Ni sư Hương Tràng là một trong hai vở diễn của Nhà hát Cải lương Việt Nam dàn dựng theo đơn đặt hàng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Được đạo diễn bởi NSƯT Triệu Trung Kiên dựa trên kịch bản của TS Bùi Hữu Dược, vở cải lương khắc họa cuộc đời công chúa Huyền Trân, con gái Đức vua Trần Nhân Tông. Bà là một nhà sư xuất thân từ công chúa cành vàng lá ngọc, một hoàng hậu đệ nhất chánh cung kiêu sa và là một ni sư lấy đạo để tạo đời. Dù ở cương vị nào, hình ảnh của bà cũng lung linh tỏa sáng. Công hạnh của công chúa Huyền Trân, người con gái Đại Việt vì nghĩa lớn đã góp phần viết nên trang sử đẹp nhất về đức hy sinh, tình yêu tha thiết, lòng nhân ái, khoan dung; và đi vào lịch sử như một điển hình đẹp về người phụ nữ Việt Nam. Thông qua mối duyên trời định giữa bậc quân vương Chiêm Quốc - Chế Mân với công chúa Đại Việt - Trần Huyền Trân, vở diễn còn cho thấy bối cảnh lịch sử của nước Đại Việt trong mối quan hệ đa chiều với các nước lân bang cùng nhiều sự kiện lịch sử bi tráng. Tái hiện lịch sử xưa, vở diễn muốn gửi đi thông điệp tới mỗi người dân Việt Nam hôm nay phải luôn ý thức được trách nhiệm của mình trong việc góp phần xây dựng một đất nước vững mạnh trên nền tảng độc lập, tự chủ, tự cường.
TS Bùi Hữu Dược, tác giả kịch bản cho biết: Hình tượng công chúa Huyền Trân đã trở thành cảm hứng sáng tạo cho nhiều loại hình thi ca nghệ thuật, trong đó có sân khấu. “Tôi lấy tên tác phẩm là Ni sư Hương Tràng để khắc họa rõ nét hơn vẻ đẹp của bà, có ý nghĩa là hương của đất Tràng An - Thăng Long, nơi sinh ra và lớn lên của một vị công chúa tài sắc triều Trần. Được gả cho vua Chế Mân, làm dâu đất Chiêm Thành, sau khi chồng mất, bà trở về Đại Việt, vào chùa đi tu. Pháp danh Ni sư Hương Tràng gắn với bà từ khi xuất gia tới cuối đời và tới nay, bà vẫn là nguồn cảm hứng cho các nghệ sĩ sáng tạo.
Đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên cho hay, để làm mới tác phẩm, ê-kíp thực hiện không đi sâu lý giải những ẩn khuất lịch sử giai đoạn này vì đã có nhiều giai thoại mà tập trung thể hiện bằng những lát cắt lịch sử chuẩn xác, hợp lý theo tư tưởng đạo đức văn hóa Phật giáo để công chúng có thể tiếp cận lịch sử ở góc nhìn nhân văn. Qua đó, vở diễn làm sáng bừng những nhân cách đẹp: từ vua Trần Nhân Tông, Chế Mân tới Trần Khắc Chung, nhất là công chúa Huyền Trân. Bố cục vở diễn hợp lý, phục trang bắt mắt, âm nhạc, mỹ thuật sân khấu được đầu tư công phu, có sự lồng ghép nhiều yếu tố mang đậm nét văn hóa Chăm-pa. Bên cạnh những tình tiết lịch sử hấp dẫn, có tính phát hiện mới, vở Ni sư Hương Tràng đã thật sự mãn nhãn người xem bởi tính thẩm mỹ cùng nhiều chi tiết thấm đẫm tình người.