THỔ CẨM “LÊN SÀN”
Nhằm đưa thổ cẩm “đi” xa hơn, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền nam, tỉnh Bình Phước đã tổ chức chương trình nghệ thuật kết hợp biểu diễn thời trang thổ cẩm “Ngày mới trên sóc Bom Bo”, thu hút đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh đến thưởng thức. Ông Vũ Đức Hoàng, Trưởng phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Bù Đăng cho biết: “Biểu diễn thời trang thổ cẩm là một sự kiện nhằm tôn vinh và quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trong khu vực. Những bộ trang phục thổ cẩm được dệt tay công phu với họa tiết và màu sắc độc đáo, không chỉ phản ánh sự khéo léo của các nghệ nhân mà còn mang những câu chuyện về lịch sử, tín ngưỡng và phong tục của cộng đồng dân tộc tại Bình Phước”.
Từ các sản phẩm tinh xảo và sáng tạo của các nghệ nhân dệt thổ cẩm, nhà thiết kế Minh Hạnh đã kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại để đưa thổ cẩm Bom Bo lên sàn diễn thời trang, tạo nên những bộ trang phục vừa giữ giá trị văn hóa truyền thống, vừa phù hợp với xu hướng thời trang đương đại. Bà cho biết: “Đây là dịp để giới thiệu đến bạn bè quốc tế những nét đẹp độc đáo của văn hóa dân tộc. Tôi đã phối hợp các nghệ nhân thổ cẩm Bom Bo thiết kế những bộ sưu tập đầy màu sắc, tinh tế và sang trọng; đồng thời, giúp nâng tầm giá trị của thổ cẩm trở thành một phần không thể thiếu trong ngành công nghiệp thời trang”.
Trong buổi trình diễn, những bộ trang phục thổ cẩm mang đến một không gian đầy sắc màu, thể hiện sự đa dạng và phong phú trong văn hóa dân tộc. Những bộ sưu tập này không chỉ bao gồm các loại áo, váy truyền thống mà còn được thiết kế độc đáo và ấn tượng. Sự kiện này không chỉ thu hút sự tham gia của người dân địa phương mà còn là cơ hội để du khách trong và ngoài nước tìm hiểu về nét đẹp văn hóa đặc sắc của thổ cẩm Bình Phước. Đồng thời, đây cũng là dịp để thúc đẩy phát triển du lịch, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số, nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo vệ và phát triển những nghề thủ công truyền thống.
DÒNG NGƯỜI VỀ THĂM SÓC BOM BO
Bù Đăng không chỉ có tiềm năng phát triển kinh tế, mà còn có nhiều giá trị lịch sử và văn hóa đặc sắc, phản ánh sự đa dạng và phong phú của cộng đồng dân cư nơi đây. Những lễ hội dân gian, đặc biệt là của người Mnông và Xtiêng rất độc đáo, gắn liền với các hoạt động nông nghiệp, tín ngưỡng và đời sống tinh thần của cộng đồng. Từ những lợi thế đó, vùng đất này có sức hấp dẫn đối với khách du lịch và những ai yêu thích tìm hiểu về truyền thống văn hóa, lịch sử của cộng đồng các dân tộc thiểu số. Nhằm biến tiềm năng, thế mạnh thành động lực phát triển, Bù Đăng đã tổ chức thành công nhiều lễ hội, trong đó có lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo” được tổ chức vào cuối năm 2024. Đồng chí Giang Văn Lưu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bù Đăng cho biết: Thành công của sự kiện này được thể hiện thông qua số lượng du khách thập phương về tham dự đông nhất từ trước đến nay với hơn 100 nghìn người, khiến toàn bộ khu tổ chức lễ hội rộng cả trăm héc-ta chật kín người.
Trong khuôn khổ lễ hội còn có các hoạt động như: Lễ kết bạn cộng đồng, biểu diễn hòa tấu giữa đàn đá và cồng chiêng, hát then, đốt lửa trại và biểu diễn nghệ thuật phục vụ du khách; tổ chức các trò chơi dân gian, giải việt dã, thi giã gạo, nấu cơm lam, triển lãm người Xtiêng ở sóc Bom Bo; “Đêm hội Bom Bo”, lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo”… Qua đó, đã góp phần giới thiệu hình ảnh, giá trị văn hóa, lịch sử hào hùng, danh lam thắng cảnh, các điểm du lịch, vùng đất, con người, ẩm thực và sản phẩm đặc trưng của địa phương đến với hơn trăm nghìn du khách. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh khẳng định: Lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo” không chỉ là cơ hội để chúng ta cùng thăng hoa trong không gian văn hóa đặc sắc, mà còn là dịp để chúng ta cùng cam kết bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử đầy ý nghĩa. Thông qua đây, các đơn vị lữ hành trong và ngoài tỉnh đã xây dựng tour du lịch kết nối, mở ra cơ hội tốt, đẩy mạnh các hoạt động du lịch chuyên nghiệp về với “điểm đến” đặc biệt này. Qua đó, góp phần tạo đột phá trong phát triển kinh tế, tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; góp phần xây dựng và phát triển văn hóa Bình Phước “đa dạng, bản sắc và hội nhập” .