Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta trở thành cuộc đọ sức điển hình, vô cùng quyết liệt giữa cách mạng và phản cách mạng trên thế giới, là cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc mang tính chất thời đại sâu sắc, là cuộc chiến tranh cứu nước dài ngày nhất, ác liệt và phức tạp nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta.
Ôn lại lịch sử, chúng ta biết rằng, tiếp theo chiến thắng của ta ở Ðiện Biên Phủ, ngày 20-7-1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, nhân dân ta đã nghiêm chỉnh chấp hành lệnh ngưng bắn, lực lượng vũ trang thực hiện tập kết về nơi quy định trước khi xuống tàu ra Bắc. Thế nhưng, Hiệp định Giơ-ne-vơ vừa được ký thì ngay tại bùng binh chợ Bến Thành, kẻ thù đã nổ súng đàn áp cuộc biểu tình mừng hòa bình của hơn một vạn dân thành phố Sài Gòn. Tiếp đó là những đợt 'tố cộng', 'diệt cộng', ra luật 10/59, đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật, lê máy chém đi khắp nơi để giết những người yêu nước. Trước tình hình đó, nhiều nơi ở miền Nam, nhân dân ta đã nổi dậy diệt ác ôn, giành chính quyền, làm chủ ấp xã. Thực tiễn đó đã giúp cho Ðảng suy tính về mưu lược. Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời đúng vào lúc mưu lược của Ðảng về công cuộc giải phóng miền Nam đã được xác định hoàn chỉnh.
Nội dung chủ yếu của mưu lược đó là:
- Xác định rõ, miền Bắc và miền Nam có chiến lược cách mạng riêng, nhưng đều có nhiệm vụ chung là chống đế quốc Mỹ và tay sai, trong đó cách mạng miền Nam có tác dụng 'quyết định trực tiếp' đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam, cách mạng ở miền Bắc có tác dụng 'quyết định nhất' đối với sự phát triển của cách mạng cả nước, cần phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc kết hợp với sức mạnh đoàn kết quốc tế.
- Miền Bắc phải dựa vào tuyên bố chung ở Hội nghị Giơ-ne-vơ, là cơ sở pháp lý quốc tế, để đấu tranh về chính trị và ngoại giao. Miền Nam đấu tranh bằng bạo lực chính trị kết hợp với tấn công về quân sự tiến tới tổng công kích, tổng khởi nghĩa, nhưng phải giữ thế 'tức nước vỡ bờ'.
Mục tiêu của cuộc kháng chiến là phải đánh bại cả Mỹ lẫn ngụy nhưng trước tiên phải đánh cho Mỹ cút, sau đó mới làm cho ngụy nhào, chuẩn bị tinh thần đánh lâu dài nhưng phải tạo thời cơ và tranh thủ thời cơ để giành thắng lợi trong thời gian tương đối ngắn, đánh đổ địch từng bước, giành thắng lợi từng phần, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn, kết hợp tư tưởng chiến lược trường kỳ của Lê Lợi với lối đánh thần tốc của Quang Trung, đưa văn hóa bốn ngàn năm của dân tộc ra trận.
- Ở miền Nam cần phải xây dựng lực lượng và phát động phong trào đấu tranh ở cả ba vùng chiến lược: vùng rừng núi, vùng đồng bằng và vùng đô thị, nhất là đô thị Sài Gòn, tiến hành đấu tranh vũ trang, đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh ngoại giao và làm công tác binh địch vận. Về lực lượng vũ trang cần xây dựng quân chủ lực, với lực lượng biệt động đặc công, cùng với bộ đội địa phương và dân quân du kích, chú trọng phát huy thế trận lòng dân và xây dựng căn cứ kháng chiến.
- Ở miền Nam, cần phải tổ chức ra Trung ương Cục Miền Nam để thực hiện sự lãnh đạo của Ðảng, nhưng với danh xưng là Ban lãnh đạo của Ðảng Nhân dân cách mạng miền Nam Việt Nam. Ðảng Nhân dân cách mạng miền Nam Việt Nam có điều lệ riêng. Tổ chức Ðoàn Thanh niên Cộng sản cùng lấy tên là Ðoàn Thanh niên nhân dân cách mạng miền Nam Việt Nam, có điều lệ riêng.
- Miền Nam có tổ chức Mặt trận riêng, có nhân sự tiêu biểu phải là người tại chỗ có uy tín đối với nhân dân, công khai hoạt động như là một Mặt trận độc lập. Ðảng Nhân dân cách mạng miền Nam Việt Nam là một thành viên của Mặt trận. Các lực lượng vũ trang cách mạng cũng thuộc Mặt trận.
