“Giải bài toán” thu nhập
Năm 2011, khi bắt tay vào xây dựng NTM, qua rà soát, hầu hết chỉ tiêu NTM ở xã Hữu Kiệm đều ở mức thấp. Sau khi bàn bạc, Đảng ủy xã đưa ra nhận định, trong muôn vàn cái khó, Hữu Kiệm chọn đột phá, tập trung chỉ đạo, phát triển mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Lý giải về vấn đề này, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn Vi Hòe cho biết: Những chỉ tiêu về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật như điện, đường, trường, trạm… có thể lồng ghép các chương trình, dự án hỗ trợ của T.Ư, của tỉnh nhưng riêng việc nâng cao thu nhập cho bà con là vấn đề khó, có tính lâu dài. Nếu giải được “bài toán” nâng cao thu nhập cho người dân cũng đồng nghĩa với giải quyết được việc làm, giảm tỷ lệ hộ nghèo cũng như xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại. Đây là những tiêu chí cực kỳ khó, nhưng vô cùng quan trọng trong xây dựng NTM.
Với thế mạnh của địa phương, Hữu Kiệm chọn giải pháp, phát triển chăn nuôi gia súc dưới tán rừng và trồng rau sạch phục vụ thị trường trong huyện. Thông qua hỗ trợ sản xuất từ các chương trình của Chính phủ (135, 30a, xây dựng NTM) các hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi; được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò theo kiểu cầm tay chỉ việc và được hỗ trợ hằng trăm con bò giống. Hữu Kiệm còn được tiếp sức, khi Huyện ủy Kỳ Sơn ra Chỉ thị 17: “Đảng viên giúp đỡ hộ nghèo”, và phát động phong trào “các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện giúp đỡ hộ nghèo”.
Chỉ tính riêng năm 2019, thông qua các khoản đóng góp tự nguyện của cán bộ, công/viên chức các cơ quan (Huyện ủy, UBND huyện, các ban, ngành, đoàn thể, trường học, quân sự, công an…) trên địa bàn đã góp được 37 con bò giống cho các hộ nghèo ở Hữu Kiệm. Thực hiện Chỉ thị 05, phát huy tính gương mẫu Đảng viên, mỗi đồng chí trong Thường trực Huyện ủy đã hỗ trợ một con bò giống, trị giá 15 triệu đồng/con. Ngoài việc góp tiền mua bò, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn Vi Hòe còn vận động các cá nhân, doanh nghiệp ở ngoài địa bàn hỗ trợ cho bà con được 10 con bò giống. Một số đồng chí lãnh đạo tỉnh Nghệ An, TP Vinh cũng góp tiền mua bò hỗ trợ Hữu Kiệm...
Gia đình chị Vi Thị My (28 tuổi), nằm lưng chừng núi ở bản Na Chảo nhưng đường bê-tông vào tận nhà. Chị My cho biết: "Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, được Phòng Tài chính huyện hỗ trợ 15 triệu đồng mua bò giống, gia đình đã góp thêm ba triệu đồng mua được một con bò giống kèm theo con me (bò con). Hằng tuần, cán bộ Phòng Tài chính lại xuống tận nơi, chỉ dẫn việc chăm bò, chăm gà, trồng rau, trồng cỏ voi cho đúng kỹ thuật... Nay gia đình đã có đàn bò ba con, cùng đàn gà hàng chục con".
Chị My còn được dạy dệt thổ cẩm cho thu nhập khoảng 1,5 đến 2 triệu/tháng. Chồng chị My được hướng dẫn làm nghề thợ xây nên thu nhập khá ổn định. Chị My khoe, nhờ sự hỗ trợ trên mà gia đình đã thoát nghèo, còn dành dụm được tiền để làm mới công trình vệ sinh, nhà bếp như cam kết với địa phương và sắp tới, xây tường nhà ở.
