Cùng suy ngẫm:

Kiên quyết không dung thứ cho tham nhũng, tiêu cực

Thời gian gần đây, khi công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí ngày càng được đẩy mạnh, nhiều vụ đại án với số lượng lớn bị cáo đã được đưa ra xét xử. Điều đáng nói, có những vụ án mà trong đó, không ít bị cáo là các cựu quan chức, từng đứng đầu một số địa phương, bộ, ngành.

Hội đồng xét xử sơ thẩm xét hỏi các bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn và các địa phương Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ngãi, Vĩnh Long.
Hội đồng xét xử sơ thẩm xét hỏi các bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn và các địa phương Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ngãi, Vĩnh Long.

Các tội danh chủ yếu của những người này là “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tại phiên tòa, những lời khai rành rọt về việc tác động làm lợi cho doanh nghiệp nhưng gây thiệt hại cho đất nước hàng nghìn tỷ đồng; về những món “quà cảm ơn” đôi khi chỉ được “hờ hững” cất trong tủ phòng làm việc và không nhớ hết; về những món tiền vay mượn “khủng” mà lời nói “nhẹ bẫng” rằng không cần ngày trả vì “quan hệ rất thân thiết”, trong khi thực chất là nhờ “tạo điều kiện cho doanh nghiệp” mà kiếm lời, khiến người nghe giật mình. Người ta có thể đổ lỗi cho cơ chế xin-cho tạo ra những cái “bắt tay” giữa quan chức và doanh nghiệp, nhưng về bản chất, đó chính là lòng tham, vì cơ chế không phải của riêng ai, riêng địa phương nào.

Với các bị cáo từng giữ vai trò lãnh đạo chủ chốt tại các địa phương, bộ, ngành, doanh nghiệp, sau các bản án được tuyên thì danh dự, sự nghiệp và cả sự tự do... tất cả đã không còn. Bản án pháp lý chính là bài học đắt giá cho hành vi lợi dụng mối quan hệ, dùng tiền, lợi ích vật chất để móc nối, câu kết hưởng lợi bất hợp pháp, gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản nhà nước. Dù mức án nào được tuyên cho lòng tham và sự buông lỏng trách nhiệm, kỷ cương luật pháp cũng không thể khiến họ đau đớn bằng bản án lương tâm, bản án của lòng tin và danh dự mà họ đã đánh mất.

Các vụ án này cho thấy không chỉ có những sơ hở, thiếu sót trong một số văn bản pháp luật trong công tác quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực, nhất là về xây dựng, đấu thầu, thuế, định giá tài sản… mà hơn hết chính là sự xói mòn trong lương tâm, đạo đức của những người từng làm công tác quản lý, vì động cơ vụ lợi mà câu kết với các doanh nghiệp thân hữu, tạo nên nhóm lợi ích, rồi đến lượt họ, như một hệ luỵ tất yếu, lại bị chính doanh nghiệp thao túng.

Có thể trước đó, họ từng là những người có nhiều đóng góp cho xã hội, cho quê hương, cho gia đình, nhưng oái oăm và đau xót thay, giờ đây, tất cả quá khứ vinh quang và tự hào ấy lại trở thành “tình tiết giảm nhẹ” để mong hội đồng xét xử xem xét, lượng hình.

Các vụ án cho thấy rõ quyết tâm chính trị của Đảng ta trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, qua đó củng cố niềm tin của nhân dân vào đường lối lãnh đạo của Đảng “nói đi đôi với làm”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Tuy nhiên, cũng chính từ các vụ án này, bài học lớn được rút ra: Chúng ta càng phải chú trọng nhiều hơn đến cơ chế kiểm soát quyền lực, nhất là khi thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương tự chịu trách nhiệm”, phải hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng cán bộ lạm quyền, cậy quyền, “trượt dài” vào sai phạm. Cái gốc của tham nhũng, tiêu cực, lãng phí thường gắn với sự tha hóa quyền lực, vì thế nếu không có “vòng kim cô” đủ mạnh, sẽ dễ dẫn đến sự thoái hóa, biến chất của một số cán bộ.

Trong các cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, Tổng Bí thư Tô Lâm đều nhấn mạnh đến các giải pháp nhằm xử lý triệt để vấn nạn tham nhũng, tiêu cực, trong đó đề nghị: Phải làm cho việc thực hành liêm chính, không tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trở thành việc làm “tự giác”’, “tự nguyện” như “cơm ăn, nước uống, áo mặc hằng ngày”, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “chạy chọt”, “lợi ích nhóm”, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, kiên quyết không dung thứ cho tham nhũng, tiêu cực.

Đất nước ta đang chuyển mình mạnh mẽ với những quyết sách mang tính lịch sử để thực hiện cho được các mục tiêu 100 năm thành lập Đảng, 100 năm thành lập nước, tạo tiền đề đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Hơn bao giờ hết, mỗi cán bộ, đảng viên phải coi lợi ích quốc gia, dân tộc là trên hết; phải thật sự là công bộc của dân. Không được vì những lợi ích cá nhân, những ham muốn do địa vị, chức vụ mang lại, gây thiệt hại cho Nhà nước.

Các cán bộ được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao trọng trách phải ý thức rõ trách nhiệm của mình, phải ngăn chặn, phòng, chống các hành vi sai phạm, phải hiểu và vận dụng luật pháp hiệu quả nhất chứ không phải “lách luật”, bắt tay gây dựng nhóm lợi ích để có lợi ích nhóm, lợi dụng cơ chế thông thoáng để móc ngoặc, thông đồng, “tạo đà” cho doanh nghiệp trục lợi.

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống”. “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”. Lời cảnh báo thấm thía, sâu sắc ấy vẫn còn mang tính thời sự đến hôm nay và với thực tiễn phát triển phía trước.

Có thể bạn quan tâm

back to top