Kinh tế-xã hội những tháng đầu năm tỉnh Đắk Lắk có nhiều chuyển biến tích cực

NDO - Sáng 13/5, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 4 để đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh; kết quả thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội trong tháng 4 và triển khai nhiệm vụ tháng 5/2025. Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn và các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì phiên họp.
0:00 / 0:00
0:00
Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn phát biểu tại phiên họp.
Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn phát biểu tại phiên họp.

Báo cáo tại phiên họp, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Đắk Lắk Võ Ngọc Tuyên cho biết, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm tiếp tục phát triển ổn định. Hầu hết các ngành, lĩnh vực đều tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, nổi bật là chỉ số sản xuất công nghiệp trong 4 tháng đầu năm 2025 tăng 14,23% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,35%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng tăng 20,09%. Các nhà máy sản xuất cà-phê bột, cà-phê hòa tan, nhà máy đường, tinh bột sắn, nhà máy bia hoạt động ổn định.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 4 tháng đầu năm đạt 39.003,4 tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước, đạt 32,5% kế hoạch năm.

Kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh đạt 745 triệu USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2024, đạt 40,1% kế hoạch. Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk Lưu Văn Khôi cho biết, qua làm việc, khảo sát đối với các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh nhằm hỗ trợ phát triển thị trường, nắm bắt khó khăn vướng mắc trong hoạt động xuất khẩu cho thấy, trước thông tin Hoa Kỳ áp thuế đối ứng lên các quốc gia, nhằm tránh ảnh hưởng của thuế đối ứng từ ngày 9/4, các đơn hàng nhập khẩu của các đối tác ở các quốc gia khác tăng mạnh, các doanh nhiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh xuất khẩu một lượng lớn hàng hóa trong tháng 3 để kịp đáp ứng nhu cầu nên kim ngạch xuất khẩu tháng 3 đạt 246,5 triệu USD, tăng tới 36,8% so với tháng 2/2025.

Dự báo kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh những tháng tiếp theo sẽ duy trì trên mức bình quân, sau khi nhu cầu nhập khẩu của các quốc gia khác hạ nhiệt.

Công tác thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, toàn tỉnh thu được 4.099 tỷ đồng, tăng 41,57% so với cùng kỳ năm trước, đạt 42,9% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao và bằng 52,2% dự toán Trung ương giao.

Trong đó, thu thuế, phí đạt 2.756 tỷ đồng, tăng 19,67% so với cùng kỳ năm 2024, đạt 48,6% dự toán Trung ương giao và đạt 43,7% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao.

Thu biện pháp tài chính đạt 1.203 tỷ đồng, gấp 2,45 lần so với cùng kỳ năm 2024, đạt 61,6% dự toán Trung ương giao và 40,6% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao; trong đó, thu tiền sử dụng đất đạt 1.087 tỷ đồng, đạt 39,7% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao...

Tổng chi ngân sách địa phương đạt 9.192 tỷ đồng, bằng 34,3% dự toán Trung ương giao và 32,6% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao, trong đó chi đầu tư phát triển đạt 3.759 tỷ đồng và chi thường xuyên 5.433 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, trong những tháng đầu năm, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk cũng đã quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành, đơn vị tranh thủ thời tiết mùa khô, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhờ đó công tác giải ngân vốn đầu tư công có nhiều chuyển biến tích cực.

Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Đắk Lắk Võ Ngọc Tuyên cho biết, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 toàn tỉnh là hơn 9.401 tỷ đồng, trong đó giao thực hiện dự án cấp tỉnh quản lý hơn 7.565 tỷ đồng, đến hết ngày 30/4/2025 đã phân bổ chi tiết đến từng danh mục dự án hơn 6.782 tỷ đồng, đạt 91,6% kế hoạch.

Đến ngày 30/4/2025, đã giải ngân được 1.384/6.782 tỷ đồng, đạt 20,4% kế hoạch, nếu tính theo số vốn Trung ương giao theo số liệu báo cáo của Bộ Tài chính thì tỷ lệ giải ngân đạt 22,97% kế hoạch, cao hơn trung bình chung cả nước 7,41% và đứng thứ hai về giải ngân đối với 5 tỉnh Tây Nguyên, đứng thứ 18/63 tỉnh, thành phố và đứng thứ 23/111 đơn vị được giao thực hiện kế hoạch đầu tư công.

Trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương đã giải ngân được 1.015/5.176 tỷ đồng, đạt 19,6% kế hoạch và nguồn vốn ngân sách địa phương đã giải ngân được hơn 368,9/1.606 tỷ đồng, đạt 23% kế hoạch.

Đối với Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột (Dự án thành phần 3) do Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk làm cơ quan chủ quản, đến nay công tác giải phóng mặt bằng 332,98/332,98ha, tương ứng với 48,09/48,09km toàn tuyến, đạt 100%. Công tác di dời hạ tầng kỹ thuật cơ bản đã hoàn thành, tổng khối lượng thi công đạt 44,64%. Đến nay, tổng số vốn đã giao để thực hiện dự án là 4.234,426/6.165,149 tỷ đồng, đạt 69% theo tổng mức đầu tư; kế hoạch năm 2025 được giao vốn 2.042 tỷ đồng, đã giải ngân 431,492 tỷ đồng, đạt 21,1% kế hoạch...

Công tác an sinh xã hội, chăm sóc người có công, giảm nghèo, thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát tiếp tục được quan tâm, triển khai kịp thời. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã triển khai hỗ trợ xây mới và sửa chữa được 3.337/7.312 căn nhà, trong đó xây mới 3.101 căn, sửa chữa 236 căn, đạt tỷ lệ 45,64% so với kế hoạch, trong đó có 311 căn đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng.

Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, trong những tháng đầu năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi kỷ niệm 50 năm chiến thắng Buôn Ma Thuột (10/3/1975-10/3/2025) và Lễ hội Cà-phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân và thu hút lượng lớn khách du lịch đến với tỉnh. Nhờ đó, trong 4 tháng đầu năm toàn tỉnh đón khoảng 830.000 lượt khách, đạt 46% kế hoạch và tổng doanh thu từ du lịch đạt 722 tỷ đồng, đạt 45,13% kế hoạch...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong công tác quản lý, điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh cũng như tình hình phát triển kinh tế-xã hội trong những tháng đầu năm của tỉnh Đắk Lắk vẫn còn những tồn tại, hạn chế, đặc biệt là các sở, ngành sau khi sáp nhập, tinh gọn hoạt động chưa hiệu lực, hiệu quả như kỳ vọng. Các công trình trọng điểm vẫn chưa được tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, triển khai chậm, thậm chí dừng thi công…

Môi trường thu hút đầu tư chưa thông thoáng, còn nhiều ách tắc. Kết quả chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) năm 2024 của tỉnh giảm mạnh so với năm 2023, nhưng không cơ quan, đơn vị nào chịu trách nhiệm và chưa có giải pháp để cải thiện và nâng cao các chỉ số này...

Phát biểu phiên họp, Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn yêu cầu các sở, ngành cần có tham mưu, hướng dẫn trong việc thực hiện quy hoạch tỉnh; triển khai quyết liệt các giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng; chú trọng giải quyết khó khăn, vướng mắc của các dự án; đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị các nội dung xây dựng văn kiện sắp xếp đơn vị hành chính. Đặc biệt, trong quá trình triển khai sắp xếp bộ máy không để ảnh hưởng đến hoạt động của các đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân.

Ngoài ra, cần tập trung các biện pháp thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.