Khi người dân đồng thuận

Nhiều người dân ở tỉnh Bình Dương đồng thuận trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án tạo động lực phát triển kinh tế địa phương. Nhờ có mặt bằng sạch, các công trình trọng điểm đang hẹn ngày hoàn thành trước thời hạn.
0:00 / 0:00
0:00
Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả đẩy nhanh tiến độ thi công gói thầu XL1, đoạn qua tỉnh Bình Dương thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành-Đức Hòa.
Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả đẩy nhanh tiến độ thi công gói thầu XL1, đoạn qua tỉnh Bình Dương thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành-Đức Hòa.

Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành-Đức Hòa (gói thầu XL1 từ Km10+00 đến Km41+150, từ huyện Bàu Bàng đến huyện Dầu Tiếng) có chiều dài 31 km đang được đẩy nhanh tiến độ.

Đại diện Tập đoàn Đèo Cả, đơn vị thi công dự án cho biết, đến ngày 20/2 khối lượng chính của gói thầu XL1 đã thi công xong cơ bản nền đất, đang thi công lớp móng mặt đường các loại đạt 28/31 km; thảm bê-tông nhựa đạt 19/31 km; các cống thoát nước đã cơ bản hoàn thành; phần cầu đã thi công xong toàn bộ phần hạ bộ của 6/6 cầu; riêng 3 cầu gồm: Kênh Phước Hòa, Bà Tứ, Suối Tre đã hoàn thiện bản mặt cầu. Đơn vị phấn đấu thông xe kỹ thuật trước ngày 30/4/2025 và hoàn thành toàn bộ dự án trong tháng 8/2025, rút ngắn 4 tháng so với tiến độ trong hợp đồng.

Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho biết, đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành-Đức Hòa đi qua 4 tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, gồm: Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh và Long An có chiều dài 72,75 km được chia làm 3 gói thầu. Với gói thầu XL1, lãnh đạo tỉnh Bình Dương rất quan tâm và các sở, ban, ngành phối hợp tốt nên đã vận động bàn giao trước được mặt bằng tuyến chính, vận động hộ gia đình người dân cho triển khai thi công tại vị trí trụ cầu Thanh An, các vị trí trụ điện trung, hạ thế…

Nhờ vậy, đến ngày 20/2/2025, dự án đã bàn giao được 30,8/30,9 km trên tuyến chính. Hiện nay các khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường, di dời hạ tầng kỹ thuật liên quan tuyến đường đã được tỉnh chủ trì giải quyết nhằm tạo thuận lợi cho đơn vị thi công bảo đảm đúng tiến độ.

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Bình Dương khi hoàn thành sẽ giúp hoàn thiện hệ thống giao thông phía tây bắc của tỉnh, mở ra không gian kết nối mới của tỉnh Bình Dương với các địa phương chung quanh, đặc biệt là kết nối các khu công nghiệp trên địa bàn với vùng nguyên liệu ở Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Tuyến đường cũng đồng thời đẩy nhanh việc hình thành, phát triển Khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng, Khu công nghiệp Cây Trường của tỉnh sớm trở thành khu công nghệ cao, Vùng đổi mới sáng tạo theo định hướng quy hoạch kinh tế-xã hội của tỉnh.

Để thực hiện nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án, tỉnh Bình Dương áp dụng phương châm: Chính quyền kiến tạo - Nhân dân đồng hành - Doanh nghiệp hành động. Đơn cử tại dự án đường tạo lực Bắc Tân Uyên-Phú Giáo-Bàu Bàng (dài 48 km, quy mô 6 làn xe) đã có 851 hộ gia đình, cá nhân và 18 tổ chức thuộc phạm vi ảnh hưởng của dự án đồng thuận bàn giao 222 ha đất, tạo điều kiện thuận lợi để nhà thầu triển khai thi công.

Ông Hồ Văn Lợi, một trong những người bàn giao đất cho dự án chia sẻ: "Tuyến đường tạo lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân nên người dân chúng tôi rất đồng tình ủng hộ và sớm nhận đền bù để bàn giao mặt bằng".

Hay tại dự án đường đấu nối Trạm điện 110kV VSIP2-MR2 Bắc Tân Uyên (dài 7,52 km, diện tích đất phải thu hồi 95.825 m2) khi triển khai gặp vướng mắc về giá bồi thường do có thay đổi về Luật Đất đai. Để không ảnh hưởng đến tiến độ dự án, ông Nguyễn Văn Thuận, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Hội đồng bồi thường huyện Bắc Tân Uyên đã họp, vận động, giải thích cho người dân hiểu về tầm quan trọng của dự án, nhờ đó có 10/40 hộ dân bị thu hồi đất đã tự nguyện bàn giao mặt bằng. Bà Phạm Thị Trước (xã Bình Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên) chia sẻ: "Hiểu được những khó khăn của ngành điện lực đang gặp phải nên đa số người dân chúng tôi thống nhất và đồng ý bàn giao mặt bằng để thi công công trình trước khi địa phương phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ về giá đất".

Theo ông Nguyễn Văn Thuận, nhờ sự đồng thuận, chia sẻ khó khăn của người dân với chính quyền, nhiều công trình trọng điểm, nhất là các tuyến đường giao thông huyết mạch đã hoàn thành trước tiến độ, kết nối giao thông liên huyện, liên tỉnh, tạo ra động lực, không gian phát triển mới cho tỉnh Bình Dương.