Theo đánh giá của Sở Giao thông vận tải, sau một tháng thí điểm điều chỉnh tổ chức giao thông, nút giao Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến-Nguyễn Xiển trật tự hơn, giảm được xung đột tiềm tàng, giảm thời gian trễ cho các phương tiện di chuyển trong nút giao.
Tuy nhiên do phương tiện tham gia giao thông các tuyến đường vào nút rất lớn, có thể xuất hiện ùn ứ ở ngoài nút giao, đơn vị chức năng cần tiếp tục theo dõi, nghiên cứu, bổ sung các phương án tổ chức giao thông từ xa và tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh chu kỳ, thời gian đèn xanh ở các nút giao thông liền kề để tạo ra sự điều khiển nhịp nhàng hơn.
Trước đó, từ cuối năm 2023, thành phố đã tiến hành phân luồng tại Ngã Tư Sở và đến nay đã phát huy hiệu quả, giảm xung đột giữa các làn xe, giúp các phương tiện lưu thông thuận lợi hơn, nhất là phương tiện từ đường Trường Chinh đi đường Láng. Điều này cho thấy nếu được nghiên cứu kỹ lưỡng, tổ chức một cách khoa học, công tác tổ chức giao thông sẽ góp phần quan trọng cải thiện giao thông.
Đây cũng là một trong nhiều giải pháp đang được Hà Nội thực hiện đồng bộ để bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Tuy nhiên theo đánh giá của Sở Giao thông vận tải, tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Nhiều tuyến đường, nút giao thông có mật độ phương tiện tham gia giao thông lớn, nhất là vào khung giờ cao điểm. Đầu năm 2024, thành phố có 33 điểm ùn tắc giao thông. Tính đến hết tháng 11/2024 đã xử lý được 13/33 điểm, nhưng lại phát sinh 16 điểm, nâng tổng số thành 36 điểm ùn tắc.
Nguyên nhân tình trạng này do tốc độ gia tăng phương tiện giao thông cá nhân trên địa bàn Hà Nội từ 4%- 5%/năm, trong khi tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chỉ khoảng 0,35%/năm. Sự chênh lệch này khiến mật độ giao thông trên nhiều tuyến đường vượt quá lưu lượng thiết kế, đặc biệt là vào khung giờ cao điểm.
Như đường Vành đai 3 trên cao hiện có lưu lượng 122.606 xe/ngày đêm, gấp 8,1 lần lưu lượng thiết kế; lưu lượng phương tiện qua cầu Thanh Trì, cầu Chương Dương đều gấp hơn tám lần năng lực thiết kế. "Trong khi đó, mạng lưới đường sắt đô thị vốn được coi là phương tiện di chuyển xương sống trong đô thị vẫn đang trong giai đoạn đầu tư và mới chỉ có hai tuyến được đưa vào khai thác; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng mới chỉ đạt 19,5%", Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Trần Hữu Bảo thông tin.
Để hạn chế ùn tắc, vừa qua Sở Giao thông vận tải đã phối hợp với Công an thành phố thành lập năm tổ công tác thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu đề xuất các giải pháp, như: Lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông nhằm điều tiết lưu lượng, điều chỉnh pha đèn phù hợp với lưu lượng phương tiện; rà soát các bất cập tại các nút giao có mật độ giao thông cao để điều chỉnh tổ chức giao thông; sắp xếp, bố trí lại các điểm dừng, đỗ xe buýt một cách hợp lý…
Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải khẳng định, các giải pháp nêu trên mới chỉ là tạm thời. Để giải quyết tình trạng ùn tắc một cách hiệu quả, bền vững cần phải triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp mang tính lâu dài, vừa đẩy mạnh đầu tư cho hạ tầng, vừa tập trung ưu tiên vào giải pháp cốt lõi là ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành giao thông và quản lý nhu cầu giao thông.
Cùng với đó, cơ quan chức năng tăng mức xử phạt và tăng cường phạt nguội nhằm điều chỉnh hành vi, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông; phát triển vận tải hành khách công cộng; tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông… Có như vậy, tình trạng ùn tắc giao thông tại Thủ đô mới được khắc phục.