Theo các chuyên gia, khi thực hiện nghiên cứu khoa học, sinh viên sẽ có điều kiện để tiếp cận với các đề tài ở quy mô nhỏ, cùng với sự hướng dẫn của giảng viên, sinh viên bắt đầu định hình được cách thức, quy trình để thực hiện một công trình nghiên cứu khoa học chất lượng, hiệu quả.
Chưa thu hút được sinh viên
Để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, Trường đại học Nguyễn Tất Thành xây dựng mục tiêu, cùng kế hoạch hoạt động cho các đơn vị theo từng năm. Các chỉ tiêu về hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên bao gồm: số lượng đề tài sinh viên nghiên cứu khoa học; số lượng công bố khoa học có sinh viên tham gia; số lượng dự án, ý tưởng tham dự chương trình, cuộc thi về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; số lượng hoạt động hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tập huấn dành cho sinh viên; số lượng sinh viên tham gia các cuộc thi học thuật, nghiên cứu khoa học. Tiến sĩ Nguyễn Hữu Thuần Anh, Trường đại học Nguyễn Tất Thành cho biết, nhà trường hỗ trợ kinh phí cho hoạt động sinh viên nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, đồng thời động viên và giao chỉ tiêu cho đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu. Các đơn vị khoa, viện, trung tâm, phòng công tác sinh viên phối hợp đoàn thanh niên và hội sinh viên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ nghiên cứu.
Tính đến năm 2023, Trường đại học Nguyễn Tất Thành đã nghiệm thu 363 đề tài nghiên cứu khoa học. Hiện, tỷ lệ sinh viên trường tham gia nghiên cứu khoa học cao nhất là 4,1%.
Sinh viên nghiên cứu khoa học là hoạt động quan trọng và cần thiết của công tác đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Cùng với quá trình hội nhập kinh tế thế giới, hội nhập về giáo dục-đào tạo, xây dựng và phát triển phong trào nghiên cứu khoa học cho sinh viên là một yêu cầu bức thiết nhằm nâng cao tính tự chủ sáng tạo, năng động, một tố chất rất cần thiết nhưng lại rất hạn chế trong trình độ sinh viên Việt Nam hiện nay. Điều này thể hiện hoạt động nghiên cứu khoa học chưa thật sự thu hút nhiều sự quan tâm của sinh viên vì nhiều lý do: nguồn kinh phí hỗ trợ cho hoạt động này chưa cao; cơ chế thu hút sinh viên tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học còn hạn chế. Cùng với đó, sự hiểu biết của sinh viên về nghiên cứu khoa học trong nhà trường còn hạn chế, chưa hiểu rõ nghiên cứu khoa học bắt đầu từ đâu, hay nghiên cứu những gì. Đáng lưu ý, sinh viên chưa chủ động tìm ra hướng nghiên cứu mới mang tính sáng tạo, đột phá, còn thụ động chờ sự định hướng, chỉ bảo của giảng viên làm cho các đề tài nghiên cứu còn nghèo nàn, lối mòn, thiếu tính ứng dụng thực tiễn trong cuộc sống hiện nay. Một số giảng viên còn xem nhẹ công tác nghiên cứu khoa học của sinh viên, chỉ tham gia mang tính bắt buộc, đối phó nên chất lượng một số đề tài chưa cao...
Tạo động lực cho sinh viên nghiên cứu khoa học
Theo các chuyên gia, dù còn nhiều khó khăn và thách thức, song hoạt động nghiên cứu khoa học có ý nghĩa quan trọng và mang lại rất nhiều lợi ích cho sinh viên. Bàn về kinh nghiệm hướng dẫn sinh viên làm nghiên cứu khoa học, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Minh Triết, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Việc quan tâm và hỗ trợ phải được các chuyên gia, thầy cô, những anh chị, bạn bè đi trước thực hiện xuyên suốt quá trình nghiên cứu. Bắt đầu từ giai đoạn sinh viên thích, muốn thử làm nghiên cứu, tìm được ý tưởng, đến giai đoạn phát triển những kết quả bước đầu và ứng dụng vào thực tế. Ban Tổ chức Giải thưởng Euréka có thể phối hợp cùng các trường tổ chức những hoạt động chia sẻ kinh nghiệm từ thí sinh đoạt giải trong những năm trước. Từ đó, sinh viên sẽ có cơ hội giao lưu, kết hợp với người có cùng sở thích, sở trường, có kiến thức chuyên môn để tạo ra những sản phẩm liên ngành, kết nối nhiều thế hệ. Để bắt kịp sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, các đơn vị liên quan cần tạo điều kiện cho sinh viên giao lưu, hội nhập với cộng đồng nghiên cứu trên thế giới thông qua những hội thảo quốc tế.
Trong khi đó, theo Thạc sĩ Phan Thị Thành, Trường đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh, nghiên cứu khoa học có ý nghĩa to lớn, giúp sinh viên tiếp nhận cách học mới, hình thành phương pháp tự học, tự nghiên cứu, tập làm quen với hoạt động nghiên cứu khoa học căn bản. Để mang lại được luồng gió mới trong nghiên cứu khoa học đối với sinh viên, đòi hỏi nhà trường và sinh viên cần có những bước đột phá mới, phải trang bị kiến thức về nghiên cứu khoa học và tạo môi trường nghiên cứu khoa học cho sinh viên ngay từ những năm đầu của chương trình đại học. Với phương pháp tiếp cận mới, đòi hỏi phải có sự đồng thuận và hỗ trợ từ nhiều phía, trong đó nhà trường đóng vai trò đầu tàu, định hướng cho sự thành công của cả quá trình đào tạo. Nhà trường cần cải tiến và duy trì môi trường nghiên cứu tốt, cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu khoa học. Sinh viên cần tích cực, chủ động hơn nữa trong việc lên kế hoạch học tập và nghiên cứu, xác định mục tiêu rõ ràng, tìm hiểu và lựa chọn cho mình một phương pháp học tập, nghiên cứu hiệu quả, phù hợp ■