Ngày 20-12-1960, tại xã Tân Lập, huyện Châu Thành thuộc vùng giải phóng tỉnh Tây Ninh, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập có thành phần rộng rãi bao gồm đại biểu các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo ở miền Nam, với chương trình mười điểm:
1. Ðánh đổ chế độ thuộc địa trá hình của đế quốc Mỹ và chính quyền độc tài Ngô Ðình Diệm, tay sai của Mỹ, thành lập chính quyền liên minh dân tộc dân chủ.
2. Thực hiện chế độ dân chủ rộng rãi và tiến bộ.
3. ... Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, thực hiện cải thiện dân sinh.
4. Thực hiện giảm tô, tiến tới giải quyết vấn đề ruộng đất cho nông dân làm cho người cày có ruộng.
5. Xây dựng nền văn hóa giáo dục dân tộc dân chủ.
6. Xây dựng một quân đội bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân.
7. Thực hiện dân tộc bình đẳng, nam nữ bình quyền, bảo hộ quyền lợi chính đáng của ngoại kiều và kiều bào.
8. Thực hiện chính sách ngoại giao hòa bình trung lập.
9. Lập lại quan hệ bình thường giữa hai miền, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc.
10. Chống chiến tranh xâm lược, tích cực bảo vệ hòa bình thế giới.
Sau ngày được giải thoát khỏi nơi bị địch quản thúc tại Tuy Hòa (Phú Yên), Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, một vị trí thức có uy tín lớn, được Ủy ban Trung ương Mặt trận trong kỳ họp tháng 2-1962 bầu làm Chủ tịch.
Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam có cờ mặt trận và có bài hát mặt trận, có thông tấn xã giải phóng (LPA=Libération Press Agency), có đài phát thanh Giải phóng, có Báo Giải phóng, có vùng căn cứ ở Bắc Tây Ninh, có đường dây liên lạc đến các nơi bằng vô tuyến điện, đường bộ...
Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam coi tự do, dân chủ, cải thiện dân sinh, hòa bình trung lập là những mục tiêu để thu hút rộng rãi các tầng lớp nhân dân. Tiếp theo sự ra đời của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, còn có 'Mặt trận liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam', do Luật sư Trịnh Ðình Thảo làm Chủ tịch. Ngoài ra, còn có các hội, nhóm độc lập của những người có cảm tình với Mặt trận, thậm chí có cả phần tử thân Pháp, phần tử không chống Mỹ triệt để nhưng có khuynh hướng chủ hòa cũng được vận động hướng về Mặt trận.
Trước khi Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra đời, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tồn tại và phát triển với tư cách là chính quyền cách mạng ở các vùng giải phóng, là đại diện cho chính quyền cách mạng ngay trong các vùng địch tạm kiểm soát. Mặt trận có cơ quan đại diện ở Hà Nội, ở Phnôm Pênh và một số nước. Nhiều nhà báo Trung Quốc, Liên Xô, Pháp, Ba Lan, Ô-xtrây-li-a... đã tiếp xúc với Mặt trận và tuyên truyền cho Mặt trận. Ðặc biệt, Cu-ba còn lập Ðại sứ bên cạnh Mặt trận. Mặt trận đã góp phần hình thành trên thực tế liên minh ba nước Ðông Dương cùng chống đế quốc Mỹ và tranh thủ nhân dân toàn thế giới ủng hộ Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược, trong đó có phong trào yêu nước của Việt kiều, phong trào phản chiến rất quyết liệt ở Mỹ.
Ðại biểu của Mặt trận đã tham gia cuộc đàm phán bốn bên ở Pa-ri trong bốn năm, đến ngày 27-1-1973, Mỹ buộc phải chấp nhận hiệu lực của Hiệp định Pa-ri về Việt Nam, chịu rút toàn bộ quân đội Mỹ ra khỏi Việt Nam.
Ngày 30-4-1975, cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam phấp phới tung bay trên nóc dinh Tổng thống Sài Gòn, chính quyền Sài Gòn theo đế quốc Mỹ hoàn toàn bị sụp đổ, đánh dấu sự toàn thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Thắng lợi đó cho thấy rõ vai trò của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đối với công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, được thực hiện theo mưu lược của Ðảng Cộng sản Việt Nam là vô cùng to lớn. Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời và tồn tại trong 15 năm là một sự kiện đặc biệt, một sự kiện trung tâm trong trang sử chống Mỹ, cứu nước vô cùng oanh liệt của dân tộc ta.