Theo đó, khách quốc tế ước đạt hơn 798 nghìn lượt, đạt 62% kế hoạch, tăng gần 57% so với cùng kỳ; khách nội địa ước đạt hơn 11 triệu lượt, đạt 53,73% kế hoạch; tăng 18,35% so với cùng kỳ.
Từ đầu năm đến nay, ngành du lịch tỉnh Lâm Đồng đã đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến, thông tin du lịch tại các sự kiện trong và ngoài nước, đồng thời phối hợp khảo sát và làm việc với 2 đoàn trong nước và 7 đoàn ngoài nước về xúc tiến du lịch. Công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch của tỉnh Lâm Đồng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, quảng bá hình ảnh địa phương và cải thiện trải nghiệm cho du khách.

Việc sáp nhập ba tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận và Đắk Nông hình thành tỉnh Lâm Đồng mới đã mở ra nhiều dư địa thúc đẩy ngành du lịch phát triển. Bên cạnh đó, ngành du lịch Lâm Đồng đã tập trung đầu tư, phát triển đồng bộ các loại hình du lịch chủ lực và tiềm năng như: du lịch nghỉ dưỡng, thể thao biển; du lịch sinh thái, cộng đồng, nông nghiệp canh nông, rừng-biển-đồi cát; du lịch văn hóa-tâm linh-lễ hội; du lịch thể thao mạo hiểm; du lịch MICE; du lịch khám phá đảo (đặc biệt tuyến ra đảo Phú Quý); du lịch chăm sóc sức khỏe. Nhiều sản phẩm và điểm đến mới đã được hình thành như: các bãi biển và công viên giải trí ven biển (Circus Land, Wonderland, Dino Park…), các vườn trái cây, trang trại nông nghiệp, làng nghề truyền thống; các điểm du lịch sinh thái đặc sắc ở khu vực cao nguyên …
Hiện, Lâm Đồng có 4.203 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số 66.023 phòng. Trong đó có 110 khách sạn từ 3 đến 5 sao với 11.266 phòng; 126 đơn vị kinh doanh lữ hành; 1.059 hướng dẫn viên; 99 khu, điểm tham quan, trong đó có 30 khu, điểm du lịch đã được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận gồm: 2 khu du lịch quốc gia, 4 khu du lịch cấp tỉnh và 24 điểm du lịch.