Trước khi chính thức công chiếu, “Lửa Phật” được báo giới quan tâm khá nhiều, bởi bộ phim đánh dấu sự tái hợp của bộ đôi hành động Dustin Nguyễn và Ngô Thanh Vân, cùng ê kíp làm phim chuyên nghiệp, sự góp mặt của Roger Yuan, diễn viên Hollywood, và vì đây là phim giả tưởng (fantasy) đầu tiên của điện ảnh Việt.
Chính Dustin Nguyễn từng chia sẻ: “Đã làm phim, lúc nào cũng phải chịu một áp lực nhất định. Nhưng riêng với “Lửa Phật”, áp lực và thử thách nặng nề hơn nhiều, từ kinh phí, đến những lo lắng về khán giả. Tuy nhiên, nếu sợ thì không bao giờ làm được”.
Trong suốt quá trình làm phim, Dustin Nguyễn có sự hỗ trợ, động viên rất lớn từ gia đình. Cha anh, nghệ sĩ Xuân Phát tham gia một vai phụ trong phim, vai ông chủ quán bar Ánh Trăng. Anh có sự trợ giúp hùng hậu của một ê kíp mạnh như Ngô Thanh Vân, Thái Hòa, Roger Yuan, cho đến quay phim, kỹ thuật… Phim có hình ảnh đẹp, những góc quay đẹp và sáng, kỹ xảo ổn. Đặc biệt, phần võ thuật do Bùi Văn Hải phụ trách đã đem lại cho khán giả những pha hành động mãn nhãn.
Tuy nhiên tất cả những điều đó đều không cứu được điểm yếu, lại nằm ở khâu quan trọng nhất, là kịch bản.
Câu chuyện được xây dựng ở một thời kỳ vô định nào đó, đúng với nghĩa giả tưởng. Một đạo quân tinh nhuệ đã thề bảo vệ đất nước trước giặc ngoại xâm, các chiến binh không được sa ngã vào tình cảm, không được rời khỏi quân ngũ. Tất cả những người trái lời thề đều bị xử tử.
Một chiến binh kỳ cựu tên Đạo được giao nhiệm vụ đi tìm tất cả những người đào ngũ để xử tử, trong đó có người yêu cũ của anh, cô Ánh. Tuy nhiên, chi tiết “phụng sự đất nước”, với lời thề vô cùng quan trọng, nhẽ ra phải trở thành một sợi dây xuyên suốt, thì ở “Lửa Phật”, nó gần như vô hình, thi thoảng được nhắc lại bởi lời của các nhân vật. Kẻ thù, hay giặc ngoại xâm, hoàn toàn vắng bóng trong toàn bộ câu chuyện. Mà thay vào đó, là các màn rượt đuổi, thanh toán nhau đúng nghĩa “nồi da nấu thịt” của chính các chiến binh, không vì một lý lẽ thuyết phục nào cả.
Nhân vật Đạo, hình ảnh đầu phim được xây dựng rất “sáng”, với những suy tư mang nét triết lý đạo Phật, nhưng xuyên suốt bộ phim lại hành xử ngược lại với tư duy đó và với chính cái tên của mình. Đặc biệt, hành động láu cá của nhân vật Đạo khi được cô câm cứu giúp đã phá hỏng toàn bộ những ý định tốt đẹp của đạo diễn khi xây dựng nhân vật này.
Người đáng lẽ ra phải diễn tốt, như khả năng vốn có, là Dustin Nguyễn, lại tỏ ra luẩn quẩn, cũng bởi vì một lý do kịch bản yếu.
Được biết, bộ phim được đầu tư số vốn là 1,5 triệu USD (nhà sản xuất công bố). Tuy nhiên, chính vì ôm đồm quá, cái gì cũng có, từ hài, hành động, giả tưởng, sex cho đến tâm lý, cho nên nguyên thời lượng một tiếng rưỡi đồng hồ cũng không giúp khán giả hiểu được thông điệp của phim.
Về quảng cáo, công bằng mà nói “Lửa Phật” không phải là phim đầu tiên đưa nhà tài trợ vào thông qua sản phẩm. Cái dở của “Lửa Phật” là thô vụng và quá đà trong việc sử dụng hình ảnh rượu Jonny Walker dẫn đến phản cảm. Những phân đoạn Đạo hay Long ngồi uống rượu, khen “whisky ngon” trước khi đánh nhau, đều thừa. Nếu những người làm phim tỉnh táo, có lẽ bộ phim đã không vấp phải sự phản ứng dữ dội của dư luận.
Song, câu hỏi đặt ra là Hội đồng thẩm định khi duyệt phim đã không có thành viên nào có ý kiến về quảng cáo rượu. Cục Điện ảnh cho biết, đã yêu cầu Hãng phim giải trình về vấn đề này, và đang phối hợp với thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét và sẽ sớm có quyết định cuối cùng.
Trước khi công chiếu, “Lửa Phật” từng được kỳ vọng là một trong những điểm sáng của phim Việt trong năm nay.
Thế nhưng, với những gì đã thể hiện, “Lửa Phật” có vẻ đang chới với.
![]() |
Nghệ sĩ Xuân Phát, cha của Dustin Nguyễn, trong vai chủ quán bar (ngồi giữa hai cô gái).
![]() |
Chai rượu xuất hiện khá nhiều trong phim.
![]() |
Ben thể hiện rất tốt nhân vật Hùng, con trai của Ánh.