáng tác về văn hóa - nghệ thuật.