Không có mối liên hệ giữa vắc-xin MMR với bệnh tự kỷ

NDO -

NDĐT - Theo một nghiên cứu mới do nhóm các nhà khoa học Đan Mạch thực hiện trên hơn 650 nghìn trẻ em vừa công bố hôm qua trên tạp chí Annals of Internal Medicine, vắc-xin sởi, quai bị và rubella (MMR) không làm tăng nguy cơ mắc bệnh tự kỷ và cũng không gây ra bệnh tự kỷ ở trẻ em có nguy cơ mắc bệnh.

Vắc-xin phòng sởi, quai bị, rubella không gây bệnh tự kỷ (Ảnh: CNN)
Vắc-xin phòng sởi, quai bị, rubella không gây bệnh tự kỷ (Ảnh: CNN)

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng sổ đăng ký dân số để đánh giá liệu vắc-xin MMR có làm tăng nguy cơ mắc bệnh tự kỷ ở trẻ em sinh ra ở Đan Mạch từ năm 1999 đến năm 2010 hay không. Tổng cộng có 657.461 trẻ em được theo dõi đến tháng 8-2013, với việc các nhà nghiên cứu ghi nhận chẩn đoán rối loạn phổ tự kỷ cũng như các yếu tố nguy cơ được biết tới bao gồm tuổi của cha mẹ, chẩn đoán tự kỷ ở anh chị em ruột, sinh non và nhẹ cân khi sinh.

Hơn 95% trẻ em được tiêm vắc-xin MMR và 6.517 trẻ được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ tham gia nghiên cứu này. Kết quả nghiên cứu cho thấy, vắc-xin MMR không làm tăng nguy cơ mắc bệnh tự kỷ ở số trẻ em không có nguy cơ mắc chứng rối loạn này và cũng không kích hoạt bệnh tự kỷ ở những trẻ có nguy cơ.

Anders Hviid, tác giả nghiên cứu chính và là điều tra viên cao cấp tại Viện Statens Serum, Đan Mạch nhấn mạnh: “Suy nghĩ rằng vắc-xin MMR gây ra bệnh tự kỷ vẫn còn tồn tại và vẫn đang lan rộng trong truyền thông xã hội”.

Với việc các nhóm chống vắc-xin ngày càng trở nên có tiếng nói hơn và thậm chí những người nổi tiếng và các chính trị gia cũng đang lo sợ về vắc-xin, thì Hviid và nhóm của ông muốn đưa ra các câu trả lời khoa học vững chắc.

Tiến sĩ Paul Offit, giám đốc Trung tâm Giáo dục Vắc-xin tại Bệnh viện Nhi đồng Philadelphia, người không tham gia vào nghiên cứu mới này khẳng định, đóng góp lớn nhất của nghiên cứu là việc đưa trẻ em có nguy cơ mắc bệnh tự kỷ vào đối tượng nghiên cứu. Ông hy vọng những bằng chứng mới nhất sẽ trấn an các gia đình có trẻ nhỏ có nguy cơ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ rằng vắc-xin MMR sẽ không làm tăng nguy cơ đó.

Giai thoại liên quan đến vắc-xin MMR và bệnh tự kỷ phát triển từ một nghiên cứu năm 1998 của Andrew Wakefield, được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet. Năm 2011, The Lancet đã rút lại nghiên cứu sau khi một cuộc điều tra phát hiện ra rằng Wakefield đã thay đổi hoặc trình bày sai thông tin về 12 trẻ là cơ sở cho kết luận nghiên cứu của ông.

Một số nghiên cứu tiếp theo cố gắng chứng minh lại kết quả đã không tìm thấy mối liên hệ giữa vắc-xin MMR và bệnh tự kỷ.

“Tại thời điểm này, chúng ta đã có 17 nghiên cứu trước đây được thực hiện ở bảy quốc gia, ba châu lục khác nhau, liên quan đến hàng trăm nghìn trẻ em”, ông Offit nói. “Tôi nghĩ thật công bằng khi công bố một sự thật đã xuất hiện”.

Tuy nhiên, giai thoại về mối liên hệ giữa vắc-xin MMR và bệnh tự kỷ tiếp tục được sử dụng bởi các nhà hoạt động chống vắc-xin, những người đang bị đổ lỗi cho sự bùng phát bệnh sởi đang diễn ra trên khắp nước Mỹ và nhiều nước trên thế giới.

Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, ít nhất 206 trường hợp mắc bệnh sởi ở Mỹ đã được ghi nhận vào năm 2019, sau khi 372 trường hợp được ghi nhận vào năm 2018.

Còn theo tính toán của UNICEF từ dữ liệu của Tổ chức Y tế thế giới, trên thế giới, các ca mắc sởi đã tăng 48,4% trong khoảng thời gian từ năm 2017 đến 2018. Mười quốc gia, bao gồm Brazil, Philippines và Pháp, chiếm gần 3/4 tổng số ca mắc sởi trong năm 2018.

Tổ chức Y tế thế giới đã coi sự do dự tiêm vắc-xin - sự miễn cưỡng hoặc từ chối tiêm vắc-xin mặc dù có sẵn vắc-xin - là mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe toàn cầu năm 2019.

“Tôi nghĩ rằng chúng ta đang ở điểm bùng phát”, Tiến sĩ Offit cảnh báo. “Tôi nghĩ mọi người cần nhận thấy rằng lựa chọn không tiêm vắc-xin không phải là sự lựa chọn không có rủi ro. Đó là lựa chọn để có rủi ro lớn hơn, và thật không may ngay lúc này, chúng ta đang gặp rủi ro lớn hơn”.