Nam Định thúc đẩy chuyển đổi số trong giai đoạn mới

Với mục tiêu nâng cao chất lượng sống của người dân, tạo động lực mạnh mẽ, đồng hành cùng đất nước trong kỷ nguyên mới, tỉnh Nam Định đã và đang nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ phận một cửa của xã nông thôn mới thông minh Giao Phong, huyện Giao Thủy (Nam Định).
Bộ phận một cửa của xã nông thôn mới thông minh Giao Phong, huyện Giao Thủy (Nam Định).

Đồng chí Vũ Trọng Quế, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Những năm qua, tỉnh Nam Định đạt nhiều bước tiến trong việc ứng dụng khoa học-công nghệ, chuyển đổi số, tạo đòn bẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Đến nay, 100% số cơ quan nhà nước của tỉnh được kết nối với mạng truyền số liệu chuyên dùng chính phủ và internet cáp quang tốc độ cao, bảo đảm đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành và giải quyết công việc. Có 90% số địa bàn tỉnh được phủ sóng điện thoại di động 4G, 5G; 100% số thôn, xóm, tổ dân phố được kết nối với đường internet cáp quang tốc độ cao, bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu của người dân, doanh nghiệp tham gia sử dụng các nền tảng số, ứng dụng số do cơ quan nhà nước cung cấp.

Tỉnh cũng quan tâm triển khai nhiều dự án đầu tư cho chuyển đổi số như: Nâng cấp Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh; xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh (IOC) và nền tảng cơ sở dữ liệu dùng chung, nền tảng dữ liệu mở.

Ngoài hệ thống cơ sở dữ liệu kinh tế-xã hội; cơ sở dữ liệu các ngành, kho dữ liệu điện tử cá nhân của công dân đang được hoàn thiện giúp công dân chủ động quản lý, lưu trữ dữ liệu điện tử cá nhân trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh, bảo đảm phục vụ hiệu quả nhu cầu giao dịch trực tuyến của người dân, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước.

Đến nay, tỉnh Nam Định đã cung cấp 1.761 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần; 100% các quy trình giải quyết thủ tục hành chính được xây dựng quy trình điện tử và công khai trên Hệ thống để người dân, doanh nghiệp có thể giám sát, đánh giá quá trình thực hiện, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng chính quyền số, minh bạch, hiệu quả.

Mạng truyền số liệu chuyên dùng của tỉnh cũng được mở rộng đến tất cả các cơ quan chính quyền ba cấp, bảo đảm về kỹ thuật, an toàn thông tin phục vụ việc kết nối, liên thông bốn cấp (Trung ương, tỉnh, huyện, xã).

Đáng chú ý, triển khai thực hiện Đề án 06, tỉnh Nam Định được đánh giá là điểm sáng trên toàn quốc, là một trong 10 tỉnh, thành phố đầu tiên hoàn thành việc kết nối và khai thác dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; một trong bốn đơn vị dẫn đầu toàn quốc về tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hai nhóm dịch vụ công liên thông (đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ Bảo hiểm y tế; đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí)...

Với nỗ lực, kết quả đạt được, tỉnh Nam Định được xếp hạng 10/63 tỉnh, thành phố về chỉ số xếp hạng chuyển đổi số (DTI Index); chỉ tiêu thành phần về xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số trong bộ chỉ số cải cách hành chính (Par Index) xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, Nam Định cũng được đánh giá là một trong những điểm sáng về triển khai thương mại điện tử, xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố về phát triển thương mại điện tử. Phát triển xã hội số đạt nhiều kết quả nổi trội, hoàn thành việc kích hoạt hơn 1,3 triệu tài khoản định danh điện tử (đạt 156% số chỉ tiêu Bộ Công an giao), là tỉnh thuộc nhóm dẫn đầu toàn quốc về triển khai các tiện ích phục vụ phát triển công dân số.

Kết quả phát triển xã hội số đã góp phần tích cực trong công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, đến nay, tỉnh Nam Định đã có 18 xã hoàn thành việc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu nổi trội về chuyển đổi số; huyện Giao Thủy đang xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu về chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Vũ Trọng Quế cũng cho biết: Tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu trở thành một trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực Đồng bằng sông Hồng; để chuyển đổi số hiệu quả hơn nữa trong kỷ nguyên mới, tỉnh đang tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Thành lập Ban Chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tỉnh do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban Chỉ đạo; ban hành nhiều chương trình, kế hoạch nhằm xác định lộ trình, mục tiêu, giao nhiệm vụ cụ thể về chuyển đổi số cho các ngành, các cấp, các địa phương thuộc tỉnh.

Để tạo đột phá, tỉnh quan tâm phát triển khu công nghiệp công nghệ số. Đến thời điểm hiện tại, Khu công nghiệp Mỹ Thuận trên địa bàn tỉnh đã thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư các dự án phát triển công nghiệp công nghệ cao; đáng chú ý là dự án đầu tư nhà máy sản xuất máy tính quy mô lớn của Tập đoàn Quanta Computer Inc; dự án đầu tư sản xuất máy chiếu của Công ty TNHH International XGIMI.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam- Singapore (VSIP) đầu tư tại Khu công nghiệp Hải Long, huyện Giao Thủy.

Cùng với đó là phấn đấu hoàn thành việc nâng cấp Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh Nam Định, nhằm bảo đảm hạ tầng máy chủ phục vụ việc cài đặt, vận hành các phần mềm, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung và chuyên ngành; chuẩn bị sẵn hạ tầng để sẵn sàng ứng dụng các công nghệ tiên tiến như điện toán đám mây Chính phủ, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), blockchain, và Internet vạn vật (IoT), Nền tảng ứng dụng trên thiết bị di động, phát triển các dịch vụ số, công dân số, văn hóa số...

Đồng thời, tỉnh cũng đôn đốc đẩy nhanh việc chuyển đổi số đối với các ngành, lĩnh vực, bảo đảm hiệu quả, chất lượng cao; trong đó tập trung các nguồn lực để sớm hoàn thành đối với các lĩnh vực ưu tiên thực hiện chuyển đổi số là xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng đô thị thông minh, chuyển đổi số lĩnh vực y tế, giáo dục, tài nguyên và môi trường .