Ngày 17/6, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua Luật số 76/2025/QH15 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, với tỷ lệ tán thành rất cao 95,19% (455/457 đại biểu), có hiệu lực từ ngày 1/7. Điểm nhấn quan trọng là khoản 2 và khoản 3 Điều 17 quy định: cán bộ, công chức, viên chức không được quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, điều hành doanh nghiệp.
Luật còn yêu cầu doanh nghiệp phải khai báo và lưu giữ thông tin về “chủ sở hữu hưởng lợi”, nghĩa là những cá nhân có quyền hưởng lợi thực tế từ phần vốn, nhằm ngăn chặn tình trạng mượn danh, đứng tên hộ để trốn tránh trách nhiệm pháp lý. Kể từ ngày 1/7, các doanh nghiệp thành lập mới và cả doanh nghiệp có thay đổi đăng ký phải cập nhật thông tin này.
Theo nhận định của Luật sư Nguyễn Xuân Dũng (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội): “Quy định này hoàn toàn tương thích với Luật Cán bộ-Công chức và Luật Viên chức, vốn cấm cán bộ 'lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham gia sản xuất, kinh doanh, thành lập, góp vốn, quản lý doanh nghiệp'. Việc tích hợp vào Luật Doanh nghiệp là bước cuối để bịt kín kẽ hở pháp lý. Sự bổ sung thống nhất này sẽ bịt kín kẽ hở lợi dụng quyền lực để làm kinh tế tư nhân, tránh hiện tượng 'vừa đá bóng vừa thổi còi' vốn gây bức xúc xã hội lâu nay”.
Cán bộ, công chức có được “chơi chứng khoán”?
Không ít ý kiến bạn đọc băn khoăn: khi cổ phiếu thực chất cũng đại diện cho phần sở hữu doanh nghiệp, thì công chức có được tham gia đầu tư chứng khoán hay không?
Theo ông Đinh Thái Quang, Phó Chủ tịch Hội Phổ biến và Tham vấn pháp luật Việt Nam: "Luật Doanh nghiệp sửa đổi năm 2025 (số 76/2025/QH15), có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, đã quy định rõ cán bộ, công chức, viên chức không được thành lập, góp vốn, mua cổ phần hoặc điều hành doanh nghiệp. Về nguyên tắc, cổ phiếu chính là chứng nhận quyền sở hữu cổ phần trong công ty cổ phần (theo Điều 120 Luật Chứng khoán 2019), nên việc mua cổ phiếu cũng đồng nghĩa sở hữu cổ phần và không được phép thực hiện. Quy định này áp dụng cho mọi loại hình doanh nghiệp, kể cả công ty niêm yết hay chưa niêm yết".
Nói cách khác, cán bộ, công chức sẽ không được “chơi chứng khoán” nếu hiểu là mua bán cổ phiếu. Đây là điểm rất đáng lưu ý, bởi thực tế nhiều công chức từng đầu tư cổ phiếu để sinh lời, dù vẫn nắm quyền quản lý lĩnh vực có liên quan. Với quy định mới, hành vi này đã chính thức bị cấm.
Tuy nhiên, luật hiện chưa có điều khoản nào cấm công chức đầu tư vào các loại chứng khoán khác như trái phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền, bởi chúng không được coi là hình thức góp vốn cổ phần. Dù vậy, theo ông Đinh Thái Quang: "Một số chuyên gia cũng cảnh báo việc công chức mua chứng chỉ quỹ ETF (có tỷ lệ đầu tư lớn vào cổ phiếu) có thể dẫn đến xung đột lợi ích gián tiếp, bởi ETF vẫn gắn với danh mục cổ phần của nhiều doanh nghiệp. Hiện chưa có hướng dẫn cụ thể để kiểm soát ranh giới này, nên rất cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện pháp luật nhằm bảo đảm minh bạch, phòng ngừa việc lợi dụng kẽ hở".
Lý do phải cấm công chức sở hữu cổ phần
Theo Luật sư Nguyễn An Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn An Bình và cộng sự (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội): "Công chức là người ban hành và thực thi pháp luật, nếu đồng thời là cổ đông doanh nghiệp sẽ khó tránh xung đột lợi ích, thậm chí nảy sinh tiêu cực để tạo lợi thế ngầm cho công ty mà họ sở hữu. Do đó, việc cấm công chức nắm giữ cổ phần là hết sức cần thiết".

