Lũ tiểu mãn và công tác tu bổ đê điều

Lát mái kè Bạch Hạc (Phú Thọ).
Lát mái kè Bạch Hạc (Phú Thọ).

Tiểu mãn là một trong 24 tiết khí hậu theo cách tính lịch của các nước Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên. Tiết Tiểu mãn diễn ra vào khoảng ngày 21-5 hằng năm.

Ðây là khái niệm khi lập lịch của các nước Ðông Á chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Quốc cổ đại.

Vào thời kỳ trước và sau tiết Tiểu mãn thường xảy ra những đợt mưa, có năm mưa vừa đến mưa to gây ra lũ nhỏ và vừa trên các sông suối. Những đợt lũ xảy ra trong khoảng thời gian này được gọi chung là lũ Tiểu mãn, thường xuất hiện vào khoảng thời gian từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6.

Lũ Tiểu mãn thường không lớn, nhưng do xảy ra vào thời kỳ hệ thống sông suối đang cạn kiệt, cho nên nguồn nước này vô cùng quý giá đối với sản xuất và đời sống. Theo số liệu thống kê của Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, tổng lượng mưa từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 6 hằng năm ở Bắc Bộ và Tây Nguyên có thể tới 300-500 mm, Bắc Trung Bộ 150-300 mm, Trung Trung Bộ vào đến Ninh Thuận 100-200 mm.

Cá biệt, cũng có những trận lũ Tiểu mãn rất lớn đã từng xảy ra trên một số sông suối, như trận lũ đầu tháng 6-2001 xảy ra trên các triền sông thuộc Bắc Bộ; đặc biệt đã gây ra mức lũ lớn nhất trên sông Thao, với đỉnh lũ tại Yên Bái là 32,29 m (cao hơn mức báo động ba 0,29 m).

Mùa khô cạn của các tỉnh miền trung thường kéo dài từ tháng 1 đến tháng 8 hằng năm, trong khi mưa và lũ Tiểu mãn thường xảy ra vào thời điểm từ giữa tháng 5 đến tháng 6. Vì vậy, mưa và lũ Tiểu mãn ở khu vực miền trung có tác động rất tốt cho sản xuất nông nghiệp, tạo nguồn nước đáng kể cho hệ thống sông suối, hồ đập, đáp ứng nhu cầu về nước cho sản xuất và sinh hoạt trong vùng.

Do hoạt động của các hình thế thời tiết gây ra lũ Tiểu mãn thường biến động khác nhau giữa các năm, cho nên có năm mưa lớn, lũ lớn; có năm mưa nhỏ sinh lũ nhỏ, thậm chí có năm không mưa cho nên không có lũ Tiểu mãn. Lũ Tiểu mãn ở Bắc Bộ và Tây Nguyên cao hơn nhiều so với ở khu vực Trung Bộ. Tần suất xuất hiện lũ Tiểu mãn trên các sông ở Bắc Bộ và Tây Nguyên là 80-90%, khu vực Bắc Trung Bộ 70%, Trung Trung Bộ 50-75%. Những ngày giữa tháng 5 vừa qua, các tỉnh thuộc Bắc Bộ đã có những đợt mưa vừa, vùng Tây Nguyên và khu vực Trung Bộ đã có mưa to ở nhiều nơi, chấm dứt tình trạng hạn hán và khan hiếm nước ở khu vực này, kể cả các tỉnh bị hạn nghiêm trọng như Ninh Thuận, Bình Thuận.

Theo quy luật của lũ Tiểu mãn, mà công tác tu bổ đê điều ở các tỉnh phía bắc từ Hà Tĩnh trở ra đã xác định được thời hạn phải thi công kè, cống dưới đê xong trước ngày 1-5, đắp đê phải xong trước ngày 1-6 hằng năm. Thời hạn quy định này đã được nhiều địa phương thực hiện tốt trong những năm vừa qua. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân vẫn còn một số địa phương chưa hoàn thành các hạng mục tu bổ đê điều đúng thời hạn quy định. Ngành khí tượng - thủy văn dự báo, trong mùa mưa năm nay, nước ta có khả năng chịu ảnh hưởng của hiện tượng La Ni-na, tổng lượng mưa và mức lũ các triền sông ở nhiều khu vực sẽ cao hơn năm ngoái, có khoảng 4-6 cơn bão, áp thấp nhiệt đới sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Vì vậy, công tác tu bổ đê điều và PCLB cần được các địa phương hết sức quan tâm. Năm nay là năm đầu thực hiện phân cấp quản lý nguồn vốn và các thủ tục tu bổ đê, kè, cống cho các địa phương, cho nên không ít tỉnh, thành phố gặp khó khăn, lúng túng trong việc triển khai thực hiện các thủ tục trong xây dựng cơ bản, dẫn đến tình trạng nhiều hạng mục thi công rất chậm so với yêu cầu.

Mùa mưa bão đã đến gần, các địa phương cần khẩn trương khắc phục khó khăn, tháo gỡ những vướng mắc về vốn, giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục, nhất là phải nhanh chóng hoàn thành xây dựng kè, cống, đắp đê trước lũ Tiểu mãn.