Cùng với việc đầu tư, nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất, hạ tầng, nơi làm việc, thì những chế độ đãi ngộ phù hợp sẽ là động lực thu hút đội ngũ y, bác sĩ về công tác tại tuyến y tế cơ sở.
Hệ thống y tế cơ sở thiếu nhân lực
Tình trạng nhân viên y tế bị quá tải công việc nhưng thu nhập không đủ trang trải cuộc sống đã diễn ra từ rất lâu tại hệ thống cơ sở y tế công lập trên cả nước, nhất là tuyến y tế cơ sở. Hệ lụy là nhiều nhân viên y tế liên tục nộp đơn xin nghỉ việc khiến cho các cơ sở y tế thiếu hụt nguồn nhân lực nghiêm trọng, không thể bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình hiện có hai đơn vị y tế tuyến huyện, 33 trạm y tế xã, thị trấn với tổng số lao động làm việc tại cơ sở y tế công lập gần 500 người. Tuy nhiên, nếu tính cả Trung tâm Y tế huyện và các trạm y tế trên địa bàn huyện thì chỉ có hơn 30 bác sĩ, thiếu rất nhiều so với nhu cầu khám, chữa bệnh trên thực tế của người dân. Theo bà Bùi Thị Tho, Giám đốc trung tâm Y tế huyện Kiến Xương, việc thiếu bác sĩ diễn ra từ nhiều năm nay trong cảnh “lực bất tòng tâm” của Trung tâm và các trạm y tế. Mặc dù thông tin tuyển dụng thường xuyên được đăng tải nhưng việc tuyển dụng rất khó khăn. Nguyên nhân chính là bởi chế độ đãi ngộ, thu nhập thấp, làm việc trong điều kiện thiếu thốn về cơ sở vật chất đã khiến các y, bác sĩ không mấy mặn mà với y tế cơ sở.
Tỉnh Thái Bình hiện có 260 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, không ít trạm y tế đã xuống cấp, không được tu bổ, sửa chữa từ nhiều năm. Trang thiết bị máy móc cơ bản phục vụ khám, chữa bệnh nhiều năm không được thay mới, khó bảo đảm hiệu quả điều trị bệnh. Đây cũng là một trong những yếu tố khó thu hút bác sĩ về công tác.
Tại tỉnh Tuyên Quang, theo thống kê của Sở Y tế, toàn tỉnh hiện có 128 trạm y tế xã, phường, thị trấn với tổng số gần 700 cán bộ, nhân viên y tế, nhưng trong đó chỉ có 130 bác sĩ. So với nhu cầu khám, chữa bệnh trên thực tế thì còn thiếu khoảng 20 bác sĩ tại các trạm y tế.
Khi cần, người dân muốn tiếp cận các danh mục y tế chất lượng thì phải di chuyển quãng đường xa hơn để đến trung tâm y tế huyện. Việc tuyển dụng bác sĩ về tuyến y tế cơ sở rất khó khăn trong vòng 10 năm qua. Nguyên nhân chính vẫn là thu nhập, chế độ đãi ngộ quá thấp khiến đời sống của bác sĩ khá bấp bênh, không đủ trang trải.
Chị Sùng Thị Nga ở xã Vàng Đán, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên dù có nhiều năm làm công việc của một cô đỡ thôn bản, chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn huyện, kiêm nhiệm đủ các công việc về tuyên truyền dân số, kế hoạch hóa gia đình. Tuy nhiên, mỗi tháng chị chỉ nhận được hơn 500 nghìn đồng tiền hỗ trợ cho mọi hoạt động, mức phụ cấp quá ít ỏi khiến chị không ít lần muốn bỏ việc.
Sau nhiều năm vất vả học hành trên giảng đường, các bác sĩ đều mong muốn được làm việc trong môi trường đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị để vận dụng vào công tác khám, chữa bệnh, mà điều này thì hạ tầng của y tế cơ sở lại khó đáp ứng.
Theo báo cáo của Bộ Y tế tổng kết 10 năm (2014-2024) thực hiện Nghị định số 117/2014/NĐ-CP, ngày 8/12/2014 của Chính phủ quy định về y tế xã, phường, thị trấn cho thấy, các trạm y tế phần lớn có số nhân lực dưới mức quy định tối thiểu (theo Thông tư số 03/2023/TT-BYT ngày 7/2/2023 của Bộ Y tế quy định tối thiểu là 5 người). Năm 2024, cả nước có 869 trạm y tế xã, trong đó trung bình mỗi trạm chỉ có từ 2 đến 4 người.