Bí thư Chi bộ bản Na Chảo Kha Văn Thái cho biết: Toàn bản có 96 hộ, chủ yếu là bà con dân tộc Thái, H' Mông, nhờ chương trình hỗ trợ và phát triển chăn nuôi bò dưới tán rừng mà gia đình chị My cùng hàng chục hộ nghèo và cận nghèo trong bản đã cơ bản thoát nghèo. Ba năm gần đây, toàn bản đã phát triển được đàn trâu bò hơn 370 con; nhiều gia đình như: Lương Văn Tiếp, Lô Văn Tình, Vi Văn Đông… đã tạo dựng đàn bò bảy đến tám con/hộ; đã có năm gia đình phát triển trang trại kết hợp chăn nuôi cho thu nhập 40-60 triệu đồng/năm. Nghề dệt thổ cẩm ở Na Chảo đã được khôi phục với 30 hộ tham gia, cho thu nhập khoảng 1,5 đến 2,5 triệu đồng/hộ/tháng; nhờ Chương trình 67/CP mà bản đã xóa hết nhà tạm.
Cũng như các xã miền núi khác, điều khó khăn nhất với cấp ủy, chính quyền cùng hệ thống chính trị ở Hữu Kiệm là việc dần xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại; chuyển sản xuất nông nghiệp tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa. Để làm việc này, ngoài việc hỗ trợ xây dựng mô hình từ các chương trình, dự án của tỉnh và T.Ư, từng cán bộ, đảng viên được phân công kèm, hỗ trợ các hộ nghèo đã phải thường xuyên xuống địa bàn, cầm tay chỉ việc, kiên trì hướng dẫn để bà con dần thạo việc làm ăn, từ cách chăm con gà, cây rau đến nuôi bò vỗ béo... Chị Vi Thị My còn cho biết: "Chính sự kiên trì, nhiệt tình hướng dẫn, hỗ trợ của cán bộ, cùng với đường xá đi lại thuận lợi đã dần tạo cho chúng tôi nếp làm ăn, góp phần dần xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại của mọi người".
Nói đến Hữu Kiệm hôm nay phải nói đến sự thành công mô hình HTX trồng rau Khe Nhinh (Bản Na Lượng 1) với sự tham gia của 14 gia đình; với thương hiệu rau sạch cho thu nhập gấp 4-5 lần trồng lúa; Bên cạnh đó, nhiều hộ ở bản Khe Tỳ đã biết cải tạo vườn tạp sang trồng cây ăn quả (thanh long, dưa hấu). Ngoài 160 ha lúa rẫy luân canh, Hữu Kiệm còn phát triển hơn 23 ha lúa nước, sáu héc-ta rau mầu…
10 năm qua, các tổ chức tín dụng đã hỗ trợ các hộ dân ở các bản: Huồi Thợ, Đỉnh Sơn 1, Đỉnh Sơn 2; Na Lượng 2, Hòm… vay vốn đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi hộ gia đình, và mô hình kinh tế gia trại theo hướng hàng hóa cùng nghề đan lát, dệt thổ cẩm, sản xuất rượu cần... Đến nay, Hữu Kiệm đã phát triển đàn gia súc lên hơn 2.000 con cùng hàng nghìn con gia cầm. Không ít lao động được đào tạo nghề, làm việc ở các doanh nghiệp ngoại tỉnh và xuất khẩu lao động…Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người ở Hữu Kiệm đã tăng lên đáng kể. Nếu năm 2010, thu nhập bình quân đầu người mới đạt hơn tám triệu đồng/năm thì đến tháng 3-2020 đã đạt 36,2 triệu đồng/năm.
Kỳ tích
Hữu Kiệm là xã 135 với hơn 1.000 hộ, hơn 4.890 nhân khẩu; nơi có 88,7% người dân tộc thiểu số sinh sống, gồm: Thái, Khơ Mú, H' Mông và Kinh. Xuất phát điểm thấp, khi bắt tay vào xây dựng NTM (năm 2011), xã chỉ đạt 1/19 tiêu chí, đó là tiêu chí quy hoạch; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo lên đến 72,8%, địa hình phức tạp, đồi núi dốc, cơ sở hạ tầng tuy được đầu tư nhưng thiếu và chưa đồng bộ và một bộ phận cán bộ và nhân dân còn có tư tưởng trông chờ ỷ lại và xem việc xây dựng NTM là do T.Ư, tỉnh thực hiện, chứ không phải do người dân là chủ thể…

Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm Nguyễn Hữu Lương cho biết: Để chương trình xây dựng NTM thực hiện có hiệu quả, trước tiên, huyện và xã phải dày công tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ, đảng viên hiểu biết về xây dựng NTM là phải làm như thế nào rồi sau đó mới truyên truyền cho người dân. Ban Chỉ đạo huyện thường xuyên xuống xã làm việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương trong suốt quá trình thực hiện Chương trình NTM. Đảng ủy, chính quyền và các cấp hội, đoàn thể luôn sâu sát, phối hợp chặt chẽ với ban chỉ đạo các bản, kiên trì tuyên truyền, động viên nhân dân, để mọi người thấu hiểu, mình là chủ thể xây dựng NTM nhằm tạo sự đồng thuận; cùng với đó, người dân đã cởi bỏ được tư tưởng trông chờ, ỷ lại, có quyết tâm phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập… Đây chính là những kỳ tích mà Hữu Kiệm đã đạt được thời gian qua.
