Nguyên nhân không đồng ý, theo Thường trực UBND tỉnh Cà Mau là bởi việc thu gom xử lý rác thải sinh hoạt là dịch vụ thiết yếu, bảo đảm điều kiện môi trường và sức khỏe người dân; rác thải được thu gom về nhà máy rác Cà Mau là loại rác thải sinh hoạt rất khó có khả năng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 đối với công nhân lao động của nhà máy, nếu như công nhân tuân thủ đúng các quy định bảo hộ lao động và các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế.
Để bảo đảm an toàn, Thường trực UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu, Công ty Công Lý chỉ đạo trang bị đầy đủ và hướng dẫn cho công nhân sử dụng dụng cụ, đồ dùng bảo hộ lao động khi làm việc. Đồng thời, thường xuyên thực hiện việc tiêu độc, khử trùng trong khuôn viên nhà máy; yêu cầu công nhân khai báo y tế theo quy định và thực hiện kiểm tra thân nhiệt từng công nhân trước khi vào làm việc; trang bị xà-phòng sát khuẩn và yêu cầu công nhân rửa tay chân sau khi hết ca làm việc...
Nhà máy rác Cà Mau xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 2012, công suất xử lý 200 tấn rác/ngày, tổng vốn đầu tư khoảng 300 tỷ đồng và được hưởng nhiều chính sách ưu đãi về đầu tư. Đây cũng là nhà máy xử lý rác thải duy nhất trên địa bàn tỉnh Cà Mau, đến thời điểm hiện tại. Trong quá trình hoạt động, nhà máy kêu cứu khi luôn trong tình trạng thua lỗ, thu không đủ bù chi và ít nhất hai lần tạm ngưng để bảo trì, bảo dưỡng máy móc, thiết bị. Do hoạt động không hiệu quả nên không ít lần, Công ty Công Lý có tờ trình xin giao nhà máy lại cho tỉnh Cà Mau quản lý, vận hành nhưng bị từ chối.
Được biết, ngoài nhà máy rác Cà Mau, Công ty Công Lý còn đầu tư lớn vào một số dự án quan trọng về du lịch và điện gió khu vực Cà Mau và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, hiện cả Tổng Giám đốc Công ty Công Lý cùng con trai đã bị cơ quan chức năng khởi tố để điều tra về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Do vậy, việc triển khai các dự án lớn có sự tham gia của Công ty Công Lý tới đây ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí nguy cơ đình trệ.