Đây là lần đầu thành phố Hà Nội ứng dụng đồng bộ công nghệ số và trí tuệ nhân tạo (AI) để thu nhận và xử lý ý kiến của người dân về Hiến pháp.
Việc lấy ý kiến qua VNeID nhận được sự hưởng ứng tích cực từ người dân. Chỉ cần vài thao tác trên điện thoại thông minh, người dùng có thể đăng nhập vào ứng dụng, chọn mục “Góp ý sửa đổi Hiến pháp”, viết nội dung góp ý và gửi đi.
Chị Nguyễn Mai Hương, ở tổ dân phố 13, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy chia sẻ: “Tôi thấy rất thiết thực. Trước đây muốn góp ý, phải viết đơn nộp về phường hay các cơ quan chức năng, mất thời gian và ngại thủ tục. Giờ thì chỉ cần dùng điện thoại, vài phút là xong”. Theo chị Hương, việc lấy ý kiến qua môi trường số cũng tạo tâm lý thoải mái hơn, giúp người dân suy nghĩ kỹ và trình bày rõ ràng ý kiến của mình.
Hà Nội đã huy động lực lượng công an khu vực và tổ chuyển đổi số cộng đồng tại các địa phương tham gia tích cực vào công tác tuyên truyền, hỗ trợ người dân.
Trung tá Nguyễn Thành Lâm, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06), Công an thành phố Hà Nội cho biế t, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các tổ chuyển đổi số cộng đồng vào cuộc để lấy ý kiến người dân về việc sửa đổi Hiến pháp. Công an thành phố chỉ đạo tất cả cảnh sát khu vực “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, rà từng trường hợp” vận động người dân tham gia, góp ý sửa đổi Hiến pháp.
Tại phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, trong buổi tối cuối tuần, tổ công tác của công an khu vực đã đến tận nhà các hộ dân cao tuổi, người không rành công nghệ để hỗ trợ cài đặt VNeID và chỉ dẫn cách gửi ý kiến.
Trung tá Trương Tuấn Phong, Trưởng Công an phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy chia sẻ: “Chúng tôi xác định phải đến từng hộ để hướng dẫn cho người dân. Nhiều cụ già nhiệt tình tham gia, nhưng lại không biết thao tác trên điện thoại thông minh. Vì vậy, chúng tôi mang theo cả điện thoại mẫu, bản in hướng dẫn và kiên trì chỉ dẫn từng bước”.
Một điểm mới đáng chú ý là việc sử dụng AI trong khâu xử lý và tổng hợp góp ý. Theo Trung tá Nguyễn Thành Lâm, AI sẽ giúp sàng lọc các nội dung mang tính xây dựng, loại bỏ những ý kiến không phù hợp, đồng thời phân tích mức độ quan tâm của người dân đến từng điều khoản trong dự thảo. “Những góp ý dù nhỏ nhất cũng sẽ được AI ghi nhận, đánh giá và chuyển đến Ban soạn thảo. AI cũng giúp phát hiện các xu hướng góp ý chính, làm căn cứ chỉnh sửa phù hợp nguyện vọng đông đảo của nhân dân”, ông Lâm nhấn mạnh.
Các cuộc tiếp xúc tại cơ sở cho thấy, người dân Thủ đô bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến đợt lấy ý kiến lần này. Nhiều ý kiến tập trung vào các nội dung như tổ chức bộ máy nhà nước, quyền công dân, phân quyền giữa các cấp chính quyền, vai trò của chính quyền địa phương trong bối cảnh xây dựng đô thị thông minh và chính quyền số.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Tổ trưởng Tổ dân phố số 5, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy chia sẻ: “Người dân giờ có thể góp ý Hiến pháp qua điện thoại, lại được chính quyền, công an khu vực hỗ trợ tận tình nên rất thuận lợi. Chúng tôi kỳ vọng rằng, những ý kiến chân thành của mình sẽ được ghi nhận và phản ánh trong bản Hiến pháp mới”.
Việc lấy ý kiến nhân dân qua ứng dụng VNeID không chỉ là đổi mới về hình thức, mà còn là một bước tiến trong tư duy quản lý nhà nước: Từ hành chính thụ động sang tương tác chủ động, lấy người dân làm trung tâm.