Hữu Kiệm có chín bản, trong đó có nhiều bản 100% là người dân tộc thiểu số nên việc huy động nguồn lực gặp rất nhiều khó khăn. Chính quá trình vận động xây dựng NTM một cách bền bỉ đã dần làm thay đổi được nhận thức và nếp nghĩ của người dân đối với cộng đồng.
Ông Xã Văn Bình ở bản Na Lượng 1 tâm sự: “Nhũng ngày đầu tiên triển khai chương trình xây dựng NTM, bản thân tôi và bà con trong thôn còn rất mơ hồ nhưng sau khi được tuyên truyền, giải thích cặn kẽ, tôi và mọi người đã hiểu rõ sự cần thiết phải xây dựng NTM mà người dân trực tiếp tham gia và được hưởng lợi. Từ đó mọi người đều đồng thuận cùng nhau góp sức, công, của để xây dựng thành công xã NTM. Nhà nào có tiền thì góp tiền; không có tiền thì góp ngày công, góp vật liệu; hiến đất, giải phóng mặt bằng. Gia đình tôi đã góp nhiều ngày công và hiến hơn 200 m2 đất để xây dựng và mở rộng đường giao thông”.
Chỉ tính riêng, 8km đường liên bản (từ bản Bà đi bản Định Sơn 1, Định Sơn 2) rộng 3m, người dân đã góp hàng nghìn ngày công cùng hàng trăm mét khối cát, sỏi, và tự giải phóng mặt bằng sạch…
Để về đích NTM, Hữu Kiệm đã nhận được sự ưu tiên hỗ trợ rất lớn từ tỉnh, đến huyện; đặc biệt việc lồng ghép các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, Chương trình 135, Chương trình 30a của Chính phủ. 10 năm qua, Hữu Kiệm đã huy động được hơn 51 tỷ đồng để xây dựng NTM; trong đó, vốn ngân sách và lồng ghép các chương trình, dự án hơn 44 tỷ đồng; vốn tín dụng 5,1 tỷ đồng; người dân đóng góp 845 triệu đồng, hiến 3.800 m2 đất và 9.000 ngày công cùng nhiều vật dụng xây dựng.
Toàn xã đã bê-tông hóa 90 % đường nội thôn, liên thôn, phục vụ đời sống dân sinh ngày càng thuận lợi, nhất vào mùa mưa lũ. Hệ thống trường học, trạm y tế, nhà văn hóa cộng đồng được xây dựng, tu sửa khang trang sạch, đẹp; 100% bản đạt chuẩn quốc gia về y tế, trên 85% người dân tham gia bảo hiểm y tế; vệ sinh môi trường nông thôn xanh, sạch đẹp; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,66%; thông qua chương trình hỗ trợ của T.Ư, địa phương, Hữu Kiệm đã xóa xong nhà tạm...
Là xã 135 đầu tiên của huyện biên giới 30a Kỳ Sơn được công nhận xã đạt chuẩn NTM. Hữu Kiệm còn giúp Kỳ Sơn - huyện cuối cùng của Nghệ An có xã đầu tiên về đích NTM. Đây chỉ là bước khởi đầu cho những dự định tiếp theo của nhân dân và cán bộ xã Hữu Kiệm. Đó là phải tiếp tục tuyên truyền, vận động nâng cao hơn nữa nhận thức cho người dân, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM. Tiếp tục phát triển các mô hình kinh tế, trong đó ưu tiên phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng hàng hoá trên cơ sở ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng giá trị kinh tế, tạo nhiều việc làm, thu nhập ổn định và bền vững cho người dân địa phương…