Mạng lưới nhân viên y tế thôn, bản được xem là cánh tay nối dài của ngành y tế, là nhân tố quan trọng trong việc tuyên truyền, giáo dục sức khỏe, giúp người dân ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận với quyền lợi được chăm sóc sức khỏe; nhưng đến nay, việc xây dựng đội ngũ này vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn. Hầu hết họ kiêm nhiệm rất nhiều nhiệm vụ nhưng mức phụ cấp lại quá ít ỏi, chưa tương xứng...
Thu hút y, bác sĩ về công tác tại tuyến y tế cơ sở
Đã có nhiều giải pháp được đưa ra từ khi diễn ra tình trạng nhân viên y tế xin nghỉ việc gây thiếu hụt nguồn nhân lực y tế cơ sở nghiêm trọng. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Lê Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), quá trình đổi mới mạng lưới y tế cơ sở đang được tăng tốc trong thời gian gần đây, với nhiều yếu tố thúc đẩy mạnh mẽ theo đúng tinh thần của Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới.
Tuy nhiên, hiện nay, mạng lưới y tế cơ sở dù có diện bao phủ rộng nhưng chưa đủ khả năng chăm sóc sức khỏe ban đầu hiệu quả theo mô hình mới (bảo đảm chăm sóc sức khỏe lồng ghép, toàn diện theo suốt vòng đời); khả năng tiếp cận các bệnh viện Trung ương, tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật ở một số khu vực còn hạn chế.
Hiện Bộ Y tế đã xây dựng dự thảo và đang xin ý kiến các cơ quan chức năng để hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập.
Nghị định mới sẽ điều chỉnh chính sách đãi ngộ, tăng mức phụ cấp nhằm góp phần thu hút, duy trì đội ngũ bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng có trình độ đại học trở lên về công tác tại các đơn vị sự nghiệp y tế tuyến cơ sở và lĩnh vực y tế dự phòng, nhằm giải quyết khó khăn về việc thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn tại các cơ sở y tế này. Đồng thời, góp phần giảm tình trạng bỏ việc, thôi việc, nâng cao chất lượng của y tế cơ sở, y tế dự phòng, giúp người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế bảo đảm chất lượng.
Bộ Y tế đề xuất mức phụ cấp ưu đãi theo nghề gồm: 70% cho viên chức làm việc trong các lĩnh vực đặc biệt như xét nghiệm, điều trị phong, lao, tâm thần, HIV/AIDS và bệnh truyền nhiễm nhóm A; 60% cho người làm trong các lĩnh vực như bệnh truyền nhiễm khác, cấp cứu 115, kiểm dịch biên giới, hóa trị, y học hạt nhân; 50% và 40% cho các công việc như gây mê, hồi sức, chẩn đoán hình ảnh, y tế công cộng...
Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, máy móc thiết bị y tế, tạo điều kiện môi trường làm việc tốt nhất tại tuyến y tế cơ sở cũng là động lực thu hút y, bác sĩ về công tác. Điển hình như Dự án “Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở” được triển khai tại 13 tỉnh, thành phố đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực.
Đây là dự án sử dụng vốn của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và các nhà tài trợ, được triển khai từ năm 2020 đến hết năm 2024, đóng góp nguồn lực quan trọng vào mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu suất sử dụng dịch vụ y tế tuyến cơ sở.
Dự án đã đầu tư xây dựng 478 công trình y tế cơ sở, trong đó có 464 trạm y tế (141 xây mới, 323 sửa chữa) và 14 trung tâm y tế. Ngoài ra, có 1.703 trạm y tế được cung cấp trang thiết bị. Nhiều tỉnh, thành phố được đầu tư cho biết, vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực y tế cơ sở đã phần nào được giải quyết khi nhân viên y tế được tạo điều kiện làm việc trong môi trường thuận lợi về cơ sở vật chất, đầy đủ trang thiết bị.
Một số địa phương thời gian qua đã sử dụng kinh phí huy động từ nhiều nguồn, tích cực đầu tư xây mới, nâng cấp cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị cho y tế cơ sở, khuyến khích, thu hút y, bác sĩ về công tác. Đơn cử như tại tỉnh Quảng Ngãi, từ năm 2017 đến nay, hơn 50 trạm y tế đã liên tục được đầu tư xây mới, nâng cấp cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị y tế, với tổng kinh phí 220 tỷ đồng.
Theo ông Phạm Minh Đức, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi, việc tăng cường đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các cơ sở y tế đã góp phần rất lớn trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân; từng bước hoàn thiện hạ tầng, tạo ra hệ thống y tế phát triển đồng bộ, chất lượng, thu hút nguồn nhân lực y tế có trình độ chuyên môn về địa phương làm việc.
Với những chế độ đãi ngộ phù hợp nêu trên, cùng với môi trường làm việc thuận lợi, hy vọng tới đây sẽ thu hút được đội ngũ y, bác sĩ về công tác, giải quyết được bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực cho hệ thống y tế cơ sở.