SẢN PHẨM THÂN THIỆN VỚI MÔI TRƯỜNG
Sáng đầu tuần, trước hiên nhà của chị Nguyễn Thị Hồng Lan (Tổ 8, Thôn 1, xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu) đã rộn rã tiếng cười nói. Các chị trong xóm sau khi chợ búa, lo cho con cái đi học xong, tập trung về nhà chị Lan cùng đan lục bình.
Chị Trương Thị Thuận (tổ viên) còn bận nguyên chiếc áo khoác chống nắng đã vội vàng xắn tay đan lục bình. Chỉ khoảng ba giờ sau, một chiếc giỏ xách xinh xắn đã được hoàn thiện. Chị Thuận cho hay: Đan lục bình không khó nhưng đòi hỏi người làm phải tỉ mỉ, chịu khó. Trước đây, chị học ba đến năm ngày là có thể đan được. Ban đầu, chỉ đan một số sản phẩm đơn giản, như: lọ cắm bút, khay đựng kẹo, thảm lót nồi, lót ly… nhưng chỉ một thời gian ngắn, chị đã có thể đan được những sản phẩm khó hơn như túi xách, nón, dép… “Giờ tui mê đan lục bình lắm, thân cây nó mềm mại, dai và rất chắc chắn. Từ ngày biết đan lục bình, gia đình tôi cũng dùng luôn các sản phẩm này, vừa đẹp, vừa thân thiện với môi trường, mà lại có độ bền cao…”, chị Thuận nói.
Ngồi phía ngoài, chị Hồng Lan dùng một chân giữ cố định múi đan, hai tay thoăn thoắt, vắt chéo cọng lục bình bên này rồi lại đan ngược sang bên kia. Vừa làm, chị Lan vừa chia sẻ, hiện lục bình có ba kiểu đan cơ bản, kiểu thứ nhất là đan hạt gạo, hay còn gọi là đan mắt na; kiểu thứ hai là đan xương cá và kiểu thứ ba là đan rối, hay còn gọi là đan nhện. Mỗi kiểu đan thích hợp với mỗi loại sản phẩm khác nhau.
Các sản phẩm được đan từ lục bình không nhuộm mầu, mà để mầu tự nhiên của lục bình sau khi đã sơ chế. Qua bàn tay khéo léo của các chị, những cọng lục bình khô trở thành những sản phẩm đồ gia dụng, thời trang phong phú với nhiều hình dáng, kích cỡ tiện ích, như: giỏ, rổ, túi đeo, mũ vành, bình, dép…
Chị Lan cho biết thêm: Hơn bảy năm về trước, chị đã “bén duyên” với lục bình. Với khoảng ao trước nhà, chị quyết định trồng lục bình và biến nó thành những sản phẩm hữu ích. Những ngày đầu khó khăn, nhưng bằng sự quyết tâm và óc sáng tạo, chị Lan đã mang đến cho lục bình một “đời sống” mới, không chỉ có giá trị kinh tế mà còn thân thiện với môi trường. Hiện, các sản phẩm từ lục bình có giá bán từ 50.000 đến 350.000 đồng/ sản phẩm.
SINH KẾ MỚI CHO NGƯỜI DÂN
Các sản phẩm từ lục bình ngày càng trở thành xu hướng trong trang trí nhà cửa và làm quà tặng nhờ vẻ đẹp mộc mạc, tinh tế, đặc biệt là sự thân thiện với môi trường. Nhiều công ty đã tham gia quá trình từ sản xuất đến cung ứng các sản phẩm làm từ lục bình, không chỉ bán trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài.
Là người có kinh nghiệm đan lục bình, năm 2023, chị Hồng Lan đã thành lập Tổ hợp tác đan lục bình Hồng Lan-Long Sơn để giúp chị em phụ nữ tại xã Long Sơn có thêm công việc, thêm thu nhập lúc nhàn rỗi. Tổ hợp tác đã ký kết với một số công ty, được họ cung cấp khung đan, nguồn nguyên liệu để làm tại nhà, sau đó thu gom và đưa thành phẩm ra thị trường.
Qua hơn một năm đi vào hoạt động, Tổ hợp tác đan lục bình Hồng Lan-Long Sơn đã tạo việc làm và nguồn thu nhập ổn định cho gần 15 lao động thường xuyên với mức thu nhập từ 3-5 triệu đồng/người/tháng, trong khi các chị vẫn có thời gian chăm sóc gia đình…
Chị Phan Thanh Nguyên (32 tuổi) nhà ở Thôn 1, xã Long Sơn cho biết: Trước đây chị chỉ ở nhà loanh quanh chợ búa, cơm nước, đưa đón con đi học. Hơn tám tháng tham gia Tổ hợp tác đan lục bình Hồng Lan-Long Sơn, chị vừa có thêm nghề trong tay, lại có thêm thu nhập phụ giúp gia đình. “Tui mới học nghề, làm còn chậm, làm ít chứ các chị trong tổ hợp tác kiếm mỗi tháng 4 đến 5 triệu đồng khỏe re, mà vẫn còn nhiều thời gian lo cho con cái, gia đình”, chị Nguyên nói.
Theo đồng chí Lữ Sỹ Phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Long Sơn, nghề đan lục bình hình thành tại xã Long Sơn đã hơn 20 năm, tuy nhiên chỉ là tự phát, người dân tự dạy nghề cho nhau. Để nâng cao tay nghề và có đầu ra ổn định hơn, Công ty Tổ hợp hóa dầu Long Sơn (LSP) đã hỗ trợ chi phí đào tạo nghề cũng như kết nối quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Chị Trương Thị Thuận (ngụ Tổ 1, Thôn 1, xã Long Sơn) cho hay: Cách đây bốn năm, chị được Công ty Tổ hợp hóa dầu Long Sơn (LSP) tài trợ toàn bộ chi phí học nghề đan lục bình. Sau đó, chị gia nhập Tổ phụ nữ đan lát lục bình do Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Long Sơn thành lập. Từ ngày được học nghề, chị có thêm công việc những lúc nhàn rỗi, nhưng vẫn chu toàn bổn phận nội trợ.
Xu hướng tiêu dùng “xanh” ngày càng hướng đến sự thân thiện với môi trường, sản phẩm từ lục bình trở thành lựa chọn của nhiều người, đặc biệt ở các đô thị phát triển. Không chỉ giúp người dân cải thiện cuộc sống, mà nghề đan lục bình còn góp phần bảo tồn và phát huy nghề truyền thống, đồng thời đáp ứng nhu cầu tiêu dùng bền vững của thị trường trong và ngoài nước .