Trên địa bàn tỉnh Nam Định hiện tại dịch bệnh nguy hiểm ở động vật được bảo đảm an toàn, tuy nhiên các mầm bệnh nguy hiểm ở động vật vẫn được phát hiện ngoài môi trường và trong quần thể gia súc, gia cầm; thời tiết diễn biến bất thường ảnh hưởng đến sức đề kháng của đàn vật nuôi, nguy cơ dịch bệnh xuất hiện trong thời gian tới là rất cao.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố nghiêm túc triển khai, chỉ đạo thực hiện tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Thủ tướng chỉ đạo triển khai giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm
Theo đó, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thuộc tỉnh phải kịp thời chỉ đạo, huy động các nguồn lực để phát hiện sớm, xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để bùng phát dịch bệnh; phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, chậm báo cáo dịch, mua bán, vận chuyển động vật bệnh, vứt xác động vật chết làm ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh.
Đáng chú ý, lãnh đạo tỉnh nhấn mạnh: Không để việc sắp xếp tổ chức, bộ máy tại địa phương ảnh hưởng đến công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh.
Cùng với đó, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thuộc tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt công tác tiêm phòng vaccine cho đàn vật nuôi; tổ chức tiếp nhận vaccine ngân sách nhà nước hỗ trợ (nếu có) và triển khai tiêm phòng ngay, bảo đảm tỷ lệ tiêm đạt tối thiểu hơn 80% tổng đàn hiện có.
Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh phòng bệnh; đẩy mạnh xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch, an toàn thực phẩm.
Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân về nguy cơ xảy ra dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và trước pháp luật nếu thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo để xảy ra dịch bệnh gia súc, gia cầm phát sinh trên diện rộng, gây thiệt hại lớn trên địa bàn quản lý.
Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Nam Định có trách nhiệm tập trung chỉ đạo, tổ chức hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là các chương trình, kế hoạch về phòng, chống dịch bệnh động vật đã được phê duyệt; chủ động phối hợp giám sát tình hình dịch bệnh để phát hiện sớm, cảnh báo và chỉ đạo xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.
Phối hợp tổ chức kiểm tra, giám sát, phát hiện các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; triển khai thực hiện tốt công tác quản lý dịch bệnh động vật qua hệ thống trực tuyến (VAHIS).
Đối với Công an tỉnh, chỉ đạo các đơn vị, công an các địa phương phối hợp với lực lượng chức năng của Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Môi trường và chính quyền cơ sở trong việc ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật các trường hợp buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật.
Các sở, ngành liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.