Tiến sĩ Tạ Ngọc Hải, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước (Bộ Nội vụ), cho rằng: "Cấm công chức sở hữu cổ phần cũng chính là một biện pháp phòng ngừa tham nhũng từ gốc, bởi cổ phần mang lại lợi nhuận lâu dài, dễ trở thành động lực tiếp tay cho doanh nghiệp trục lợi, đặc biệt trong các lĩnh vực nhạy cảm như đất đai, đầu tư công, môi trường, nông nghiệp".
Bà Đinh Thị Thao, Bí thư Chi bộ 5, Đảng ủy phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), bày tỏ đồng tình với quy định này, vì cho rằng nó tạo ra nền tảng minh bạch, củng cố niềm tin của xã hội vào bộ máy công quyền. "Công chức là người phục vụ cộng đồng, không nên đặt lợi ích tài chính riêng lên trên nhiệm vụ công vụ". Bà Thao cũng hoan nghênh việc luật bổ sung nghĩa vụ khai báo chủ sở hữu hưởng lợi để ngăn ngừa tình trạng đứng tên hộ, che giấu cổ phần nhằm lách quy định.
Ngoại lệ góp vốn và kẽ hở đầu tư gián tiếp - cần hàng rào kiểm soát
Một điểm đáng chú ý là Luật sửa đổi cho phép ngoại lệ đối với cán bộ, công chức tham gia góp vốn, điều hành doanh nghiệp trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Lý do là Nhà nước muốn khuyến khích chuyển giao tri thức, thương mại hóa kết quả nghiên cứu và thúc đẩy kinh tế số.
Tuy nhiên, Luật sư Nguyễn Phú Thắng, Công ty Luật Intercode (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), cảnh báo rằng: "Nếu thiếu hướng dẫn rõ ràng, phạm vi ngoại lệ này rất dễ bị lợi dụng, biến thành 'bình phong' để công chức tiếp tục đầu tư tư nhân. Vì vậy, cùng với việc khuyến khích, cần có quy định kiểm tra, giám sát và hậu kiểm nghiêm ngặt để tránh ưu đãi bị biến tướng".
Theo các luật sư phân tích, Luật mới hiện chỉ cấm công chức trực tiếp sở hữu cổ phần, chưa đề cập cụ thể đến đầu tư gián tiếp qua quỹ mở, ETF hay trái phiếu doanh nghiệp. Trong khi đó, nhiều quỹ đầu tư vẫn nắm giữ danh mục cổ phiếu, dẫn đến khả năng công chức tuy không trực tiếp đứng tên cổ đông nhưng vẫn gián tiếp hưởng lợi nhuận từ cổ phần.

Cần biện pháp phòng ngừa xung đột lợi ích khi cho viên chức tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp
Tương tự, việc công chức mua trái phiếu riêng lẻ cũng tiềm ẩn rủi ro. Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh, chuyên gia tài chính thuộc Công ty Pháp lý Truyền thông Việt, phân tích: “Luật mới siết điều kiện phát hành trái phiếu riêng lẻ, nhưng chưa cấm công chức mua trái phiếu, dẫn đến nguy cơ cán bộ có thể sử dụng thông tin nội bộ để đầu tư vào doanh nghiệp mà mình quản lý”.
Khoảng trống này rất cần được cơ quan chức năng sớm hướng dẫn và luật hóa để tránh lách quy định, đồng thời bảo đảm tính minh bạch và giám sát quyền lực trong bộ máy nhà nước.
Theo Tiến sĩ Tạ Ngọc Hải, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước (Bộ Nội vụ): "Việc cấm công chức sở hữu cổ phần trong doanh nghiệp là bước đi cần thiết nhằm ngăn chặn xung đột lợi ích và phòng ngừa tham nhũng. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành có thể phát sinh những nguy cơ đáng lo ngại nếu không được giám sát chặt chẽ".
Để tránh những lỗ hổng có thể bị lợi dụng, Tiến sĩ Tạ Ngọc Hải cho rằng: “Cần triển khai cơ chế kê khai tài sản thực chất, hiệu quả hơn, đồng thời tiến hành một cuộc cách mạng về chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức gắn với chế độ tiền lương hợp lý, mở rộng phạm vi kiểm soát đến cả người thân của công chức, không chỉ dừng lại ở bản thân cán bộ. Ngoài ra, nên bổ sung quy định minh bạch danh mục đầu tư của các quỹ, ETF nếu tỷ lệ cổ phiếu chiếm ưu thế, cũng như tăng cường giám sát hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp thuộc lĩnh vực do công chức quản lý”.
Luật sư Nguyễn Xuân Dũng (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) phân tích thêm: “Luật hiện nay chủ yếu cấm công chức trực tiếp sở hữu cổ phần, nhưng chưa đề cập cụ thể tới kênh đầu tư gián tiếp thông qua các quỹ, ETF hay trái phiếu doanh nghiệp. Trong thực tế, nhiều quỹ đầu tư vẫn nắm giữ danh mục cổ phiếu, dẫn đến việc công chức tuy không trực tiếp đứng tên cổ đông, nhưng lại gián tiếp hưởng lợi nhuận từ cổ phần”.
Luật đã siết điều kiện phát hành trái phiếu riêng lẻ, nhưng không cấm công chức mua trái phiếu, dẫn đến nguy cơ một số cán bộ có thể lợi dụng thông tin nội bộ để đầu tư vào doanh nghiệp mà mình quản lý. Đây là khoảng trống pháp lý cần sớm được khắc phục.
Luật sư Nguyễn Xuân Dũng (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội)
Tương tự, việc công chức mua trái phiếu riêng lẻ cũng có thể trở thành kẽ hở. Luật sư Dũng chỉ rõ: “Luật đã siết điều kiện phát hành trái phiếu riêng lẻ, nhưng không cấm công chức mua trái phiếu, dẫn đến nguy cơ một số cán bộ có thể lợi dụng thông tin nội bộ để đầu tư vào doanh nghiệp mà mình quản lý. Đây là khoảng trống pháp lý cần sớm được khắc phục”.
Để tránh những lỗ hổng có thể bị lợi dụng, Tiến sĩ Tạ Ngọc Hải cho rằng: “Cần triển khai kê khai tài sản thực chất hơn, hiệu quả hơn cách mạng về chất lượng cán bộ, công chức cùng với chế độ tiền lương đến người thân của công chức, không chỉ dừng ở bản thân cán bộ. Bên cạnh đó, nên bổ sung quy định về minh bạch danh mục đầu tư quỹ, ETF nếu trong đó có tỷ lệ cổ phiếu chiếm ưu thế, cũng như giám sát chặt chẽ hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp, nhất là với doanh nghiệp thuộc lĩnh vực do công chức quản lý”.
Cả hai chuyên gia đều thống nhất rằng việc thực hiện hậu kiểm cần được tăng cường, đặc biệt với các trường hợp ngoại lệ trong khoa học - công nghệ, để bảo đảm đúng mục tiêu khuyến khích đổi mới sáng tạo nhưng không biến thành kẽ hở cho lợi ích nhóm.
Ngoài ra, kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy phải song hành công khai tài sản của người thân, minh bạch danh mục chứng khoán đầu tư, đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm hành vi khai báo không trung thực. Luật cũng nên tiếp tục rà soát các sản phẩm tài chính mới như chứng chỉ quỹ, trái phiếu phái sinh, để bịt kín mọi kẽ hở có thể phát sinh trong tương lai.
Ở góc nhìn rộng hơn, Tiến sĩ Tạ Ngọc Hải cho rằng vấn đề sở hữu cổ phần của công chức không chỉ là chuyện kinh tế, mà còn liên quan đến đạo đức công vụ và sự trong sạch của bộ máy hành chính: “Về bản chất, cán bộ, công chức là người thực thi quyền lực Nhà nước, phục vụ nhân dân. Việc cấm họ đầu tư cổ phiếu là một bước quan trọng để củng cố niềm tin của xã hội, bởi đã có không ít vụ việc tham nhũng, lợi ích nhóm xuất phát từ việc công chức kiêm nhiệm kinh doanh, lợi dụng thông tin mật hoặc tác động chính sách vì lợi ích cổ phần.
Quy định này được xem như 'bước đột phá' về phòng chống tham nhũng, bảo vệ kỷ cương phép nước và hướng đến một nền hành chính công liêm chính, phục vụ người dân. Dĩ nhiên, luật chỉ có thể thành công nếu đi đôi với giám sát thực thi nghiêm túc, có cơ chế xử phạt rõ ràng và tránh những ngoại lệ bị lợi dụng”.
Với quyết tâm cao, cùng kinh nghiệm từ các quốc gia đã triển khai các biện pháp phòng ngừa tương tự, Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để xây dựng một môi trường minh bạch, công bằng, nơi cán bộ, công chức thật sự là công bộc của nhân dân, không bị chi phối bởi lợi ích riêng.